Hiện tượng lạ: Thương nhân Trung Quốc bán ngược tiêu vào Việt Nam, giá tiêu trầm lắng

K.Nguyên Thứ hai, ngày 30/01/2023 18:44 PM (GMT+7)
Sau kỳ nghỉ Tết, các vùng trồng tiêu chủ lực tại Tây Nguyên, Đông Nam Bộ sẽ bước vào thu hoạch rộ, tuy nhiên, giá tiêu khá trầm lắng trong khi các thương nhân Trung Quốc lại bán ngược tiêu vào Việt Nam.
Bình luận 0

Giá tiêu trầm lắng, thương nhân Trung Quốc lại bán ngược tiêu vào Việt Nam

Theo bản tin của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương, giá tiêu trong nước khá trầm lắng trước khi bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài. 

Sau kỳ nghỉ Tết, các vùng trồng hạt tiêu chủ lực tại Tây Nguyên và Đông Nam Bộ sẽ bước vào thời điểm thu hoạch rộ. Trước đó, một số địa phương tại Đắk Lắk, Đắk Nông đã cho thu hoạch sớm. 

Khảo sát cho thấy, trong 18 ngày đầu tháng 01/2023, giá tiêu đen tại thị trường nội địa giảm mạnh so với cuối năm 2022. 

Hiện tượng lạ: Thương nhân Trung Quốc bán ngược tiêu vào Việt Nam, giá tiêu trầm lắng - Ảnh 1.

Giá tiêu trước Tết Nguyên đán trầm lắng. Trong ảnh: Nông dân Gia Lai thu hoạch tiêu. Ảnh: Báo Gia Lai.

Thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu tại Trung Quốc chậm, ngay cả khi Tết Nguyên đán đang đến gần. Bên cạnh đó, một số thương nhân Trung Quốc bán ngược hàng trở lại Việt Nam khi nước ta đang vào vụ thu hoạch. Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến giá tiêu giảm.

Cụ thể, ngày 18/01/2023, giá tiêu đen giảm từ 1.000 – 1.500 đồng/kg (tương đương mức giảm 1,7 – 2,6%) so với ngày 30/12/2022, xuống mức thấp nhất 56.000 đồng/kg tại tỉnh Gia Lai – mức cao nhất 59.000 đồng/kg tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. 

Giá tiêu trắng ở mức 93.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với cuối năm 2022 và thấp hơn nhiều so với mức 117.000 đồng/kg cùng kỳ năm 2022.

Xuất khẩu tiêu sang Trung Quốc giảm

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong năm 2022 đạt xấp xỉ 228.700 tấn, trị giá 970,6 triệu USD, giảm 12,4% về lượng, nhưng tăng 3,5% về trị giá so với năm 2021. 

Tính riêng tháng 12/2022, xuất khẩu hạt tiêu đạt 20.440 tấn, trị giá 73,54 triệu USD, tăng 25,6% về lượng và tăng 21,9% về trị giá so với tháng 11/2022; so với tháng 12/2021 tăng 36,2% về lượng và tăng 4,0% về trị giá.

Năm 2022, lượng hạt tiêu xuất khẩu sang hầu hết các thị trường giảm so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu hạt tiêu sang Trung Quốc giảm 50% cả về lượng và trị giá, đạt 18.950 tấn, trị giá 44,57 triệu USD. 

Năm 2022, xuất khẩu hạt tiêu đen giảm 18,7% về lượng và giảm 3,8% về trị giá so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu hạt tiêu đen sang hầu hết các thị trường chủ lực giảm, ngoại trừ Nga tăng 20,6% về lượng và tăng 23,3%. 

Trong khi đó, xuất khẩu hạt tiêu đen xay, hạt tiêu trắng và hạt tiêu trắng xay năm 2022 giảm về lượng, nhưng tăng về trị giá so với năm 2021.

Đáng chú ý, Nhật Ban có xu hướng tăng nhập khẩu tiêu của Việt Nam. Theo thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế, 11 tháng năm 2022, nhập khẩu hạt tiêu của Nhật Bản đạt 10.380 tấn, trị giá 72,07 triệu USD, tăng 29,1% về lượng và tăng 60,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của Nhật Bản trong 11 tháng năm 2022 đạt mức 6.940 USD/tấn, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của Nhật Bản tăng mạnh từ hầu hết các nguồn cung.

Nhật Bản tăng nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam trong 11 tháng năm 2022, mức tăng 30,7% về lượng và tăng 49,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, đạt xấp xỉ 2.800 tấn, trị giá 17,23 triệu USD. 

Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Nhật Bản tăng nhẹ từ 26,6% trong 11 tháng năm 2021 lên 26,93% trong 11 tháng năm 2022.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem