Hé lộ cuộc ngã giá giữa Đồn phó biên phòng và lâm tặc

Chủ nhật, ngày 21/01/2018 14:08 PM (GMT+7)
Sau khi thống nhất mức giá 8 triệu đồng/m3 gỗ pơ mu, các đối tượng đã tàn phá rừng phòng hộ tan hoang...
Bình luận 0

Như tin chúng tôi đã đưa, ngày 19.1, Tòa án Quân sự Khu vực I (Quân khu 5) mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Vi phạm về khai thác bảo vệ rừng” chặt phá gỗ pơ-mu xảy ra tại khu vực biên giới xã La Dêe, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Đây là vụ phá rừng từng gây rúng động dư luận cả nước, với 21 bị cáo có liên quan. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 4 ngày.

Trong đó, Lê Xuân Chính thời điểm bị cáo buộc có hành vi phạm pháp đang mang quân hàm đại úy, là Đồn phó Đồn biên phòng cửa khẩu Nam Giang, kiêm Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Nam Giang (bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam).

img

Lê Xuân Chính.

Theo cáo trạng, tháng 3.2016, Chính biết Tiêu Hồng Tư đang cần người khai thác gỗ nên giới thiệu Nguyễn Văn Quang cho Tư. Khoảng đầu tháng 5.2016, Quang rủ Nguyễn Văn Thắng, Lê Trọng Dương và nhiều bị cáo khác vào bốc gỗ tại cửa khẩu Nam Giang. Quang đi theo đường công vụ biên phòng (thuộc rừng phòng hộ Nam Sông Buông, tiểu khu 351 xã La Dêe) hướng từ cộc mốc 717 về hướng cột mốc 716 vào rừng quan sát tìm gỗ pơ mu. Bị cáo này phát hiện khu vực có cây pơ mu cách đường công vụ này chừng 200m nên dùng điện thoại di động quay phim lại rồi đưa cho Chính xem.

Sau khi xem phim, Chính nói khu vực đó khai thác được. Khoảng vài ngày sau, vị Đồn phó này gọi Quang rồi đặt vấn đề gỗ pơ mu cưa xẻ thành phách, vận chuyển ra đến đường bốc lên xe giá 7 triệu đồng/m3 được không? Lúc này, Quang ra giá 8 triệu đồng thì mới làm được.

Không lâu sau, Chính điện cho Tư với nội dung rằng Quang tìm được khu vực có gỗ pơ mu và giá cả là 8 triệu đồng/m3. Tư thống nhất với mức giá này. Chính báo cho Quang biết và đề nghị tìm người khai thác, có chuyện gì thì Chính lo liệu nhưng phải khai thác "kín đáo, tế nhị".

Thời gian khai thác được các bị cáo thống nhất từ chiều đến tối. Theo lời Chính, khu vực này ban ngày có nhiều người qua lại nên phải làm đêm và không để cho ai biết.

Nhiều bị cáo trong đội khai thác gỗ lo lắng thì được Quang trấn tĩnh đại loại như làm cho Chính nên không phải lo. Về sau, Chính sẽ lo việc đóng dấu nhập cảnh cho gỗ pơ mu bị chặt trái phép... Trong quãng thời gian này, Chính nhiều lần thúc giục Quang đẩy nhanh tiến độ khai thác, vận chuyển nhanh ra bãi tập kết để chờ khi nào đủ xe thì vận chuyển đi.

Khi lực lượng chức năng bí mật phát hiện việc này, Chính đã điện thoại cho Quang chỉ đạo các đối tượng trong nhóm vận chuyển gỗ rời khỏi hiện trường đi về quê. Riêng Quang, Chính yêu cầu thay đổi số liên lạc rồi trốn sang Lào lánh nạn.

Ngày 15.7, Quang bỏ sang Lào. Trên đường đi Chính điện thoại nói chuyện với Quang đi đâu đó càng lâu càng tốt, nếu được thì trốn biệt đi vài năm. Cùng lắm nếu bị bắt thì nhận trách nhiệm đừng khai Chính, còn vợ con ở nhà đã có Chính và Tư lo. Tuy nhiên, Quang ở Lào một thời gian thì trở về Việt Nam và bị bắt giữ.

img

Tiêu Hồng Tư.

Cáo trạng cũng thể hiện vai trò chủ chốt, móc nối giữa Chính, Tư và Quang là nghiêm trọng. Trong quá trình khai thác, vận chuyển, Chính và Quang thường xuyên đốc thúc các bị can khác làm việc. Tư được xác định là người cung cấp lương thực, thực phẩm, xăng dầu và tiền bạc cho các bị cáo khác thực hiện hành vi phạm pháp.

Được biết, qua kiểm đếm, lực lượng chức năng xác định các bị cáo đã cưa xẻ 41 gốc cây gỗ pơ mu với tổng khối lượng là 53,123m3. Tổng cộng giá trị thiệt hại được xác định là hơn 3,2 tỷ đồng.

XEM THÊM:

Cận cảnh lô gỗ lậu nghi do lâm tặc phá rừng táo tợn tại Bình Định.

Lê Nhâm Thân (Người Đưa Tin)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem