Hành trình từ lao động làm thuê trở thành doanh nhân tạo việc làm cho hàng trăm lao động

Thùy Anh Thứ tư, ngày 27/07/2022 09:45 AM (GMT+7)
Với khát vọng cháy bỏng được làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, nữ nông dân trẻ đã tìm tòi, học hỏi để trở thành một doanh nhân. Sau 17 năm khởi nghiệp, chị đã tạo dựng được hợp tác xã trồng, chế biến trà đạt chứng chỉ OCOP 4 sao tạo việc làm cho gần trăm lao động.
Bình luận 0

Quyết tâm đưa thương hiệu trà Tân Cương đi khắp nơi

Chị Hoàng Thị Tân 42 tuổi, người dân tộc Tày là Giám đốc Hợp tác xã Tâm Trà Thái ở Tân Cương (TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên). Từng là nông dân, đi làm thuê cho nhiều cơ sở sản xuất trà Tân cương trên địa bàn, chị Tân đã từ bỏ con đường làm thuê, quyết tâm khởi nghiệp bằng thương hiệu trà sạch Tân Cương. Trên chặng đường ấy, chị đã tạo việc làm cho hàng chục lao động nghèo ở địa phương.

trà

Thành viên thuộc Hợp tác xã Tâm Trà Thái thu hái chè. Ảnh: N.T

Chị cho biết, chị đến nghề trà cũng là một cái duyên "Ngày xưa công việc sao trà, hái trà nhất là bán trà rất vất vả. Nông dân không có đầu ra nên đem ra chợ huyện bán, người mua vui thì mua đắt, buồn thì mua rẻ. Một bao trà lá nhỏ thôi nhưng người ta trừ tới 3kg bì", chị Tân kể lại.

Tân Cương là vùng đất nằm ở phía Đông của dãy núi Tam Đảo (Vĩnh Phúc), với độ cao gần 1.000 m so với mặt nước biển, nên dãy núi đã che và ngăn được những tia cực tím trong khúc xạ ánh nắng buổi chiều, tác động đến sự quang hợp của cây chè. Do đó, trà Tân Cương có vị khác hẳn so với trà ở nơi khác, ngọt hậu rất sâu. Hơn nữa, vùng Tân Cương có đất đá gan trâu đặc biệt hợp với cây chè, do có nhiều khoáng chất; lại nằm ở hạ lưu vùng núi Cốc, giữa 2 dòng sông, nên thổ nhưỡng cực tốt.

Chính bởi lúc nhỏ gia đình chị rất khó khăn nên chị đã quyết tâm học để thoát khỏi nghề trồng trà. Thế nhưng duyên đã định, sau khi học ra trường chị lại xin vào làm việc cho một công ty rất là lớn chuyên sản xuất, chế biến trà. Từ đó, chị Tân có cơ duyên gặp rất nhiều tiền nhân có hiểu biết yêu trà đã cho chị những lời khuyên, khiến chị thay đổi và quay trở về với trà.

Nhớ lại quãng thời gian đó chị Tân không khỏi rùng mình. Lúc đó còn quá trẻ, tiền không có, mối quan hệ cũng không nên chị đã ngồi lại với các gia đình trồng trà tìm hướng đi mới.

Lúc đó cũng may là Hồ núi Cốc vừa đi vào hoạt động, nên chị Tân đã làm việc với các công ty lữ hành và cả các khách sạn, đề nghị hợp tác trong việc đưa khách du lịch thăm quan vùng trà. “Những ngày ấy, tôi chẳng quản ngại mưa nắng tham gia hướng dẫn từng đoàn du lịch, nhân thể quảng bá về trà. Dù rất say xe, phải đứng ngược chiều trên xe để giới thiệu cho đoàn khách tới thăm quan, trải nghiệm, uống trà nhưng tôi vẫn cố gắng".

trà

Chị Hoàng Thị Tân (bên phải ảnh) giới thiệu về các sản phẩm trà lá của hợp tác xã. Ảnh: N.T

Từ những cố gắng nho nhỏ ấy, hợp tác xã của chị Tân có thêm nhiều khách hàng mới. Năm 2005 chị Tân thành lập tổ hợp sản xuất trà, huy động sự tham gia của nông dân, tới năm 2018 thì chuyển đổi thành lập hợp tác xã Tâm trà Thái. May mắn đúng lúc chị đang loay hoay tìm hướng quản lý, phát triển hợp tác xã thì được giới thiệu tham gia lớp học thí điểm Đào tạo nghề cho giám đốc hợp tác xã theo chương trình Đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

"Tôi đã rất bất ngờ vì tất cả những kiến thức được học là những kiến thức tôi đang cần. Các thầy không chỉ dạy cho tôi, trồng trà thế nào, bón phân ra sao, thu hái, sao chế như thế nào... các thầy còn dạy cả kiến thức khởi nghiệp kinh doanh, kỹ năng quản lý, cách đóng tem nhãn, cách livestream bán hàng trực tuyến, thậm chí tôi còn học được cả cách làm du lịch sinh thái...", chị Tân kể lại.

Từ những kiến thức được học, chị và hợp tác xã nhanh chóng chuyển đổi số, áp dụng vào thực tế sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, hợp tác xã phát triển từng ngày.

Dịch bệnh doanh số bán trà Tân Cương vẫn tăng lên

Đặc biệt, dù 2 năm qua cả nước đối mặt với dịch bệnh, thế nhưng doanh số bán hàng của hợp tác xã còn cao hơn trước. Hàng hóa của hợp tác xã Tâm Trà Thái không chỉ bán trong nước mà còn được bán đi nhiều thị trường như Mỹ; Pháp...

"Lúc dịch bệnh không có khách du lịch, nhiều nông dân cầm túi trà mẫu đi chào hàng nhưng không bán được vì không có khách. Rất may vì chuyển đổi số thành công, nên hàng hóa của hợp tác xã vẫn được chào bán trên các sàn thương mại điện tử, doanh số bán ra vẫn tăng trưởng tốt.

Chị Tân là một trong nhiều lao động được hưởng lợi từ chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Chị cũng là tấm gương điển hình cho nông dân thời đại 4.0. Theo chị Tân, nông dân bây giờ không chỉ cần giỏi về chuyên môn, không chỉ biết trồng trọt, hay chăn nuôi mà còn cần có kỹ năng chăm sóc, bán hàng...

Hiện nay hợp tác xã Tâm Trà Thái có 8 thành viên sáng lập và có thêm 19 hộ liên kết với tổng diện tích trồng trà là hơn 20 héc ta. Trong đó có 8,6 héc ta đã được gắn mã vùng trồng. Quy mô sản xuất gần 20 tấn/năm, sản lượng không tăng qua các năm, lý do là bởi hợp tác xã sản xuất thiên về chất lượng, chỉ lấy trà đinh với trà tôm nõn (2 loại trà ngon nhất). Trong đó, 2 sản phẩm chính là Nhất đinh trà và trà tâm nõn đã đạt chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao.

trà Tâm trà thái

Các sản phẩm trà sen của Hợp tác xã Tâm Trà Thái đã được xuất đi thị trường Pháp, Mỹ. Ảnh: H.T

Sau 17 năm hình thành và phát triển, tới nay thu nhập của các hộ liên kết tham gia hợp tác xã tăng lên đáng kể, gấp đôi so với trước. Thu nhập dao động từ 4,5- 15 triệu đồng, tùy từng bộ phận. Ngoài các công việc trồng thu hái trà tại diện tích của gia đình, các lao động còn được tạo thêm công ăn việc làm. Sau giờ làm họ lại tập trung về hợp tác xã làm các công việc xao trà, đóng gói trà. Lao động làm việc cho hợp tác xã nhận công nhận, từ 150.000 -250.000 đồng/1 ngày.

Chị Nguyễn Thị Nhung (Thành viên của hợp tác xã Tâm Trà Thái) cho biết, chị cùng các lao động ở hợp tác xã được tham gia các lớp đào tạo chuyển đổi số. Ngoài ra lao động trong hợp tác xã còn được hỗ trợ phân bón hữu cơ, và các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

“Từ ngày tham gia hợp tác xã thu nhập của những nông dân như chúng tôi tăng lên, đời sống cũng được cải thiện. Bà con sống được bằng nghề trồng trà. Đây là ước mơ bao đời của chúng tôi", chị Nhung nói. 

Hiện nay, theo chị Tân ngoài sản phẩm trà, hợp tác xã Tâm Trà Thái còn sản xuất kẹo lạc trà xanh, bột xanh pha trà sữa matcha, miến làm từ bột trà xanh.  Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, chị Tân cho biết tới đây hợp tác xã sẽ nghiên cứu hợp tác cùng với một công ty sản xuất xà phòng trà xanh, tập trung đi vào nâng cao chất lượng từng sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm trà.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem