Hệ quả từ 'sốt đất', nhà đầu tư bất động sản đã dè chừng

Minh Khôi Thứ hai, ngày 12/07/2021 11:00 AM (GMT+7)
Đợt tái bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 khiến cả nền kinh tế chung "choáng váng", trong đó, thị trường bất động sản Việt Nam cũng đang có nhiều diễn biến xấu… ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư.
Bình luận 0

Nhìn từ bức tranh kinh tế vĩ mô và các tác động xã hội, trong nửa đầu năm 2021, dù mong muốn hướng đến mục tiêu kép là kiểm soát dịch bệnh và tăng trưởng kinh tế, nhưng trên thực tế, Việt Nam vẫn còn đối diện với nhiều vấn đề khó khăn.

Trong báo cáo mới đây, Hội Môi giới bất động sản cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, mức độ hấp thụ trên thị trường rất thấp nên dù lượng cung mới hạn chế nhưng lượng lượng sản phẩm chào bán trên thị trường 6 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng cao so với cùng kỳ các năm 2019, 2020, trong đó các sản phẩm chào bán đa phần là hàng tồn từ trước. 

Hệ quả từ 'sốt đất', nhà đầu tư bất động sản đã dè chừng - Ảnh 1.

Không khí ảm đạm tại một số văn phòng địa ốc ở huyện Mê Linh, TP Hà Nội. (ảnh M.K)

Tuy nhiên, ngay từ đầu quý II/2021, Việt Nam đối diện đợt dịch Covid-19 lần thứ 4. Đợt dịch lần này nguy hiểm nhất, lây lan trên diện rộng và kéo dài nhiều tháng đã gây ảnh hưởng rất lớn cho cả nền kinh tế và thị trường bất động sản. 

Chia sẻ với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, đầu năm nay, thị trường đã bị xáo trộn bởi những cơn sốt đất liên hoàn. Sau khi chính quyền các địa phương can thiệp, cơn sốt đất đã hạ nhiệt nhưng cũng khiến nhiều nhà đầu tư ôm trái đắng. Thị trường sau đó chưa kịp lấy lại nhịp phát triển thì tiếp tục bị "bồi" thêm bởi làn sóng Covid -19 lần thứ 4. 

Bên cạnh đó, việc giá bán tăng cao, vượt tầm chấp nhận của thị trường cũng khiến cho tỷ lệ giao dịch đạt thấp. Điều này dẫn đến thực tế là có nhiều dự án có tiếng nhưng tỷ lệ hấp thụ, giao dịch rất thấp.

Như vậy có thể thấy, giá cả bất động sản đang không phản ánh đúng quy luật cung cầu. Cung thì khan hiếm, giá lại quá cao, khó chấp nhận. Cộng thêm sự ảnh hưởng của dịch bệnh khiến cung cầu ngày càng song song với nhau. 

Hệ quả từ 'sốt đất', nhà đầu tư bất động sản đã dè chừng - Ảnh 3.

Nhà đầu tư ngày càng thận trọng, dè chừng hơn trong việc đầu tư vào bất động sản. (ảnh M.K)

Cũng nhìn nhận về thị trường bất động sản thời gian qua, TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, tình trạng an ninh thắt chặt, các nhà đầu tư trong và ngoài nước không có nhiều điều kiện thuận tiện trong việc đi lại, giao thương, thị trường bất động sản thời gian gần đây chứng kiến sức mua giảm, các nhà đầu tư đều ở trong trạng thái dè chừng và thận trọng khi quyết định đầu tư bất động sản.

"Riêng đối với những sản phẩm tốt, đây là một cơ hội để minh chứng giá trị sản phẩm và tiềm lực của những nhà phát triển uy tín trên thị trường. Song, đối với những sản phẩm không phù hợp, trong điều kiện kinh tế hiện tại, tôi nghĩ rằng đây là một thời điểm khó để thị trường hấp thụ những sản phẩm này.

Ngoài ra, vấn đề pháp lý của các dự án vẫn là câu chuyện kéo dài từ nhiều năm nay dẫn đến tình trạng nguồn cung sơ cấp trên thị trường bị hạn chế", ông Khương cho biết.

Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2021, thị trường phía Nam gần như chỉ có vài dự án mới ở TP.HCM (phân khúc trung cao cấp và cao cấp) và các tỉnh thành lân cận, bao gồm Bình Dương. Nhiều dự án có kế hoạch ra mắt trong năm nay do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh cũng phải điều chỉnh lại thời điểm triển khai.

Trong bối cảnh dịch vẫn đang căng thẳng, thị trường diễn biến phức tạp, khó có thể trả lời được rằng bao giờ thị trường mới quay trở lại trạng thái phát triển bình thường.

Riêng thị trường bất động sản, tất cả mọi hoạt động gần như dừng lại. Mọi giao dịch, hoạt động đầu tư đều đứng yên. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem