Hậu Giang: Làng nghề ở miền Tây hơn nửa thế kỷ sống khá giả nhờ nghề bó chổi cọng lá dừa

Chúc Ly - Mai Anh Chủ nhật, ngày 29/08/2021 06:00 AM (GMT+7)
Xóm bó chổi cọng lá dừa ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, nơi được xem là cái nôi của nghề bó chổi đã tồn tại gần nửa thế kỷ. Cũng nhờ nghề này, nhiều gia đình ở đây đã trở nên khá giả hơn, có điều kiện lo cho con ăn học.
Bình luận 0

Xóm bó chổi cọng lá dừa nửa thế kỷ

Không ai nhớ rõ xóm bó chổi ở ấp Tầm Vu 1, xã Thạnh Hòa (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) được hình thành từ lúc nào. 

Nghề bó chổi từ cọng lá dừa vốn theo chân một người dân ở nơi khác đến đây sinh sống và truyền lại cho bà con chòm xóm để cùng nhau thoát nghèo. 

Clip: Xóm bó chổi hơn nửa thế kỷ ở miền Tây – tự hào làm đẹp trong nhà ngoài phố. Đó là ấp Tầm Vu 1, xã Thạnh Hòa (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang).

Từ đó, nghề bó chổi bằng cọng lá dừa được khai sinh và ngày càng phát triển. Từ vài hộ ban đầu theo nghề, đến nay xóm chổi đã phát triển thành một làng nghề truyền thống với 45 hộ tham gia. 

Trung bình mỗi ngày làng nghề cung ứng cho thị trường gần 1.000 cây chổi cọng lá dừa các loại.

Đi dọc con đường quê rợp bóng cây xanh, nơi dẫn vào xóm chổi, các cô các chú tay thoăn thoắt bên những bó cọng dừa, kèm theo đó là tiếng dao chặt cây, tiếng cười nói… khiến xóm chổi càng thêm nhộn nhịp. 

Hầu như trước sân nhà nào cũng có cọng dừa được phơi, dựng, chất thành đống.

Sở dĩ gọi là xóm chổi vì cụm từ ấy từ lâu đã đi vào đời sống của bà con nơi này. Theo những người gắn bó lâu năm với nghề bó chổi, nghề này có từ rất lâu đời, ước chừng khoảng hơn nửa thế kỷ. 

Ở đây, dù người thâm niên nhất cũng chỉ là tiếp nối, lưu giữ nghề truyền thống của cha ông để lại. Dần dà, những người thầy chỉ dạy nghề bó chổi bằng cọng lá dừa cho lớp trẻ ngày nay không ai khác là những người mẹ, người chị trong gia đình.

Xóm bó chổi hơn nửa thế kỷ ở miền Tây – tự hào làm đẹp trong nhà ngoài phố - Ảnh 3.

Ấp Tầm Vu 1, xã Thạnh Hòa (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) hiện có khoảng 45 hộ theo nghề. Ảnh: Mai Anh.

Ông Phan Văn Sang dù mới 55 tuổi nhưng đã có 43 năm gắn bó với nghề bó chổi cho biết: "Hồi trước có một bà ở dưới Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) lập gia đình ở xứ này, nên bà truyền nghề từ từ cho bà con trong xóm, tính ra cũng 40-50 năm rồi...".

Theo đó, ông bà của anh Sang làm nghề bó chổi cọng lá dừa rồi truyền dạy cho con cháu. Như ông Sang đã biết bó chổi từ nhỏ, lúc đó chừng 10 tuổi, thấy cha mẹ làm rồi làm theo...

"Ông bà xưa kể lại, xứ này xưa nghèo lắm, dân không có cục đất chọi chim. Nhưng nhờ nghề bó chổi cọng dừa này mà có đồng ra đồng vô, có hộ còn thoát nghèo nên nghề truyền tới bây giờ luôn", ông Sang chia sẻ.

Cũng theo ông Sang, nghề bó chổi chủ yếu lấy công làm lời, đặc biệt, phù hợp ở mọi lứa tuổi từ người già đến trẻ, không phân biệt đàn ông hay đàn bà. 

Nhờ nghề bó chổi, ông Sang xây dựng được căn nhà kiên cố, lo được cho 2 đứa con ăn học đến nơi đến chốn.

Xóm bó chổi hơn nửa thế kỷ ở miền Tây – tự hào làm đẹp trong nhà ngoài phố - Ảnh 4.

Ông Phan Văn Sang dù mới 55 tuổi nhưng đã có 43 năm gắn bó với nghề bó chổi cọng lá dừa. Ảnh: Mai Anh.

Xóm bó chổi hơn nửa thế kỷ ở miền Tây – tự hào làm đẹp trong nhà ngoài phố - Ảnh 5.

Để có cây chổi hoàn chỉnh, bền chắc, người thợ phải trải qua khoảng 4 - 5 công đoạn. Ảnh: Mai Anh.

Thao tác nhanh nhẹn, chỉ trong chớp mắt những cây chổi được ông Sang bó đều và khéo léo lần lượt ra đời. 

Vào dịp tết, trong xóm nhà nào cũng phải thức trắng đêm để làm việc. Tuy vất vả nhưng ai cũng vui, bởi cũng nhờ nghề bó chổi cọng dừa mà nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, nhà cửa khang trang hơn, thậm chí cho con ăn học thành tài.

Giữ gìn nghề truyền thống ở xóm bó chổi

Lúc trước để làm ra một cây chổi bằng cọng lá dừa phải trải qua nhiều công đoạn như: Mua tàu dừa, tách, chuốt, phơi, chẻ…

Nhưng hiện nguồn nguyên liệu làm chổi được nhiều nơi cung cấp đến tận nơi nên người dân trong xóm làm đỡ phần vất vả. Nghề bó chổi tuy không khó, nhưng đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỉ. Đặc biệt tất cả điều phải làm thủ công.

Xóm bó chổi hơn nửa thế kỷ ở miền Tây – tự hào làm đẹp trong nhà ngoài phố - Ảnh 6.

Sản phẩm của xóm chổi hơn nửa thế kỷ ở miền Tây hoàn toàn được làm bằng thủ công. Ảnh: Mai Anh.

Để có cây chổi hoàn chỉnh, bền chắc, người thợ phải trải qua khoảng 4 - 5 công đoạn: Từ việc làm mái chổi, công đoạn này thường mất nhiều thời gian và cực nhất. 

Sau khi đã định hình mái chổi, người thợ lần lượt kết từng cọng dừa vào, mỗi lần kết người thợ lại lấy dây găng buộc chặt để cọng chổi không dễ rơi, rớt khi quét. 

Tiếp đó là công đoạn làm cán chổi, đóng tre vào lõi của cán chổi (tăng độ bền), cuối cùng là tỉa chổi. Công đoạn này, người thợ dùng dao chặt cọng chổi cho đều và đẹp.

Tất cả công đoạn đều làm bằng thủ công nên người thợ mất khá nhiều công sức mới hoàn thành 1 cây chổi bền, đẹp đến tay người dùng. 

Người thợ lành nghề cũng phải mất cả tiếng đồng hồ mới làm xong 1 sản phẩm. Còn những ai mới vào nghề thì thời gian càng lâu hơn.

Thường một người thợ lành nghề mỗi ngày làm ra 20-30 cây chổi thành phẩm là chuyện thường, trừ chi  phí cũng thu về 130.000-160.000 đồng/ngày.

Còn những ai mới vào nghề thì 5 – 10 sản phẩm/ngày. Do tất cả đều được làm thủ công nên trăm cây chổi làm ra đều bền và đẹp.

Xóm bó chổi hơn nửa thế kỷ ở miền Tây – tự hào làm đẹp trong nhà ngoài phố - Ảnh 7.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thạch đã có hơn 30 năm gắn bó với xóm bó chổi cọng lá dừa. Ảnh: Mai Anh.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thạch kể: "Tôi học được cái nghề bó chổi này từ năm tôi 15 tuổi. Đến nay 30 năm rồi tôi vẫn gắn bó với nghề này vì không sợ nắng mưa, làm giờ nào cũng được. Nghề này lại có đồng vô đồng ra hằng ngày nên cũng ổn".

Mỗi cây chổi cần từ 400 - 600gr cọng lá dừa để thành phẩm (tùy vào kích cỡ). Sở dĩ người thợ biết rõ cân lượng của từng cây chổi vì trước khi bắt tay vào làm, họ đều mang cọng dừa lên bàn cân. 

"Cọng lá dừa chúng tôi phải đi mua ở các nơi khác. Nếu làm mà không cân chắc mọi người không có đồng lời nào luôn. Nghề này chủ yếu là lấy công làm lời thôi. Một cây chổi loại 1 có giá bán từ 25.000 đồng, loại 2 là 20.000 đồng/cây, loại nhỏ nhất (dùng để quét bếp) có giá chỉ 7.000đồng/cây" bà Thạch cho hay.

Xóm bó chổi hơn nửa thế kỷ ở miền Tây – tự hào làm đẹp trong nhà ngoài phố - Ảnh 8.

Theo bà Thạch, việc bó chổi chủ yếu lấy công làm lời, không khó làm nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ. Ảnh: Mai Anh.

Chổi cọng lá dừa cũng có nhiều loại: loại lớn dùng để quét nhà, quét sân; loại nhỏ để quét bếp, quét cà ràng ông Táo. 

Sản phẩm của làng nghề làm ra vừa đẹp về kiểu dáng, vừa chất lượng nên rất được người sử dụng ưa chuộng. 

Các mối lái đặt hàng thu gom lâu dài theo định kỳ và có giao kèo thỏa thuận về giá cả hẳn hoi tùy theo thời điểm nên những người làm nghề ở đây rất an tâm, không phải lo sợ bị tồn đọng hàng nhốt vốn. Cũng từ đó, những người thợ tâm huyết càng thêm gắn bó với nghề.

Từ việc không có đất sản xuất, nhiều gia đình xóm bó chổi Thạnh Hòa vươn lên thoát nghèo và có điều kiện lo cho con ăn học. 

Sự phát triển của làng nghề không chỉ đem lại công việc ổn định cho người dân nơi đây mà còn góp phần giữ gìn nét đẹp truyền thống. Đó cũng là cách để bảo tồn nghề không bị mai một, tạo việc làm cho người dân, đảm bảo thu nhập ổn định.

Ngày nay dù cuộc sống ngày phát triển, nhưng đâu đó chổi cọng lá dừa vẫn giữ được nét riêng và không thể thiếu trong từng căn nhà, gian bếp, thậm chí trên những con phố khang trang.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem