Hết cảnh thí sinh đăng ký chọn trường như... chơi chứng khoán

Diệu Thu - Hồng Phú Thứ sáu, ngày 12/08/2016 17:51 PM (GMT+7)
Hôm nay (12/8), là ngày cuối cùng đợt đăng ký xét tuyển đầu tiên vào đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, không còn tình trạng rối loạn tuyển sinh diễn ra như năm 2015, thí sinh, phụ huynh thong thả đến đăng ký.
Bình luận 0

img

Tại Hội trường đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng tại trường ĐH Kinh tế Quốc Dân (Hà Nội) sáng nay 12/8, thưa thớt phụ huynh, thí sinh đến đăng ký

Ngày xét tuyển nguyện vọng 1 cuối cùng của kỳ tuyển sinh ĐH năm ngoái, năm 2015 được ví như một sàn chứng khoán. Tất cả phụ huynh và thí sinh đều hướng về bảng điểm mới cập nhật của các trường, kẻ khóc, người cười.

Tuy nhiên, năm 2016, các trường ở Hà Nội đều không bị "vỡ trận" như năm ngoái. Nhiều trường chấm dứt cảnh tượng “thí sinh chọn trường như chơi chứng khoán”. Thay vào đó là cảnh thí sinh, phụ huynh thong thả, xem xét kỹ lưỡng trước khi nộp hồ sơ dù đây là ngày cuối cùng đợt đăng ký xét tuyển đầu tiên vào đại học, cao đẳng đợt 1.

"Năm trước hội trường rất đông nhưng rất quy củ, trật tự, vì thế năm nay với quy chế xét tuyển mới, thực ra chúng tôi hơi thừa công suất. Cán bộ, thí sinh đến thong thả, tự tin. Quá trình thu nhận hồ sơ rất suôn sẻ", ông Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) nói.

Ông Triệu cho biết, tính đến nay trường ĐH Kinh tế quốc dân đã nhận được 4.500 hồ sơ trực tiếp và qua đường bưu điện. Như vậy, tính tổng tất cả hồ sơ mà thí sinh nộp bằng 3 phương thức, trường nhận được khoảng 6.000 hồ sơ. Hệ số này thấp hơn so với nhiều trường bởi các trường nhận được số hồ sơ gấp đôi chỉ tiêu.

“Hi vọng trong đợt 1, trường tuyển sinh đủ. Bởi trong lịch sử của trường ít khi gọi thí sinh đến đợt bổ sung. Năm nay nếu thiếu ít thì không gọi thêm thí sinh, thiếu khoảng 30% thì sẽ gọi thêm”, ông Triệu nói.

Cũng theo ông Triệu, theo đánh giá sơ bộ, điểm chuẩn năm nay với các nhóm ngành lấy điểm cao không giảm nhiều. Top giữa nếu có giảm thì giảm khoảng 0,5-1 điểm.

Theo ông Triệu, cuối ngày 12/8 trường nhận từ dữ liệu của Bộ GD-ĐT sẽ phân tích cụ thể về số lượng cũng như chất lượng thí sinh nộp hồ sơ.

img

Tại ĐH Kinh tế quốc dân, phụ huynh, thí sinh thoải mái ngồi đăng ký với cán bộ tuyển sinh mà không phải chờ đợi. Cán bộ tuyển sinh cũng không còn bận rộn như năm ngoái.

Tại Đại học Thủy lợi, GS.TS. Trịnh Minh Thụ, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, số thí sinh đến trường ít hơn những hôm trước. Có hơn 100 thí sinh đăng ký xét tuyển. Cho đến ngày hôm nay, số lượng hồ sơ nộp vào khoảng hơn 3000 thí sinh/3.100 chỉ tiêu. Do đó, trường vẫn phải sử dụng tiếp những đợt xét tuyển tiếp theo.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, hôm nay trường chỉ thu hơn 20 hồ sơ đăng ký xét tuyển, ít hơn rất nhiều so với buổi sáng đăng ký xét tuyển đầu tiên (1.000 hồ sơ). Khoảng vài trăm hồ sơ đăng ký qua đường bưu điện.

Tại ĐH Xây dựng Hà Nội, lượng thí sinh đến nộp hồ sơ rất thưa thớt. PGS.TS Nguyễn Đình Thi, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết, chỉ có 10 thí sinh đến trường đăng ký xét tuyển. Trong khi đó, ngày đầu tiên (1/8), trường nhận 300 hồ sơ.

Số thí sinh đến đăng ký tại ĐH Thương mại đông hơn một số trường khác, khoảng 60 thí sinh. Trong khi đó, lượng thí sinh đăng ký tại ĐH Sư phạm Hà Nội chỉ khoảng 10 người.

GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết, tính đến chiều qua, trường nhận hơn 4.200 hồ sơ. Phần lớn thí sinh không gặp sự cố vì đã được hướng dẫn cụ thể.

ĐH Ngoại giao trong buổi sáng chỉ thu được 2, 3 hồ sơ. Số thí sinh đến ĐH Luật buổi sáng chưa tới 20 em. ĐH Lao động Xã hội cũng rất vắng trong ngày cuối xét tuyển.

Tiến sĩ Trần Mạnh Dũng (Trưởng phòng Đào tạo – Học viện Ngân hàng) cho biết, tính đến sáng 12/8, có gần 4.000 hồ sơ nộp trực tiếp tại trường và qua đường bưu điện. Thí sinh nộp qua đường bưu điện khoảng gần 2.000 hồ sơ chiếm 1/3, bưu điện ít hơn, hồ sơ nộp trực tuyến chiếm 1/3, khoảng gần 2.000.

Theo ông Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo trường ĐH Kinh tế Quốc dân, 17h chiều nay sẽ ngừng tiếp nhận hồ sơ. Sáng mai (13/8), hội đồng chuyên môn, ban chỉ đạo của nhóm GX đưa ra chỉ đạo, bàn các phương án xét tuyển phù hợp với nhóm và với từng trường.

Ông Triệu cho rằng: "Với cách thức tuyển sinh mới của Bộ GD&ĐT, tôi thấy tất cả các khiếm khuyết của năm ngoái gần như đã được giải quyết triệt để. Có một số vấn đề nho nhỏ nhưng không đáng kể, thí sinh và phụ huynh có đủ thời gian chỉnh sửa. Hệ thống thông tin truyền thông hoạt động rất tốt".

img

Sáng nay, 12/8, dù là ngày cuối cùng của đợt xét tuyển đại học, cao đẳng đợt 1 nhưng hội trường ĐH KTQD Hà Nội rất thưa thớt, không còn cảnh hàng nghìn thí sinh và phụ huynh chen nhau "chơi chứng khoán đại học" như năm ngoái.

img

Thí sinh Lý Hương Giang (Hà Nội) đang cùng bác hoàn thiện nốt hồ sơ xét tuyển. Giang cho biết, thí sinh này không đăng ký qua mạng mà muốn đến tận nơi để được nghe tư vấn vì chưa biết chọn ngành nào.

img

Phụ huynh có nhiều thời gian hỏi cán bộ tuyển sinh về cách đăng ký cho đúng trong nhóm GX. Theo cán bộ nhận hồ sơ, đa số thí sinh, phụ huynh nhầm lẫn khi chọn mã nghành và đăng ký trường vì năm nay được đăng ký 2 trường trong nhóm GX nhưng chỉ được đăng ký một lần duy nhất.

img

Quy chế mới trong kỳ thi xét tuyển ĐH - CĐ năm nay là không được thay đổi hồ sơ khi đã nộp nên các thí sinh khá căng thẳng khi lựa chọn ngành học phù hợp với mình.

img

Năm nay, dù đã được phổ biến khá kỹ quy chế và cách thức đăng ký xét tuyển song nhiều thí sinh vẫn mắc các lỗi như: đăng ký sai ngành học, sai khối... trong hồ sơ dự tuyển. Đặc biệt, nhiều thí sinh dựa vào thông tin của các trang tin tuyển sinh không chính thống dẫn đến việc đăng ký mã ngành không chính xác, hoặc nhầm lẫn giữa hệ đào tạo Cao đẳng và Đại học trong cùng một trường.

img

Nhiều phụ huynh cùng con em vượt hàng trăm cây số đến tận trường nộp hồ sơ cho yên tâm. Các thí sinh đọc rất kỹ bảng hướng dẫn trước khi vào đăng ký.

img

Trường ĐH Kinh tế Quốc Dân (Hà Nội) ước lượng cả đăng ký trực tiếp và online có khoảng 6.000 bộ hồ hơ nhưng với chỉ tiêu là 4.800, đây là một hệ số thấp so với các trường khác, PGS.TS Bùi Đức Triệu - ĐH Kinh tế quốc dân đánh giá.

img

Thí sinh Nguyễn Thị Thùy Trang (Chương Mỹ, Hà Nội) cùng bố ngồi chờ đăng ký xét tuyển.

img

Cán bộ tiếp nhận hồ sơ đăng ký ngồi đợi thí sinh đến đăng ký.

img

Tại điểm nhận hồ sơ của trường ĐH Bách khoa Hà Nội chỉ lác đác có thí sinh đến đăng ký tuyển sinh.

img

Phòng chờ làm thủ tục chỉ có một phụ huynh và một thí sinh.

img

Bên trong - nơi tiếp nhận hồ sơ vắng bóng thí sinh đến nộp hồ sơ dù đây là ngày cuối cùng đợt xét tuyển đại học, cao đẳng đợt 1.

Năm 2016, thí sinh có 3 cách để nộp hồ sơ xét tuyển ĐH, CĐ: 

+ Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển qua bưu điện 

+ Đăng ký xét tuyển trực tuyến qua mạng (các thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến, cần truy cập trực tiếp vào địa chỉ trang thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT: https://thisinh.thithptquocgia.edu.vn 

+ Nộp trực tiếp tại trường (Nếu trường đó chấp nhận hình thức này) 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem