dd/mm/yyyy

Hiệu quả từ mô hình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp tại Mộc Châu

Nhận được hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Mộc Châu (Sơn La) đã xây dựng được mô hình nông nghiệp công nghệ cao...

Hiệu quả từ mô hình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp tại Mộc Châu

Dự án nông nghiệp giúp nông dân nâng cao thu nhập

Những năm gần đây, nhờ nhận được sự hỗ trợ để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ngành nông nghiệp nông thôn của huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã đạt được những kết quả tích cực, thể hiện rõ vai trò, vị trí trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương, nhiều sản phẩm từ nông nghiệp của huyện đã được công nhận sản phẩm OCOP; được thị trị trường trong và ngoài nước đánh giá cao.

Với gia đình anh Phan Văn Tuyến làm nông nghiệp từ nhiều năm nay tại bản Tà Niết, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Cuối năm 2022, gia đình anh được hỗ trợ từ dự án "Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai" do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) hỗ trợ 150 triệu đồng làm nhà kính và trồng cà chua trên diện tích hơn 1000m2, đến nay mô hình đã bắt đầu cho thu hoạch.

Hiệu quả từ mô hình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp tại Mộc Châu - Ảnh 2.

Những năm qua, việc hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã và đang được huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La quan tâm đẩy mạnh, bước đầu đem lại kết quả tích cực. Ảnh: Dương Quân

Theo anh Tuyến, nhờ được trồng trong nhà kính và áp dụng tiến bộ khoa học từ khâu chăm sóc đến thu hoạch nên sản lượng và chất lượng cà chua của được nâng lên rõ rệt. Cũng nhờ chính sách hỗ trợ này đã giúp gia đình anh Tuyến chuyển từ thói quen sản xuất truyền thống sang phát triển nông nghiệp sạch theo hướng hàng hóa, giảm ô nhiễm môi trường và tăng thu nhập.

"Trước đây tôi làm nông nghiệp thu nhập rất thấp một phần do thiếu kinh phí, một phần do thiếu kinh nghiệm trong sản xuất nên chất lượng sản phẩm không cao. cuối năm 2022 tôi được dự án "Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai" do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) hỗ trợ làm nhà kính và kinh nghiệm sản xuất nên chất lượng và sản lượng tốt hơn rất nhiều",  anh Tuyến nói.

Hiệu quả từ mô hình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp tại Mộc Châu - Ảnh 3.

Hiện nay, huyện Mộc Châu đang tiếp tục tập trung hình thành và phát triển các chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông nghiệp bền vững. Ảnh: Dương Quân

Dự án Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai được triển khai tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La từ năm 2022 đến năm 2024. Sau gần 4 tháng triển khai, dự án đã hỗ trợ được 18 gia đình tại huyện Mộc Châu với tổng diện tích gần 2ha, tập trung chủ yếu tại xã Chiềng Hắc và Phiêng Luông của huyện Mộc Châu.

Mục tiêu của dự án nhằm cải thiện việc sản xuất và tiếp thị rau nhà kính và áp dụng các giải pháp khoa học dựa trên các bằng chứng thực tế cũng như các phương pháp đổi mới công nghệ tiên tiến, đồng thời cung cấp cây giống, phân bón, dụng cụ kỹ thuật nông nghiệp chất lượng cao cho người hưởng lợi.

Đến nay các mô hình được dự án hỗ trợ đang phát triển tốt, một số mô hình như cà chua, ớt chuông đã cho thu hoạch và mang lại thu nhập cao. Các chuyên gia cũng đánh giá chất lượng và sản lượng sản phẩm có thể đạt gấp 3 đến 4 lần so với sản xuất ngoài trời, vì vậy có thể xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Hiệu quả từ mô hình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp tại Mộc Châu - Ảnh 4.

Hiệu quả từ mô hình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp tại Mộc Châu - Ảnh 5.

Với tiềm năng, lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng trong sản xuất nông nghiệp, huyện Mộc Châu đã tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một diện tích canh tác. Ảnh: Dương Quân

Thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Trao đổi với phóng viên, bà Hoàng Thị Lệ Hằng, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả Việt Nam cho biết: Mộc châu có rất nhiều thuận lợi về khí hậu và thổ nhưỡng nên rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Khi mới đưa dự án vào còn nhiều khó khăn, tuy nhiên đến nay các mô hình đã phát triển rất tốt. Trong thời gian Viện Nghiên cứu Rau quả Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình, dự án để phát triển nông nghiệp trên vùng đất này.

Hiệu quả từ mô hình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp tại Mộc Châu - Ảnh 6.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao trên địa bàn Mộc Châu đã được xuất khẩu sang thị trường nhiều nước trên thế giới. Ảnh: Dương Quân

Để tiếp tục tạo động lực cho nông nghiệp phát triển, huyện Mộc Châu đã ban hành nhiều văn bản để hỗ trợ phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, bền vững, nhất là việc hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ và hoạt động khoa học, công nghệ phát triển nông nghiệp trên địa bàn Mộc Châu.

Hiện nay, Mộc Châu có trên 100 mô hình ứng dụng công nghệ sinh học, hơn gần 40ha nhà lưới, nhà kính, Trên 50 mô hình ứng dụng công nghệ tưới phun sương và tưới nhỏ giọt Isarel… Trong đó, có gần 500ha diện tích nông nghiệp sản xuất theo quy trình VietGAP và GlobalGAP và duy trì hàng chục mã số vùng trồng xuất khẩu.

Hiệu quả từ mô hình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp tại Mộc Châu - Ảnh 7.

Hiệu quả từ mô hình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp tại Mộc Châu - Ảnh 8.

Huyện Mộc Châu tiếp tục tuyên truyền đến các cán bộ công chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân trên địa bàn về các quy định, các chính sách ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Dương Quân

Đồng thời huyện Mộc Châu khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm từ nông nghiệp. Qua đó góp phần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; từng bước nâng cao thu nhập cho người dân và từng bước xây dựng các sản phẩm, thương hiệu nổi tiếng từ nông nghiệp.


 

Văn Ngọc - Dương Quân