Hé lộ hành vi "kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp" bị Bộ Tài chính “từ chối”?

H.Anh Chủ nhật, ngày 07/02/2021 13:08 PM (GMT+7)
Bộ Tài chính đề nghị lược bỏ nhiều hoạt động như trục lợi bảo hiểm, thu chi sai mục đích khỏi danh mục hoạt động kinh tế ngầm.
Bình luận 0

Bộ Tài chính mới đây đã có văn bản trả lời Tổng cục Thống kê về việc rà soát danh mục hoạt động và xây dựng chỉ tiêu đầu vào phục vụ đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát.

Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị lược bỏ nhiều hoạt động ra khỏi danh mục kinh tế ngầm do Tổng cục Thống kê xây dựng.

Lược bỏ hành vi "trục lợi bảo hiểm" khỏi kinh tế ngầm

Với lĩnh vực bảo hiểm, Bộ Tài chính đề nghị lược bỏ hành vi "trục lợi bảo hiểm" khỏi danh mục hoạt động kinh tế ngầm do không có hành vi này trong các quy định về kinh doanh bảo hiểm.

Với lĩnh vực tài chính - ngân hàng, cơ quan này đề nghị lược bỏ khỏi danh mục hoạt động kinh tế ngầm hành vi "tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không đúng với phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khi chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật" và "chuyển nhượng trái phiếu được phát hành riêng lẻ trong thời gian hạn chế chuyển nhượng, trừ trường hợp được pháp luật quy định".

Lý giải về đề nghị này, Bộ Tài chính cho rằng hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được thực hiện theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm. Theo đó, các doanh nghiệp tổ chức phát hành khi đáp ứng đủ điều kiện, hồ sơ theo quy định và phải công bố thông tin trước khi phát hành, công bố kết quả phát hành và công bố thông tin định kỳ cho nhà đầu tư cũng như Sở giao dịch chứng khoán.

Với lĩnh vực chứng khoán, Bộ Tài chính đề nghị lược bỏ hành vi "mua, bán cổ phiếu khi pháp luật chưa cho phép" do chưa có chế tài.

Bên cạnh đó, cơ quan cũng đề nghị lược bỏ nhiều nội dung về hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước khỏi danh mục hoạt động kinh tế ngầm, gồm: các khoản thu ngoài ngân sách nhà nước không được ghi chép, báo cáo; chi ngân sách sai quy định như chi không đúng dự toán, chi sai mục đích, sai tiêu chuẩn, sai định mức; truy thu từ chi không đúng dự toán.

Lý giải về đề nghị loại bỏ khỏi danh mục các khoản thu ngoài ngân sách không được ghi chép và báo cáo, Bộ Tài chính cho rằng hoạt động kinh tế ngầm là các hoạt động chưa được cấp phép, bị xử lý vi phạm hành chính. Còn số thu từ hoạt động này khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính thì đã được xử lý theo quy định của pháp luật.

"Về nguyên tắc, số thu này đã đưa vào ngân sách nhà nước. Trường hợp chưa thu được thì mới thuộc phạm vi đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát, số liệu này đề nghị giao cho các cơ quan thanh tra, kiểm toán báo cáo", Bộ Tài chính đề xuất.

Với các khoản chi ngân sách sai quy định, gồm: chi không đúng dự toán, chi sai mục đích, chi sai tiêu chuẩn, chi sai định mức, Bộ Tài chính cho rằng việc đưa các khoản này hoạt động kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp là chưa hợp lý.

"Các khoản chi ngân sách nhà nước đều phải được lập dự toán, khi chi ngân sách sai bị phát hiện qua kiểm soát chi, thanh tra, kiểm tra đều phải được quản lý theo quy định của pháp luật", Bộ Tài chính lý giải.

Cơ quan này cũng cho rằng các khoản truy thu từ chi không đúng dự toán không phù hợp với định nghĩa của hoạt động kinh tế ngầm. Theo đó, việc thu hồi, truy thu từ các khoản chi sai chế độ, sai dự toán là một cấu phần trong thu ngân sách nhà nước và có tính hợp pháp, được ghi chép, theo dõi đầy đủ trong ngân sách nhà nước.

Hé lộ danh sách "kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp": Hành vi nào bị Bộ Tài chính “từ chối”? - Ảnh 2.

Bộ Tài chính đề nghị lược bỏ nhiều hoạt động như trục lợi bảo hiểm, thu chi sai mục đích khỏi danh mục hoạt động kinh tế ngầm.

Lược bỏ hành vi "Cho vay với lãi suất ngầm" khỏi danh mục hoạt động kinh tế bất hợp pháp

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị lược bỏ hành vi "Cho vay với lãi suất ngầm" khỏi danh mục hoạt động kinh tế bất hợp pháp.

Cụ thể, hành vi "Cho vay với lãi suất ngầm" được Bộ Tài chính diễn giải là hoạt động vay tiền ở nơi có lãi suất tiền vay thấp để gửi vào nơi có lãi suất tiền gửi cao hoặc cho vay với lãi suất cao để ăn chênh lệch.

Theo Bộ Tài chính, hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào cấm và đưa ra các chế tài xử phạt, dù Ngân hàng Nhà nước từng có những công văn chỉ đạo các ngân hàng thương mại ngăn chặn hành vi này.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính cho biết, theo chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài chính tại các Nghị định, Bộ Tài chính có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xổ số, trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, casino và đặt cược được cấp phép theo quy định. Vì vậy, Bộ này đề nghị không đưa các nội dung về "đánh bạc, lô đề, cá cược bất hợp pháp" thuộc trách nhiệm thu thập thông tin, dữ liệu và tổng hợp của Bộ Tài chính.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem