Hiệp định EVFTA: "Đừng để tiệc thì người khác ăn, nợ chúng ta gánh"

Thanh Phong Thứ năm, ngày 21/05/2020 12:39 PM (GMT+7)
Thảo luận về Hiệp định EVFTA, nhiều đại biểu Quốc hội ủng hộ việc Việt Nam nên gia nhập, tuy nhiên, cần phải rút ra những bài học kinh nghiệm từ những lần hội nhập trước, nhất là phương án tuyên truyền, chính sách để không xảy ra tình trạng "tiệc thì người khác ăn mà nợ thì chúng ta gánh".
Bình luận 0

Chiều ngày 20/5, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV đã có phiên thảo luận về Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Nhiều đại biểu quốc hội ủng hộ và cho rằng cần phải rút kinh nghiệm từ nhiều hiệp định thương mại trước kia để việc tham gia EVFTA có hiệu quả nhất. 

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, đoàn TP Hồ Chí Minh: "Không để xảy ra tình trạng tiệc thì người khác ăn mà nợ thì chúng ta sẽ gánh"

Quốc hội phê duyệt EVFTA: Các ĐBQH đã đề xuất những gì? - Ảnh 1.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, đoàn TP Hồ Chí Minh

Hai hiệp định (EVFTA, CPTPP) tạo cho chúng ta cơ hội để đa phương, đa dạng hóa và tối ưu hóa quan hệ thương mại, đầu tư của chúng ta với thế giới trong điều kiện toàn cầu hóa bình thường mới. Tuy nhiên, tôi cũng xin lưu ý là trong khi EVFTA có thể có hiệu lực ngay, còn EVIPA (Hiệp định bảo hộ đầu tư) thì phải được sự phê chuẩn của 27 nghị viện của 27 nước thành viên.

Tất cả 27 nước đó thì có những nền chính trị khác với chúng ta, cho nên quá trình phê chuẩn có thể có những ý kiến trái chiều. Nghĩa là từ đây đến lúc EVIPA được phê chuẩn bởi tất cả 27 nghị viện thành viên thì chúng ta cũng còn rất nhiều việc phải làm về đối nội cũng như về đối ngoại. Trong đó, bao gồm cả chuyện là hoàn thiện thể chế và bổ sung, chỉnh sửa, nếu cần thiết kế hệ thống pháp luật của chúng ta.

Kinh nghiệm hội nhập 20 năm qua cho thấy trong này bao gồm cả việc ký kết Hiệp định song phương với Hoa Kỳ, sau đó là gia nhập WTO, rồi một loạt định chế quốc tế khác mà chúng ta đang tham gia cho thấy rằng chúng ta có những ưu điểm nhưng cũng có những điểm yếu trong việc biến thời cơ thành hiện thực.

Tôi đề nghị Chính phủ có chiến lược và kế hoạch cụ thể để toàn xã hội, toàn bộ nền kinh tế, toàn bộ hệ thống chính trị đều phải nỗ lực đóng góp vào việc thực hiện 2 Hiệp định này, nhất là những cam kết và những thời hạn cụ thể.

Nội dung 2 hiệp định là những cam kết của các nhà nước với nhau và có hiệu lực của công pháp quốc tế, có nghĩa là nếu vi phạm thì chúng ta có thể bị chế tài, thậm chí là bị trừng phạt. Tất nhiên, chế tài và trừng phạt là những điều đã thỏa thuận trong hiệp định.

Cuối cùng, khi 2 hiệp định này bắt đầu có hiệu lực, nhận thức của tôi là chúng ta bắt đầu cuộc đua chứ chưa phải là bắt đầu bữa tiệc. Nếu không thành công thì chúng ta vẫn có thể tụt hậu, chúng ta có thể ách tắc trong bẫy thu nhập trung bình và khi đó 2 hiệp định này "tiệc thì người khác ăn mà nợ thì chúng ta sẽ gánh".

ĐBQH Trần Hoàng Ngân, đoàn TP Hồ Chí Minh: "Rút kinh nghiệm từ CPTPP, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền"

Quốc hội phê duyệt EVFTA: Các ĐBQH đã đề xuất những gì? - Ảnh 2.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân, đoàn TP Hồ Chí Minh

Việc Quốc hội sớm phê chuẩn Hiệp định EVFTA sẽ đem lại cho Việt Nam chúng ta nhiều lợi ích. Tuy nhiên, chúng tôi xét thấy rằng để hiệp định có thể đi vào cuộc sống, xin có 4 khuyến nghị sau đây:

Khuyến nghị thứ nhất là công tác tuyên truyền, chúng ta thấy rõ ràng là trong thời gian vừa qua Việt Nam chúng ta ký kết 12 Hiệp định FTA và gần đây nhất là năm vừa rồi chúng ta có Hiệp định CPTPP, nhưng trong công tác tuyên truyền của chúng ta đến với doanh nghiệp thì hầu như rất ít người hiểu về việc có thể tận dụng được hiệp định này, cho nên chúng ta nên làm tốt hơn công tác tuyên truyền.

Mặc dù, vừa qua, Bộ Công Thương và các ngành có sự đổi mới trong công tác tuyên truyền, nhưng chúng ta nên phân ra những chủ đề cụ thể, đi vào những ngành hàng cụ thể, đi vào nhóm đối tượng cụ thể. Chúng ta không chỉ tuyên truyền cho doanh nghiệp hiểu mà trong bộ máy quản lý nhà nước, các cơ quan quản lý nhà nước, trong đội ngũ cán bộ cũng phải hiểu để tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận được lợi thế của các hiệp định này.

Kiến nghị thứ hai, trong hiệp định thì lời văn của hiệp định rất chặt chẽ và theo câu từ của luật pháp cho nên việc chúng ta nội địa hóa, cụ thể hóa thành những văn bản cụ thể để triển khai cho doanh nghiệp dễ thực hiện, đó là điều kiện rất cần.

Kiến nghị thứ ba, các nước châu Âu hiện nay như các anh chị thấy là đang gặp khó trong vấn đề đại dịch Covid - 19 và thị trường châu Âu hiện nay thì Việt Nam chúng ta tiếp cận thị trường này trong quý I rất tốt nhưng từ tháng 4 trở đi gặp khó khăn, thậm chí có nhiều đơn hàng bạn đã trì hoãn.

Cho nên, trong thời điểm này, chúng ta nên duy trì các mối quan hệ và Chính phủ nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp để duy trì xúc tiến thương mại, có thể thông qua xúc tiến trực tuyến, dù khó khăn đến đâu đi nữa thì những khách hàng cũ của chúng ta ở tại thị trường châu Âu chúng ta phải giữ.

Bởi vì, nếu không thì sau khi đại dịch Covid - 19 được kiểm soát tốt ở châu Âu chúng ta sẽ mất các khách hàng. Cho nên đây là điều mà các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các cơ quan hữu quan cần sớm hỗ trợ để chúng ta duy trì các mối quan hệ cũ để sau này chúng ta có điều kiện triển khai nhiều hơn.

Cuối cùng là nội dung về hoàn thiện thể chế. Hiệp định EVFTA cũng như EVIPA, CPTPP đòi hỏi chúng ta phải hoàn thiện lại các văn bản luật pháp trước đây. Cho nên, tôi nghĩ rằng Chính phủ cũng như Quốc hội cần phải xây dựng một lộ trình làm sao đồng bộ nhất là trong việc hoàn thiện sửa chữa hệ thống luật pháp để cho việc triển khai được thuận lợi hơn.

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Phương, đoàn Gia Lai: "Quy định "người đã sử dụng thực sự trong thương mại một cách lành mạnh" rất trừu tượng, có thể dẫn tới sử dụng không thống nhất"

Quốc hội phê duyệt EVFTA: Các ĐBQH đã đề xuất những gì? - Ảnh 3.

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Phương, đoàn Gia Lai

Tôi nhất trí cao với việc phê chuẩn hai Hiệp định tại kỳ họp này, cũng như đồng tình với những nội dung Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại. Tôi cũng nhất trí với nhiều ý kiến kiến nghị và đề xuất của các đại biểu đã phát biểu trước đó. Tôi hy vọng rằng Chính phủ qua kinh nghiệm đã triển khai thực hiện các Điều ước quốc tế song phương và đa phương mà Việt Nam là thành viên từ trước đến nay để triển khai Hiệp định một cách hiệu quả, đem lại những kết quả về kinh tế - xã hội như mong muốn. Tôi xin góp ý trực tiếp vào Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVFTA như sau:

Tôi xin góp ý vào Phụ lục 2, các cam kết, nhóm cam kết trong Hiệp định EVFTA được áp dụng trực tiếp. Trong phụ lục này dự định áp dụng trực tiếp khoản 1, khoản 2 và khoản 3 của Điều 12.28 Chương XII về sở hữu trí tuệ, tôi đề nghị xem lại với những lý do sau:

Thứ nhất, Luật Điều ước quốc tế quy định chúng ta chỉ áp dụng trực tiếp các quy định của các cam kết quốc tế trong trường hợp mà các quy định đó đủ rõ và đủ chi tiết để thực hiện được. Tuy nhiên, khái niệm trong khoản này quy định "người đã sử dụng thực sự trong thương mại một cách lành mạnh", tôi cho rằng khái niệm này chưa đủ rõ để thực hiện được với lý do quy định này rất trừu tượng và có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau, dẫn đến việc vận dụng sẽ không thống nhất.

Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành cũng chỉ quy định như thế nào là sử dụng một chỉ dẫn địa lý chứ không quy định tương ứng là sử dụng thực sự trong thương mại một cách lành mạnh. Chính vì những lý do như vậy, tôi đề nghị khoản 1, 2 và 3 Điều 12.28 Chương XII sở hữu trí tuệ cần phải chuyển sang Phụ lục 3 là những cam kết thực hiện trực tiếp cho đến khi Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung một số điều có hiệu lực.

ĐBQH Nguyễn Công Hồng, đoàn Đồng Nai: "Không cần thiết ban hành nghị quyết riêng về cơ chế công nhận và thi hành phán quyết theo Hiệp định EVIPA"

Quốc hội phê duyệt EVFTA: Các ĐBQH đã đề xuất những gì? - Ảnh 4.

ĐBQH Nguyễn Công Hồng, đoàn Đồng Nai

Trước hết, tôi bày tỏ nhất trí cao với Tờ trình của Chủ tịch nước, Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội về việc phê chuẩn các Hiệp định EVFTA, EVIPA.

Riêng về đề nghị Quốc hội cho phép công nhận và thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo Hiệp định IPA tại một nghị quyết riêng thì tôi cho rằng không cần thiết.

Thứ nhất là quy định tại Điều 3.57 của Chương III Hiệp định EVIPA thì đã đủ rõ, chi tiết và có thể áp dụng trực tiếp mà không cần phải sửa đổi luật. Cụ thể, theo quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5 và khoản 7 Điều 3.57 của Hiệp định thì trong thời hạn 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực hoặc một thời gian dài hơn do Ủy ban quyết định nếu xét thấy cần thiết. Theo đó, phán quyết của EVIPA mà bị đơn Việt Nam sẽ được tòa án có thẩm quyền xem xét, công nhận và cho thi hành tại Việt Nam theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc năm 1958, Công ước New York.

Tôi xin lưu ý nước ta đã là thành viên và các quy định tương tự trong Bộ Luật Tố tụng hình sự thì cũng coi đây là phán quyết của trọng tài nước ngoài cho thủ tục áp dụng tương tự về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài.

Sau thời hạn trên thì mỗi bên sẽ công nhận phán quyết là ràng buộc và cho thi hành các nghĩa vụ về tài chính trên lãnh thổ của mình, tương tự như phán quyết chung thẩm của Tòa án bên đó, đó là quy định tại khoản 2 Điều 3.57.

Lý do thứ hai, đó là nếu ban hành một Nghị quyết riêng về vấn đề này thì về bản chất, nội dung của dự thảo Nghị quyết cũng chỉ là quy định cụ thể hơn việc áp dụng trực tiếp Điều 3.57 của Hiệp định. Do vậy, việc ban hành một Nghị quyết riêng về vấn đề này là không cần thiết mà chỉ cần quy định một điều khoản riêng trong Nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư, trong đó cho phép áp dụng trực tiếp.

Phương án này sẽ khắc phục được vướng mắc trong việc xác định thời điểm có hiệu lực của dự thảo Nghị quyết, nếu chúng ta ban hành riêng một Nghị quyết về thừa nhận và áp dụng như thế này, chúng ta sẽ rất vướng mắc về xác định hiệu lực của Nghị quyết này.

Lý do thứ ba là việc bổ sung vào Nghị quyết phê chuẩn điều khoản cho phép áp dụng trực tiếp, bao gồm cả Điều 3.57 của Hiệp định không dẫn đến bất cứ bất lợi nào. Tôi xin nhấn mạnh là không dẫn đến bất cứ bất lợi nào mà ngược lại chúng ta không phải sửa luật.

Chúng ta không phải xem xét để sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự hoặc Luật Thi hành án dân sự. Bên cạnh đó, về mặt chính trị thì việc Quốc hội ban hành một nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư, trong đó có điều khoản công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo hiệp định thì thể hiện sự thiện chí, quyết tâm của Việt Nam trong việc thực thi Hiệp định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem