Hé lộ hệ sinh thái doanh thu nghìn tỷ, lợi nhuận lèo tèo xoay quanh Vigecam

Quang Dân Thứ sáu, ngày 16/07/2021 07:30 AM (GMT+7)
Các doanh nghiệp doanh thu nghìn tỷ, lợi nhuận lèo tèo Dân Việt đã đề cập lại có mối quan hệ khá mật thiết với nhau, tạo thành một hệ sinh thái nông nghiệp có doanh thu và quy mô tài sản chục nghìn tỷ đồng xoay quanh Vigecam.
Bình luận 0

Hé lộ hệ sinh thái nông nghiệp nghìn tỷ đồng xoay quanh Vigecam

Như Dân Việt đã đề cập tại bài Điểm mặt doanh nghiệp chỉ vài nhân viên, doanh thu nghìn tỷ nhưng lợi nhuận "bé tẹo teo", trên thị trường ngày càng xuất hiện nhiều doanh nghiệp có nhân sự khá ít ỏi nhưng lại có bước nhảy vọt về quy mô tài sản từ chục tỷ lên vài nghìn tỷ đồng trong thời gian rất ngắn. Đi kèm với đó doanh thu tăng phi mã, tuy nhiên lợi nhuận lại chỉ "lẹt đẹt" ít đồng.

Thú vị là, những công ty này lại có mối quan hệ khá mật thiết với nhau, tạo thành một hệ sinh thái nông nghiệp có doanh thu và quy mô tài sản chục nghìn tỷ - xoay quanh Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp - Công ty TNHH MTV (Vigecam).

Từ Đầu tư Hoàn Kiếm, "hé lộ" hệ sinh thái nông nghiệp nghìn tỷ đồng xoay quanh Vigecam - Ảnh 1.

Hệ sinh thái nông nghiệp nghìn tỷ đồng xoay quanh Vigecam. Ảnh Vigecam.

Cụ thể, trong quá khứ, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Tín Phát từng là công ty con do Vigecam sở hữu trên 76% vốn. Tuy nhiên, năm 2016 Vigecam bắt đầu cổ phần hóa, lộ trình này kết thúc vào năm 2017. Sau cổ phần hóa, Vigecam thoái sạch vốn tại Đầu tư xây dựng và thương mại Tín Phát.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Long (sinh năm 1981) là chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Đầu tư Hoàn Kiếm cũng là cổ đông sáng lập Công ty Cổ phần Kinh doanh thương mại Thịnh Phát. 

Trùng hợp hơn khi Công ty Đầu tư Hoàn Kiếm và Công ty Thịnh Phát đều được thành lập ngày 26/10/2015, cùng có vốn điều lệ 100 tỷ đồng và cùng ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn nông, lâm sản nguyên liệu (trừ gỗ, tre, nứa) và động vật sống.

Và ngoài ông Long, một thành viên ban lãnh đạo khác của Đầu tư Hoàn Kiếm cũng liên quan đến Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không, một tập đoàn lớn có trụ sở tại Hà Nội và cũng là cổ đông lớn tại Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp - Công ty TNHH MTV (Vigecam).

Ông trùm đất vàng Vigecam kinh doanh thế nào sau cổ phần hóa

Theo tìm hiểu, tiền thân Tổng công ty Vật tư nông nghiệp (Vigecam) là một đơn vị của Hợp tác xã mua bán Trung ương, năm 1960 chuyển thành tổ chức quốc doanh trực thuộc Bộ Nội thương; Năm 1962, chuyển sang ngành Nông nghiệp với tên gọi là Cục Tư liệu sản xuất, sau được đổi tên thành Cục Vật tư nông nghiệp trực thuộc Bộ Nông nghiệp.

Năm 2016, Vigecam bắt đầu cổ phần hóa, lộ trình này kết thúc vào năm 2017. Trong đó, 2 cổ đông chiến lược của Vigecam theo phương án cổ phần hóa được Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định số 723/QĐ-TTg ngày 28/4/2016 là Tổng công ty Rau quả, Nông sản với tỉ lệ sở hữu 45% vốn và Công ty Cổ phần Bảo hiểm hàng không sở hữu 25% vốn. Số cổ phần còn lại được chào bán ra công chúng vào tháng 5/2017.

Sau khi cổ phần hóa, Vigecam trở thành doanh nghiệp cực kỳ kín tiếng trên thương trường. Thời điểm này, điều khiến nhà đầu tư gợi nhớ về Vigecam có lẽ chỉ là danh xưng “ông trùm đất vàng” với 07 lô đất với tổng diện tích tổng diện tích 28.468,34 m2 tại thành phố Hà Nội, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh.

Từ Đầu tư Hoàn Kiếm, "hé lộ" hệ sinh thái nông nghiệp nghìn tỷ đồng xoay quanh Vigecam - Ảnh 2.

Sau khi cổ phần hóa, Vigecam trở thành doanh nghiệp cực kỳ kín tiếng trên thương trường. Ảnh: Viettimes.

Một điều thú vị, cũng giống như những "siêu công ty nghìn tỷ" là Tín Phát, Thịnh Phát, Đầu tư Hoàn Kiếm, tài sản và doanh thu của Vigecam "phình to" chỉ trong một thời gian rất ngắn, trong khi lợi nhuận chỉ lèo tèo vài đồng.

Cụ thể, nếu như tại báo cáo hợp nhất đã kiểm toán Vigecam năm 2016 ghi nhận doanh thu 617 tỷ đồng,  thì một năm sau đó, doanh thu của Vigecam đã nhảy vọt lên 3.180 tỷ đồng, lên 8.546 tỷ đồng năm 2018 và đạt đỉnh ở ngưỡng 17.540 tỷ đồng năm 2019. Như vậy, chỉ sau 3 năm, doanh thu của doanh nghiệp này tăng tới 28 lần.

Thế nhưng, lợi nhuận của doanh nghiệp dường như không biến động theo doanh số, nằm ở ngưỡng 2,3 tỷ đồng năm 2016, giảm xuống còn 946,8 đồng năm 2017 và tăng trở lại mức 2,9 tỷ đồng năm 2019.

Rõ ràng, kết quả kinh doanh này chưa tương xứng với quy mô tổng tài sản cũng có những bước nhảy vọt từ 382 tỷ đồng năm 2016 lên hơn 7.400 tỷ đồng năm 2019.

Trong khi đó, nợ phải trả của Vigecam luôn lớn hơn gấp hàng chục lần Vốn chủ sở hữu. Năm 2016, nợ phải trả Vigecam là 254 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 128 tỷ đồng (cao hơn 2 lần), thì một năm sau đó hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lên đến gần 16 lần (năm 2017, nợ phải trả ở mức 3.440 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 221 tỷ đồng).

Đến năm 2019, nợ phải trả Vigecam đã nhảy vọt lên mức 7.194 tỷ đồng, trong khi đó vốn chỉ sở hữu chỉ vỏn vẹn 227 tỷ đồng. Thời điểm này, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 32 lần.

Bản báo cáo bạch công bố tháng 4/2017 của Vigecam cho biết, tính đến thời điểm này Tổng công ty quản lý và sử dụng diện tích đất đang thuê của nhà nước với tổng diện tích 28.468,34 m2 gồm 07 lô đất tại thành phố Hà Nội, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh.

Cụ thể, mảnh đất số 120 Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội với diện tích 276 m2; mảnh đất tại số 164 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội (có diện tích 536 m2); mảnh đất tại số 16 Ngô Tất Tố, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội (diện tích đất 1.585,4 m2). Ngoài ra, Vigecam còn một khu đất cực kỳ nổi tiếng với diện tích 23.042 m2 tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội để thực hiện khu vui chơi giải trí.

“Ông trùm đất vàng” này còn có quyền sử dụng mảnh đất tại số 166 – 168 - 170 Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, TP. HCM (diện tích 554,94 m2); lô đất tại phường 12 thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có diện tích 2.188,7 m2 và lô đất tại phường 12 thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (diện tích 7.285,3 m2).





Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem