Hàng xóm lấn đất và đã xây nhà, làm thế nào để đòi lại?

Việt Sáng Thứ sáu, ngày 16/09/2022 18:00 PM (GMT+7)
Theo luật sư, hành vi lấn chiếm đất là một trong những hành vi bị cấm theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Đất đai 2013.
Bình luận 0

Bạn đọc hỏi

Nhà tôi có mảnh đất hơn 300m2 nhưng trước đây bị hàng xóm lấn và làm nhà, nay muốn đòi lại, liệu có đòi được không?

Hàng xóm lấn đất đã làm nhà có đòi được không?

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa - Đoàn LS TP Hà Nội cho biết, hành vi lấn chiếm đất là một trong những hành vi bị cấm theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Đất đai 2013.

Để đòi lại phần đất bị lấn chiếm, người sử dụng đất cần phải chuẩn bị đầy đủ giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất của các bên, các tài liệu về đất đai được quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013 như: Sổ sách địa chính, sổ đăng ký ruộng đất, bản đồ địa chính, các tài liệu thể hiện mốc giới, tứ cận của thửa đất,… các tài liệu khác thể hiện hiện trạng thửa đất trước khi có việc lấn chiếm để làm căn cứ xác định quyền sử dụng đất hợp pháp của mỗi bên.

Khi xác định được các số liệu chính xác làm cơ sở để xác định ranh giới thửa đất thì mới có căn cứ để Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện.

Trường hợp đất lấn chiếm đã xây dựng nhà cửa kiên cố thì về nguyên tắc, hộ gia đình, cá nhân có đất bị lấn chiếm có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên lấn chiếm tháo dỡ phần xây dựng trái  phép.

Theo luật sư, Nghị định 91/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai nêu rõ mức xử phạt trường hợp lấn chiếm đất nông nghiệp tại nông thôn.

Hành vi lấn chiếm đất là một trong những hành vi bị cấm theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Đất đai 2013. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, phía hộ gia đình, cá nhân có đất bị lấn chiếm phải chứng minh thời điểm xây dựng trên phần đất lấn chiếm các bên đã có tranh chấp, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã có quyết định cấm xây dựng, nhưng bên lấn chiếm vẫn cố tình xây dựng.

Nếu vì lí do khách quan thực tế khi thi hành án bên lấn chiếm không thể trả lại phần đất lấn chiếm thì hộ gia đình, cá nhân có đất bị lấn chiếm được quyền đề nghị Tòa án buộc bên lấn chiếm phải thanh toán cho hộ gia đình, cá nhân có đất bị lấn chiếm giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường hoặc bồi thường thiệt hại đối với phần đất hoặc không gian mà không được sử dụng.

Căn cứ khoản 4 điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ - CP người lấn chiếm đất của hộ gia đình, cá nhân có thể bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05 héc ta;

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;

Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;

Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 01 héc ta trở lên.

Trường hợp lấn chiếm đất tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với loại đất tương ứng và mức phạt tối đa không quá 500.000.000 đồng đối với cá nhân, không quá 1.000.000.000 đồng đối với tổ chức.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem