Hiệp hội hồ tiêu lý giải hiện tượng thu mua hạt tiêu lép bất thường

Anh Thơ Thứ hai, ngày 02/04/2018 16:51 PM (GMT+7)
Theo phản ánh của một số người dân xã Chư Kbô, huyện Krông Búk (Đắk Lắk), hiện trên địa bàn có một số thương lái đi thu mua tiêu hạt lép với số lượng lớn. Liệu điều này có gì bất thường và ảnh hưởng đến ngành chế biến, xuất khẩu hồ tiêu.
Bình luận 0

Ông P.H., một người dân địa phương xin được giấu tên cho biết, có một số thương lái đến xã Chư Kbô thu mua hạt tiêu lép, tiêu lửng với số lượng lớn. Điều đáng nói là, trong khi tiêu chắc chỉ có giá khoảng 55.000 – 56.000 đồng/kg mà vẫn khó bán thì tiêu lép được thương lái thu mua với giá 34.000 đồng/kg và bao nhiêu cũng gom hết.

img

Thương lái đi thu mua tiêu hạt lép ở xã Chư Kbô. Ảnh: IT.

“Tiêu chắc đẹp thì chả ai hỏi mua còn tiêu lép có bao nhiêu mua hết bấy nhiêu, còn họ mua đi đâu, làm gì thì tôi chịu”, ông H. nói.

Chiều ngày 2/4, trao đổi với phóng viên Dân Việt về hiện tượng thu mua tiêu hạt lép, ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho rằng, đó là hiện tượng bình thường vì trong cơ cấu hồ tiêu xuất khẩu chế biến vẫn có tiêu chắc và tiêu lép, với mỗi loại cho ra sản phẩm và chất lượng khác nhau, phù hợp với nhiều phân khúc của thị trường.

Tuy nhiên, ông Hải cũng thừa nhận có một bộ phận thương lái (dù không nhiều) thu mua hạt tiêu lép về tẩm ướp các loại hóa chất thành tiêu chắc để bán ra thị trường với giá cao. Điều này làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín  của hồ tiêu Việt Nam.

Trên thực tế, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện nhiều vụ việc cố tình sử dụng hóa chất để nâng cấp tiêu lép thành tiêu chắc.

Đơn cử như hồi tháng 3.2017, Công an huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) đã bất ngờ kiểm tra hành chính cơ sở của bà Dư Thị Toàn. Tại đây, công an đã bắt quả tang ông Lê Đình Lệ (43 tuổi, chồng bà Toàn) và bà Nguyễn Thị Cúc (46 tuổi, người làm thuê; cùng ngụ xã Đa Kia) đang trộn các loại tinh bột màu vàng, trắng và đỏ sẫm (chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ) với hạt tiêu lép. Sau đó, đảo đều và đem phơi nắng để "nâng cấp" những hạt tiêu lép thành hạt tiêu chắc, có màu đen hơn.

img

Tiêu hạt lép bị "phù phép" tại cơ sở của bà Lệ.

Qua làm việc với công an, ông Lệ và bà Cúc khai, sử dụng bột bắp (tinh bột màu vàng) trộn với gạo nếp nấu (tinh bột màu trắng) thành hợp chất dẻo, sau đó bỏ thêm tinh bột màu đỏ sẫm (do bà Toàn mua về) để trộn chung với hạt tiêu lép nhằm tạo ra sản phẩm mới là hạt tiêu chắc, có trọng lượng nặng hơn và màu sắc đen hơn.

Bà Toàn khai nhận mỗi ngày cơ sở kinh doanh cho nhân công pha trộn trên 3 tạ hạt tiêu lép với tạp chất, qua đó tạo ra được hơn 3,6 tạ tiêu chắc và bán với giá thành cao hơn. Mỗi tạ tiêu lép sau khi được “nâng cấp” kiếm lời trên 900.000 đồng.

Bà Toàn cho biết, chỉ mua tiêu lép, tiêu lừng về làm chứ không dám làm tiêu chắc. Cách pha chế thì chỉ pha tinh bột bắp với tinh bột gạo nếp và bỏ thêm một chút chất tinh bột màu đỏ sẫm. Bà Toàn khẳng định, các chất này không ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, bởi đây là chất phẩm màu thực phẩm thường dùng trong pha chế nước và ăn uống".

Cũng theo bà Toàn, những sản phẩm hạt tiêu do gia đình bà làm ra chủ yếu bán cho các thương lái, rồi đem tiêu thụ ở các chợ trên địa bàn tỉnh để làm thực phẩm cho người tiêu dùng.

Qua khám xét, tổ công tác đã phát hiện một nhà kho chứa nguyên liệu gồm nhiều bao có chứa chất tinh bột màu vàng. Ông Lê Đình Lệ thừa nhận, số tinh bột này thường dùng cho việc pha trộn với hạt tiêu của gia đình.

Từ thực tế này, nhiều người dân ở Chư Kbô cho rằng, rất  có thể lượng tiêu lép này sẽ được “phù phép” để biến thành tiêu chắc hoặc chế biến thành nhiều loại sản phẩm để thu lợi nhuận cao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem