Hậu Covid-19, doanh nghiệp ngành mía đường làm loại nước mía có một không hai

Khánh Nguyên Thứ năm, ngày 11/06/2020 19:00 PM (GMT+7)
Dịch Covid-19, đường nhập lậu và thực thi các cam kết trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đã khiến ngành mía đường lao đao chưa từng có, 1/3 số nhà máy đường đã phải đóng cửa. Để cứu ngành mía đường, nhiều doanh nghiệp (DN) đã đổi mới, tìm hướng chế biến sâu.
Bình luận 0

1/3 nhà máy phải đóng cửa

Khi những tác động của việc thực thi ATIGA đối với ngành mía đường còn đang khó đong đếm thì dịch Covid-19 như giáng thêm một đòn đau cho các DN trong ngành. 

Ông Nguyễn Văn Lộc - Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu dùng nói chung và mặt hàng đường nói riêng giảm sút. Từ đầu năm đến giữa tháng 4, các DN gần như không bán được hàng.

Tăng chế biến sâu để cứu ngành mía đường  - Ảnh 1.

Dây chuyền chế biến nước uống chiết xuất từ tế bào mía của Lavinafood. Ảnh: P.V

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, hiện nhiều DN đã tăng giá thu mua mía lên 800.000 - 850.000 đồng/tấn, có nơi thậm chí lên 950.000 đồng/tấn nhằm khuyến khích bà con nông dân giữ mía cho vụ tới.

Đơn cử như Công ty cổ phần Mía đường Sơn La, tính từ đầu năm đến cuối tháng 4, lượng đường tiêu thụ sụt giảm tới 50% so với cuối năm 2019 và công ty tồn kho 40.000 tấn đường.

Đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần Thành Thành Công-Biên Hòa (TTC Sugar) cũng thừa nhận, ngành mía đường đang chống chọi với cuộc khủng hoảng kép từ nhiều phía. 

Dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất và giao thương kinh tế bị đình trệ, sụt giảm trầm trọng nhu cầu tiêu thụ nguyên vật liệu sản xuất, trong đó gồm cả mặt hàng nhu yếu phẩm là đường.

Đó là chưa kể, từ ngày 1/1/2020, các cam kết trong ATIGA với ngành mía đường phải thực hiện, lượng đường nhập khẩu giá rẻ từ Thái Lan đã và đang đẩy hàng loạt nhà máy đường tại Việt Nam buộc phải đóng cửa vì không thể cạnh tranh về giá thành sản xuất

Người nông dân buộc phải từ bỏ cây mía vì các nhà máy đường không thể chi trả mức giá thu mua đủ trang trải cạnh tranh với cây trồng khác.

"Do chịu tác động của đường lậu, thực thi Hiệp định ATIGA, dịch Covid-19 nên 1/3 nhà máy đường đã phải đóng cửa. Hiện nay, chỉ còn 29 nhà máy đường còn tồn tại, giảm 12 nhà máy so với năm 2017. Đường không bán được nhưng DN vẫn phải cố gắng nâng giá mía cho nông dân để giữ mía sản xuất cho vụ tới. Nếu không có giải phải kịp thời ngành đường cũng sẽ không thể tồn tại" - ông Lộc nói.

Đổi mới để vực dậy ngành mía đường

Trên thực tế, có những DN trong ngành mía đường coi việc thực thi các cam kết trong ATIGA như là một cơ hội để đổi mới chính mình. 

Việc thực hiện các cam kết là không thể dừng lại, muốn nâng cao sức cạnh tranh, không còn cách nào khác, các DN phải đẩy mạnh chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm.

Đơn cử như Tập đoàn mía đường Lam Sơn, Thanh Hóa (Lasuco Group), ngay trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tập đoàn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhà máy chế biến thực phẩm công nghệ cao Lavinafood từ cuối tháng 3/2020, với mục tiêu chế biến các sản phẩm chuyên sâu, chất lượng, an toàn từ mía. 

Tổng mức đầu tư của dự án trên 600 tỷ đồng, dây chuyền chế biến theo công nghệ của Đức với công suất ban đầu khoảng 400.000 hộp sản phẩm/ngày.

Bà Đỗ Thị Quy - Giám đốc Công ty TNHH thương mại và XNK Lam Sơn – một thành viên của Lasuco Group cho biết, Lavinafood đang sắp sửa ra mắt nước uống chiết xuất từ tế bào mía Mitaji.

Được biết, công nghệ của Lavinafood cho phép trích ly lớp vỏ mía tới cấp độ tế bào, giữ được trọn vẹn các loại vi khoáng, dưỡng chất quý giá tập trung vỏ ngoài của cây mía như kẽm, selen, đặc biệt là Octacosanol - một chất chống oxy hóa tự nhiên giúp tăng cường sự hoạt động của trí não, cải thiện trí nhớ.

Để có đủ nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, Lasuco chủ trương thành lập các hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ mía (hiện đã có 10 HTX với diện tích 1.348ha mía). 

Lasuco dự định thành lập 40 HTX tại 40 xã trọng điểm của vùng mía Lam Sơn; thực hiện tổ chức lại sản xuất, xây dựng các vùng cánh đồng mía lớn tập trung ở 40 xã; phát triển 500 - 1.000 hộ sản xuất thành những DN vừa và nhỏ.

 Giá thu mua từ niên vụ 2021-2022 trở đi sẽ được nâng lên 1.000.000 đồng/tấn mía 10CCS, làm cơ sở để người dân yên tâm sản xuất.

Trong khi đó, TTC Sugar đang phối hợp, hợp tác chiến lược với các đối tác logistics chuyên nghiệp để tối ưu hóa hoạt động phân phối, đưa các sản phẩm đường chất lượng cao đến cho người tiêu dùng toàn cầu với giá tiêu dùng tốt nhất.

 Ví dụ như với kênh tiêu dùng B2C (DN và người tiêu dùng), công ty sẽ mang đến những sản phẩm bắt kịp xu hướng ẩm thực hiện đại như đường sạch Cô Ba, đường vàng Cô Ba, đường lỏng Mía Xanh, nước màu Bếp Xưa, Đường đen Nữ Hoàng... nhưng vẫn không làm phai nhạt sự tinh túy truyền thống.

Song song đó, TTC Sugar đẩy mạnh phát triển sản phẩm cạnh đường, sau đường công nghệ cao, chuỗi sản phẩm nông nghiệp, dự kiến sẽ tăng tỷ trọng của các sản phẩm cạnh đường, sau đường, bổ sung đáng kể tỷ trọng của các sản phẩm trong chuỗi nông nghiệp nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển ổn định và bền vững. 

Dự kiến, tới niên độ 2020-2021, cơ cấu doanh thu của các sản phẩm cạnh đường, sau đường của TTC Sugar sẽ tăng lên 30% so với 15% của niên độ 2018-2019.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem