Hậu khai thác khoáng sản ở Hà Nội: Huyện Quốc Oai nêu rõ sai phạm của các ông chủ mỏ

Văn Hoàng - Nguyễn Đức Thứ ba, ngày 05/07/2022 06:00 AM (GMT+7)
Dù UBND huyện Quốc Oai, TP Hà Nội đã ra nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc doanh nghiệp hết hạn khai thác đóng cửa mỏ, hoàn thổ môi trường nhưng đến nay các chủ mỏ vẫn chưa thực hiện, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Bình luận 0

UBND huyện Quốc Oai liên tiếp có văn bản chỉ đạo đôn đốc đóng cửa mỏ

Làm việc với PV, cán bộ UBND huyện Quốc Oai đưa ra nhiều văn bản yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện đúng nghĩa vụ khi Giấy phép khai thác khoáng sản hết hiệu lực. Thế nhưng, thực tế hiện nay các khu vực khai khoáng vẫn chưa được hoàn nguyên. 

Ngay từ ngày 19/10/2020 sau khi nhận phản ánh của người dân xung quanh khu vực mỏ đá về việc các mỏ đá sau khi hết hạn khai thác đã để lại nhiều hố sâu tại khu vực khai thác gây nguy hiểm, mất an toàn cho người dân và gia súc trong quá trình chăn thả và hiện tượng đất đá sạt lở xuống đồng ruộng, UBND huyện Quốc Oai đã ra văn bản số 2454/UBND-TNMT gửi UBND TP.Hà Nội và Sở TNMT Hà Nội về việc đề nghị và yêu cầu các đơn vị khai thác thực hiện đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường và đất đai tại mỏ đá hết hạn.

Ngày 19/5/2021, UBND huyện Quốc Oai tiếp tục có văn bản số 1355/UBND-TNMT gửi Công ty Cổ phần VIMECO, Công ty TNHH MTB ĐTXD Khai thác mỏ Thuận Phát, Công ty Cổ phần sản xuất thương mại Hà Tây về việc thực hiện nghĩa vụ khi Giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực.

Hậu khai thác khoáng sản ở Hà Nội: Huyện Quốc Oai nêu rõ sai phạm của các ông chủ mỏ - Ảnh 1.

Sau quá trình khai thác, đá ngổn ngang tại mỏ của Công ty Cổ phần VIMECO. Ảnh: Nguyễn Đức

Văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan chấm dứt hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; Lập đề án đóng cửa mỏ và gửi hồ sơ về Sở TNMT Hà Nội để được hướng dẫn thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường và đất đai theo quy định của pháp luật trước ngày 30/6/2021. 

Sau thời hạn nếu các đơn vị chưa thực hiện, Sở TNMT sẽ giao Thanh tra Sở xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi không lập đề án đóng cửa mỏ và không nộp hồ sơ đóng cửa mỏ theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4, Điều 49 Nghị định 26/2020/NĐCP ngày 24/3/2020 của Chính phủ.

Tiếp đến ngày 25/9/2021 UBND huyện Quốc Oai tiếp tục ra văn bản số 2853/UBND-TNMT đôn đốc lập đề án đóng cửa mỏ đối với các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn.

UBND huyện Quốc Oai chỉ đạo các đơn vị đã hết hạn khai thác khoáng sản trên địa bàn gồm Công ty VIMECO, Công ty Thuận Phát, Công ty Sotraco, Công ty Bình Minh, Công ty Hà Tây chấm dứt các hoạt động khai thác và lập đề án đóng cửa mỏ gửi hồ sơ về Sở TNMT Hà Nội để được hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ liên quan đến đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường, đất đai trước ngày 30/9/2021.

Hậu khai thác khoáng sản ở Hà Nội: Huyện Quốc Oai nêu rõ sai phạm của các ông chủ mỏ - Ảnh 3.

Hố nước "khổng lồ" ở khu vực lưng chừng núi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Ảnh: Nguyễn Đức

Tuy nhiên đến thời điểm cuối tháng 6/2022, phóng viên Dân Việt ghi nhận các mỏ khai thác khoáng sản vẫn là một "hố tử thần" lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân. Đặc biệt tại khu vực này, người dân, trẻ nhỏ thường xuyên ra tắm, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước.

Doanh nghiệp khai khoáng vi phạm pháp luật

Luật Khoáng sản 2010, Luật Bảo vệ môi trường 2014 và các văn bản hướng dẫn luật có liên quan đã bổ sung những quy định về hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản.

Thực tế cho thấy, việc hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản là rất cần thiết để bảo vệ môi trường nơi diễn ra hoạt động khoáng sản. Theo quy định của pháp luật về khoáng sản, doanh nghiệp sau khi kết thúc khai thác khoáng sản phải có trách nhiệm lập, trình cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy phép khai thác trước đó phê duyệt đề án đóng cửa mỏ để thực hiện công tác cải tạo, phục hồi môi trường. Doanh nghiệp phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác kiểm tra, nghiệm thu làm cơ sở ban hành quyết định đóng cửa mỏ.

Hậu khai thác khoáng sản ở Hà Nội: Huyện Quốc Oai nêu rõ sai phạm của các ông chủ mỏ - Ảnh 4.

Khu vực khai thác mỏ của Công ty Thuận Phát. Ảnh: N.Đ

Tuy nhiên hiện nay, doanh nghiệp khai thác mỏ Phú Mãn III (mỏ VIMECO), mỏ Thuận Phát không thực hiện đúng cam kết hoàn thổ, trồng rừng và phục hồi nguyên trạng môi trường sau khai thác khiến người dân xã Phú Mãn bức xúc.

Ngoài ra, theo thông tư số 38/2015/TT-BTNMT, tổ chức, cá nhân sau khi đã hoàn thành từng phần hoặc toàn bộ nội dung cải tạo, phục hồi môi trường theo Đề án hoặc Đề án bổ sung được phê duyệt thì lập Báo cáo hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận.

Hậu khai thác khoáng sản ở Hà Nội: Huyện Quốc Oai nêu rõ sai phạm của các ông chủ mỏ - Ảnh 5.

Thiết bị máy móc, băng tời bị hoen dỉ tại công trường khai thác của Công ty Thuận Phát. Ảnh: Văn Hoàng.

Theo quy định, những doanh nghiệp không chấp hành quy định hoàn thổ sẽ bị xử phạt hành chính từ 100 – 250 triệu đồng (Nghị định số 155/2016/NĐ-CP). Tuy nhiên, nhiều người cho rằng mức phạt này còn quá thấp không đủ sức răn đe. 

Hơn thế nữa, chi phí doanh nghiệp phải bỏ ra để hoàn phục môi trường lớn hơn nhiều lần số tiền ký quỹ nên nhiều chủ mỏ nộp tiền ký quỹ và bỏ lại khu mỏ nham nhở sau khai thác để chính quyền thực hiện hoàn thổ.

PV Dân Việt cũng đã liên hệ với các doanh nghiệp khai khoáng trên địa bàn huyện Quốc Oai nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ hoàn thổ, tuy nhiên đến nay chưa nhận được phản hồi chính thức.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem