Hiệu trưởng trường nghề nói về cam kết từng bị nghi "lòe thiên hạ"

Công Xuân Thứ tư, ngày 18/12/2019 15:30 PM (GMT+7)
Từng bị nghi làm màu, "lòe thiên hạ", đánh bóng tên tuổi khi Trường Cao đẳng Kỹ nghệ (CĐKN) Dung Quất, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) ký cam kết với học viên và sinh viên "hoàn trả lại học phí nếu tốt nghiệp không có việc làm" vào tháng 8/2017, sau hơn 2 năm, tiến sĩ Nguyễn Hồng Tây - Hiệu trưởng Trường CĐKN Dung Quất đã trả lời PV Dân Việt về vấn đề này.
Bình luận 0

Theo tiến sĩ Nguyễn Hồng Tây, sự nghi ngờ của dư luận cũng là điều dễ hiểu bởi lẽ một thời gian dài, đặc biệt là thời điểm từ năm 2007 trở về trước, sau khi được trường đào tạo và tốt nghiệp, đại đa số học viên (HV) và sinh viên (SV) của trường nộp đơn xin vào làm việc tại các công ty, nhà máy đều bị chê là trình độ tay nghề quá yếu, kém.

img

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tây - Hiệu trưởng Trường CĐKN Dung Quất.

Vậy vì sao Trường CĐKN Dung Quất ký cam kết "hoàn trả lại học phí nếu HV, SV tốt nghiệp không có việc làm" ?

- Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tây: Việc trường tổ chức thực hiện ký cam kết trên với HV, SV vào tháng 8/2017 không phải là chuyện nhất thời, "liều" hay muốn "lấy tiếng" như nhiều người đã suy nghĩ, mà đó là kết quả nỗ lực thay đổi của Trường CĐKN Dung Quất kéo dài hàng chục năm trước đó, trong quá trình thực hiện đào tạo nghề cho HV, SV của trường.

Ông có thể nói rõ hơn?

- Nhận thấy nếu cứ tiếp tục đào tạo theo phương pháp cũ, chất lượng tay nghề HV, SV của trường sau khi tốt nghiệp không thể nào thay đổi và khá lên được. Vì vậy từ năm 2007, sau khi họp bàn Ban Giám hiệu và giáo viên trường đã thống nhất, quyết tâm thay đổi, áp dụng phương pháp giảng dạy, đào tạo mới; liên kết và mời các nhà tuyển dụng (công ty, nhà máy...) cùng tham gia giám sát và góp ý trong quá trình thực hiện đào tạo.

img

Một bản cam kết mà Trường CĐKN Dung Quất đã ký cam kết với sinh viên.

Một ví dụ cụ thể, nổi bật mà ông thấy tâm đắc nhất về sự thay đổi trên?

- Đó là việc áp dụng phương pháp đào tạo nghề tích hợp. Thay vì HV, SV chỉ được thực hành sau khi hoàn tất phần lý thuyết như trước kia, nhà trường thực hiện đào tạo song song lý thuyết-thực hành ngay tại giờ học. Chẳng hạn học về nghề hàn thì cùng với truyền đạt kiến thức trên sách vở, HV và SV sẽ được giảng viên thực hành giới thiệu và hướng dẫn những dụng cụ, thao tác cơ bản ngay tại lớp học. Vì vậy HV, SV có thể nắm bắt nhanh và không bỡ ngỡ khi đi thực hành tại xưởng, hoặc ở các xí nghiệp, nhà máy...

Về phía đội ngũ giáo viên thì như thế nào?

- Cùng gửi và cho đi tham gia bồi dưỡng, nâng cao trình độ tại các trường trong và ngoài nước, BGH trường quy định mỗi giảng viên ít nhất là 8 tuần/năm đi thực tế cùng với sinh viên tại gần 100 xí nghiệp, nhà máy và công ty trên địa bàn trong và ngoài tỉnh mà trường hợp tác, liên kết. Nhờ vậy mà nội dung, phương pháp đào tạo nghề nghề cho HV,SV của đội ngũ giảng viên ngày càng phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Còn HV,SV sau khi tốt nghiệp ra trường có thể tiếp cận ngay công việc, nhà tuyển dụng không cần tốn thời gian, tiền bạc và công sức đào tạo lại như trước đó. Đây chính là cơ sở để trường tự tin đứng ra ký cam kết với HV,SV của trường.

img

img

Sinh viên ngành hàn tại một giờ học tích hợp.

Sau hơn 4 năm kể từ khi thực hiện ký cam kết, trường đã phải hoàn trả lại học phí cho bao nhiêu trường hợp?

- Chưa có trường hợp nào cả. Qua theo dõi và kiểm tra thì số em bị nhà tuyển dụng trả về không phải tay nghề yếu, làm không được mà đại đa số là do nguyên nhân khác, như sức khỏe không đảm bảo.

Mức thu nhập của HV, SV sau khi ra trường và đi làm như thế nào, nhà trường có biết được không?

- Các cơ sở đào tạo nghề khác thế nào thì không rõ, nhưng với trường CĐKN Dung Quất thì đây được xác định là một trong những trách nhiệm và yếu tố để tạo dựng uy tín, sự bền vững của trường. Cũng như nhà sản xuất, nếu làm ra sản phẩm (đào tạo HV,SV) và bán (cung ứng cho nhà tuyển dụng) mà không biết chất lượng sản phẩm của mình có đảm bảo, phù hợp (tay nghề có đáp ứng công việc làm) thì sao mà tồn tại và phát triển lên được. Tuy chưa phải là quá cao nhưng mức thu nhập bình quân của HV, SV sau khi ra trường từ 6-8 triệu đồng/em/tháng. Không ít em hiện đang nắm các vị trí quan trọng tại các công ty, nhà máy với thu nhập trên dưới 15 triệu đồng/tháng.

Xin cảm ơn ông!

img

Một góc bên trong Trường CĐKN Dung Quất.

Trường CĐKN Dung Quất là 1/7 trường trực thuộc Bộ LĐTBXH. Toàn trường hiện có khoảng 120 giảng viên, giáo viên với trên 3.800 HV và SV đang theo học. Trong đó, hệ Cao đẳng có 1000 em/20 ngành, nghề; Trung cấp có 800 em/15 ngành, nghề, còn lại là sơ cấp với 17 ngành, nghề.

Vào tháng 8/2019 vừa qua, Trường CĐKN Dung Quất được công nhận đạt chuẩn theo chất lượng giáo dục nghề nghiệp CHLB Đức. Đến thời điểm này, đây cũng là một trong số trường nghề hiếm hoi trong cả nước cam kết với HV sau khi tốt nghiệp không có việc làm, sẽ được trả lại học phí.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem