Hành trình đưa nước rửa tay đi Mỹ của ông chủ Mỹ Hảo

21/06/2020 06:23 GMT+7
Ở Mỹ, các con kiếm cả tháng không mua được nước rửa tay còn ở Việt Nam, ông Lương Vạn Vinh ngày nào cũng ngóng trông giấy chứng nhận FDA.

Đó là lo lắng vào hồi tháng 3/2020 của ông Lương Vạn Vinh, Tổng giám đốc Công ty Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo. Là một doanh nghiệp nội địa có hơn 2 thập niên quen thuộc với người tiêu dùng với những chai nước rửa chén giá cả rất bình dân, Covid-19 là cơ duyên đưa ông Vinh đến với lĩnh vực nước rửa tay diệt khuẩn.

Tham gia nhanh chóng

Cuối tháng 2, đầu tháng 3, khi không chỉ khẩu trang mà giá cả gel rửa tay diệt khuẩn cũng tăng mạnh, ông Vinh kể rằng, có những nhà thuốc tại TP HCM lúc ấy bán một chai gel rửa tay giá hàng trăm nghìn, một bình loại nửa lít giá 400.000 đồng.

"Gel rửa tay mà mắc như vậy thì người thu nhập thấp sao mua được", ông nói đó là động lực mình "vào cuộc". Trước đó, Mỹ Hảo chỉ sản xuất các sản phẩm như nước rửa chén, bột giặt, xà phòng và nước hoa...

Hành trình đưa nước rửa tay đi Mỹ của ông chủ Mỹ Hảo - Ảnh 1.

Ông Lương Vạn Vinh, Tổng giám đốc Mỹ Hảo trong buổi trò chuyện ngày 12/6. Ảnh: Viễn Thông

Từ lúc quyết định sẽ sản xuất đến khi chai nước rửa tay đầu tiên xuất xưởng chỉ mất 2 tuần. Với ông, bao bì mẫu mã chuẩn bị rất nhanh. Công phu nhất chỉ là giấy phép. Thậm chí, công thức và nguyên liệu cũng không phải chuyện khó cho người lâu năm trong ngành như ông.

"Đây là cái nghề của tôi mà, tôi nhìn vô là biết hết rồi. Sản xuất nước rửa tay chủ yếu cần cồn, mà nguyên liệu này chúng tôi không thiếu vì có làm nước hoa. Sau đó, mình cộng thêm một số nguyên liệu diệt khuẩn nữa", ông Vinh nói.

Tung sản phẩm ra thị trường không lâu, Covid-19 lại bùng phát mạnh ở Mỹ, nơi các con ông Vinh đều đang sinh sống và làm việc tại đây. Chuyện các con than khó tìm được chỗ bán gel rửa tay diệt khuẩn làm ông lo lắng. Ông nghĩ đến việc phải đưa sản phẩm của mình đến Mỹ, trước tiên là để các con sử dụng. Tuy nhiên, gel rửa tay diệt khuẩn muốn vào Mỹ phải được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép.

Cha con bắt tay 'chinh phục'

Để xin được giấy phép của FDA, các đầu mối tại Việt Nam chào giá dịch vụ làm thủ tục cho ông Vinh khoảng 500 triệu đồng, với thời gian hứa hẹn là 3 tháng. Với ông, chi phí này khá lớn trong bài toán kinh doanh, với biên lợi nhuận cho gel rửa tay diệt khuẩn chỉ hơn 10%.

"Làm cái này lãi rất ít, cả vốn lẫn lời còn không đủ tiền giấy phép. Mỗi container nước rửa tay các loại tôi xuất đi giá trị chỉ cũng khoảng 200-300 triệu đồng thôi", ông chủ Mỹ Hảo cho biết.

Lúc này, các con ông Vinh tại Mỹ tham gia giúp bố. Chịu trách nhiệm chính là người con gái thứ hai. Ông Vinh cho biết, người con này đã đi làm tại Mỹ và nắm rõ luật pháp nên đứng ra nghiên cứu trình tự hồ sơ thủ tục.

"Bên này chúng tôi gửi các hồ sơ mà phía cơ quan Mỹ yêu cầu để con gái tiến hành thủ tục. Nhờ có đầu mối là người hiểu luật mà làm cũng dễ, chi phí lại thấp hơn nhiều", ông Vinh cho biết, "Mỹ họ rất chuẩn mực, chứ không tuỳ tiện, tiêu chuẩn phải dùng đúng những chất nào thì mình phải dùng chất đó, dù chất khác có tốt hơn cũng không được".

Chỉ một tháng sau, Mỹ Hảo đã cầm được giấy phép của FDA để xuất khẩu gel rửa tay khô, nước rửa tay (phải xả lại bằng nước) và xịt diệt khuẩn. Đến nay, sau gần 3 tháng, đã có 7 container cập cảng một trong những tâm dịch của thế giới. Trên kệ hàng Mỹ, những chai nước rửa tay vẫn mang thương hiệu riêng của chính Mỹ Hảo, bao bì chỉ khác thị trường Việt Nam là dùng tiếng Anh.

"Tôi xuất khẩu đi Mỹ cũng lâu rồi, nhưng là những sản phẩm không cần FDA cấp phép như nước rửa chén, nước giặt...Do vậy, khi bán gel rửa tay sang đó thì tiêu thụ nhanh vì đã sẵn uy tín, bạn hàng và kênh phân phối tại các siêu thị", ông Vinh nói.

Các lô hàng gel rửa tay đầu tiên được nhà thu mua và hải quan kiểm định rất kỹ, để xác định mức độ tuân thủ theo giấy phép FDA.

Thời gian kiểm định mất một tuần. Những lô hàng về sau, khi đã được tin cậy thì hàng về kênh phân phối nhanh hơn. Mỹ Hảo đang đàm phán để cung cấp nước rửa tay cho Walmart. "Họ mua số lượng rất lớn nhưng đang trả giá khá thấp", ông Vinh nói công ty vẫn có thể đáp ứng đủ số lượng đề ra.

Xuất thân khiêm tốn

Ông Lương Vạn Vinh bắt đầu đi làm kiếm tiền từ khá nhỏ. Năm 10 tuổi, ông đi học làm nhang. Năm 16 tuổi, ông đi bán phụ tùng xe đạp ở lề đường Thuận Kiều. 17 tuổi, ông "đổi nghề" sang bán tạp hóa dạo bên ngoài chợ Bình Tây, quận 6.

Đến nay, ông Vinh đã có hơn 30 năm lăn lộn thương trường ngành hóa mỹ phẩm. Trong đó, thương hiệu Mỹ Hảo của ông đã có hơn 20 năm tồn tại. Vào thập niên 90, công ty là đơn vị tiên phong sản xuất nước rửa chén khi khái niệm này còn xa lạ ở Việt Nam. Nhờ vậy, thời gian đầu xuất hiện, nước rửa chén Mỹ Hảo hầu như chiếm lĩnh thị trường.

Tuy nhiên, nhận thấy cơ hội, các tập đoàn đa quốc gia vào cuộc rất nhanh và bài bản. Chỉ sau 2 năm, Mỹ Hảo mất khoảng một nửa thị phần, Tuy nhiên, khác với nhiều thương hiệu nội địa từng có thời "vàng son" rồi biến mất khi các công ty FDI đổ bộ, Mỹ Hảo vẫn tồn tại đến hôm nay.

Năm 1998, Mỹ Hảo nhận được lời "ngã giá" 10 triệu USD rồi nâng dần lên 30 triệu USD nhưng ông Vinh vẫn từ chối. Gần đây, công ty được một đơn vị định giá 40 triệu USD. Trong giới kinh doanh ngành này, Mỹ Hảo được ví với những từ như "đối thủ không cân sức" với hãng ngoại, kẻ "lì đòn" hay người "lụm bạc cắt".

Hiện nay, bình quân mỗi ngày thị trường nội địa tiêu thụ 200-300 tấn sản phẩm các loại của Mỹ Hảo. Mùa dịch vừa qua, hoạt động kinh doanh cũng gặp không ít khó khăn. Ông Vinh có hơn 200 công nhân và hơn 500 nhân viên tiếp thị bán hàng. "Tôi cũng xuất thân từ gia đình khó khăn nên tôi hiểu nếu cho mọi người nghỉ thì càng khó hơn, nên cũng phải cố gắng duy trì công việc cho họ", ông nói.

Do Covid-19 ở Việt Nam tạm lắng nên theo ông Vinh thị trường gel rửa tay đã chậm lại. Tuy nhiên, nước rửa tay thì vẫn bán khá. Ngoài ra, đại dịch cũng khiến người tiêu dùng quan tâm hơn đến điều kiện vệ sinh nhà cửa, quần áo nên ông nghĩ đến việc sản xuất thêm các sản phẩm giặt giữ, lau sàn có tính năng diệt khuẩn.

Thị trường xuất khẩu chiếm chưa đến 10% tổng doanh số của Mỹ Hảo nhưng ông Vinh cho rằng còn rất rộng lớn để khai thác. Tất nhiên, đây cũng không phải thị trường "màu hồng".

"Thị trường rất lớn nhưng cũng rất cạnh tranh. Các nhà thu mua chấp nhận mua hàng của mình nhưng cũng rất ép giá nhưng dẫu sao đây cũng là cơ hội của Việt Nam", ông Vinh nói.


Viễn Thông/Vnexpress
Cùng chuyên mục