Hiệp định RCEP: Phòng vệ thương mại thế nào cho “chuẩn”?

Thanh Phong Thứ tư, ngày 21/10/2020 12:30 PM (GMT+7)
Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (Hiệp định RCEP), mở ra một giai đoạn hợp tác và phát triển kinh tế thương mại lớn cho Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần hiểu rõ nội dung phòng vệ thương mại trong RCEP để bảo vệ thị trường nội địa trước những đối thủ lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Bình luận 0

Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trong tiến trình hội nhập quốc tế, các biện pháp phòng vệ thương mại được ví như "phao cứu hộ" cho doanh nghiệp.

Theo đó, phòng vệ thương mại là các biện pháp hợp pháp được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép nhằm bảo đảm sự cạnh tranh công bằng đối với hàng sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu.

Do vậy, ngay cả các nền kinh tế hội nhập, tự do nhất cũng là những nước có nền kinh tế sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhiều nhất.

"Đây là công cụ phổ biến, yếu tố quan trọng trong môi trường kinh doanh thực tế. Các doanh nghiệp cần nghiên cứu, sử dụng để bảo vệ lợi ích trên chính thị trường nội địa trước hoạt động cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu", ông Lê Triệu Dũng cho hay.

Hiệp định RCEP: Phòng vệ thương mại thế nào cho “chuẩn”? - Ảnh 1.

Doanh nghiệp cần hiểu rõ về vấn đề phòng vệ thương mại với Hiệp định RCEP

Đối với hoạt động phòng vệ thương mại trong Hiệp định RCEP, ông Dũng cho biết, nội dung này được quy định tại chương 7 của Hiệp định. Về tổng thể, nội dung Chương Phòng vệ thương mại của Hiệp định RCEP cơ bản phù hợp với các cam kết của Việt Nam ở WTO và pháp luật Việt Nam.

Trong đó, các biện pháp gồm: Chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ toàn cầu được quy định theo hướng bảo lưu nghĩa vụ các bên theo cam kết WTO và bổ sung một số cam kết cụ thể về thông báo, tham vấn, cấm sử dụng phương pháp quy về không, công bố dữ liệu trọng yếu, xử lý thông tin mật và thủ tục thẩm tra tại chỗ.

Theo nhận định của giới chuyên môn, so với các Hiệp định ASEAN+ đã ký kết, mức độ cam kết mở cửa tự do hóa của Hiệp định RCEP không cao hơn nhiều. Tuy nhiên, phạm vi đàm phán của Hiệp định này mở rộng với số lượng thành viên đối tác chiếm đến 30% dân số thế giới.

Qua đó, bên cạnh những lợi ích xuất khẩu đã thấy rõ, RCEP cũng sẽ đem lại cho doanh nghiệp trong nước không ít những sức ép cạnh tranh nhất định đến từ hàng nhập khẩu.

Những thuận lợi về thương mại và đầu tư do kết quả đàm phán RCEP mang lại sẽ khiến cho hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các đối tác gia tăng. Cùng với đó, giới chuyên gia dự báo số lượng vụ việc phòng vệ thương mại giữa các thành viên RCEP cũng có thể sẽ gia tăng theo.

Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, ngoài mức độ cam kết phù hợp với trình độ phát triển kinh tế thì Hiệp định cũng đưa ra cơ chế tự vệ đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi để phòng trường hợp khi các nước cắt giảm thuế quan cho Hiệp định.

Từ đó, tránh gây ra xáo trộn nền kinh tế trong nước, ngoài ra, bất kể một số nước có nền kinh tế phát triển kém mà mở cửa, nếu như cạnh tranh nước ngoài ở mức quá cao thì được dừng lại hàng rào thuế quan.

"Cơ chế thứ hai, trong Hiệp định cho phép áp dụng những cơ chế mà được WTO cho phép, đó là công cụ: Thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp hay là biện pháp tự vệ thông thường. Những cơ chế này được áp dụng vĩnh viễn, từ khi Hiệp định có hiệu lực", ông Lương Hoàng Thái thông tin thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem