Hậu Giang: Nuôi cá ruộng mùa nước nổi, đã chả phải cho ăn mà vụ lúa sau còn đỡ tiền mua phân bón

Chủ nhật, ngày 10/10/2021 19:06 PM (GMT+7)
Tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang những năm gần đây, nhiều bà con nông dân đã quay lưng với cây lúa Thu Đông để chuyển sang nuôi cá trên ruộng mùa nước nổi.
Bình luận 0

Mô hình nuôi cá ruộng này, ngoài hiệu quả về mặt kinh tế, còn góp phần cải tạo đất cho vụ lúa Đông Xuân tiếp theo. Vào thời điểm này, nước đã về, bà con nơi đây đang bắt đầu thả cá từ vèo ra ruộng.

Cách đây hơn một tháng, ông Trần Văn Bình ở ấp Mỹ Chánh, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đã chủ động mua hơn 20kg cá giống về thả ươm trong vèo. 

Sau khi thu hoạch lúa Hè Thu xong, những ngày qua thấy con nước đã tràn về khắp nơi, ông bèn bung lưới thả cá ra ruộng. 

Hậu Giang: Nuôi cá ruộng mùa nước nổi, đã chả phải cho ăn mà vụ lúa sau còn đỡ tiền mua phân bón - Ảnh 1.

Bà con nông dân huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) thả cá lên những cánh đồng ngập nước.

Theo ông Bình, nhiều năm qua bà con ở khu vực này đã bỏ vụ lúa Thu Đông ( lúa vụ 3) để thả cá ruộng vào mùa nước nổi. 

Đến cuối tháng 10 âm lịch khi nước rút thì mọi người lại đồng loạt thu hoạch cá trên ruộng để chuẩn bị gieo sạ vụ lúa Đông Xuân. Với 1ha ruộng thả cá nuôi trong mùa nước nổi, chỉ vài tháng sau ông Bình đã có thu nhập hơn 10 triệu đồng.

Ông Trần Văn Bình cho biết: “Tại đất mình làm ruộng vụ 3 không được thì mình phải nuôi một vụ cá để mình lấy tiền trang trải. Cá nếu thả 25kg thì bán khoảng 13-14 triệu đồng, còn thả 20 ký thì bán khoảng 10 triệu. Con khoảng 1kg trở lên, cá mè thì được 1,2-1,3kg, còn cá chép thì 800 gram- 1kg”.

Hàng năm vào mùa nước tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang nước thường đến sớm nhưng rút chậm hơn các nơi khác bởi nơi đây được xem là vùng đất trũng nhất ở khu vực ĐBSCL; Có những năm nước từ thượng nguồn đổ về không nhiều như năm nay. 

Tuy nhiên vào thời điểm này nhiều cánh đồng nơi đây đã mênh mông nước. Vì là vùng đất trũng nên trước đây bà con ở huyện này làm vụ lúa Thu Đông thường không có lời do lúa bị nước ngập, đổ ngã ảnh hưởng nhiều đến năng suất. 

Tuy nhiên từ lúc bỏ cây lúa Thu Đông bấp bênh chuyển qua nuôi cá ruộng thì bà con thấy hiệu quả vô cùng, giống như chuyện “ làm chơi, ăn thiệt”, bởi mô hình này chi phí đầu tư thấp, hiệu quả mang lại tương đối khá, ít rủi ro.

Bà con chỉ tốn chi phí mua lưới bao quanh ruộng lúa của mình để cá không thoát qua ruộng khác, chi phí mua cá giống nhưng không cần tốn chi phí thức ăn bởi cá tận dụng nguồn rơm rạ, lúa chét, vi sinh vật trên đồng để tăng trưởng. Sau hơn 3 tháng thả nuôi cá trên ruộng thì bà con bắt đầu thu hoạch cá thương phẩm.

Ông Nguyễn Văn Minh ở ấp Phương Hòa, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Tôi có 2ha thì năm nay thả 10 kg cá mè, 9kg cá chép. Cá chỉ cần ăn rạ với lúa chết thì rất mau lớn. Ở đây khoảng 30/10 âm lịch có lái xuống thì mình bán cá. Tầm mùng 10/11 âm lịch thì mình xuống giống vụ Đông Xuân”.

Hậu Giang: Nuôi cá ruộng mùa nước nổi, đã chả phải cho ăn mà vụ lúa sau còn đỡ tiền mua phân bón - Ảnh 3.

Nuôi cá ruộng mùa nước ở huyện Phụng Hiệp, (tỉnh Hậu Giang) nông dân chỉ tốn chi phí mua lưới và mua cá giống.

Nếu cách đây 5 năm toàn huyện Phụng Hiệp chỉ có gần 300ha nuôi cá ruộng trong mùa nước nổi thì hiện nay đã tăng hơn 10 lần.

Theo ông Trần Văn Tuấn - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, ngoài hiệu quả kinh tế, việc nuôi cá trên ruộng mùa nước còn góp phần làm tăng độ phì nhiêu của đất, các loại cá còn ăn các loại rong rêu, vệ sinh đồng ruộng, hạn chế được các loại cỏ dại trong mùa nước, giảm chi phí đầu tư cho vụ lúa tiếp theo. Nông dân nuôi cá trên ruộng có thể tiết kiệm được hơn 1 triệu đồng trên 1 ha.

"Hàng năm huyện Phụng Hiệp có diện tích nuôi cá ruộng rất lớn và đặc biệt năm nay diện tích nuôi cá ruộng dự kiến tăng lên khoảng 4.000ha. Bà con chuẩn bị cá giống, ươm trong ao mương xong hết rồi và hiện nay bắt đầu bung ra ruộng. Khi nuôi cá như thế thì con cá tự động làm cho đất tơi xốp và để lại một lượng phân rất lớn trên đồng. Như vậy tới vụ Đông Xuân sau số lượng phân bón sẽ giảm đi rất nhiều", ông Trần Văn Tuấn cho hay.

Sản xuất theo hướng “thuận thiên” đang là xu hướng sản xuất phổ biến của người dân vùng ĐBSCL hiện nay. Tùy vào điều kiện của từng vùng, từng khu vực mà bà con có mô hình sản xuất phù hợp với tự nhiên, từ đó giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập.

Với những hiệu quả về kinh tế, cải tạo đất cũng như giảm thiểu rủi ro từ yếu tố thiên nhiên, nuôi cá ruộng mùa nước ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đang dần khẳng định là một mô hình sản xuất lý tưởng, biết dựa vào điều kiện tự nhiên để tạo ra nguồn thu nhập ổn định, thay vì bám cây lúa Thu Đông bấp bênh thường xuyên bị đổ ngã, mất mùa trong thời điểm nước lên.

Tấn Phong (VOV-ĐBSCL)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem