Hiểu về dân đô thị mai này

Chủ nhật, ngày 06/08/2017 07:13 AM (GMT+7)
Khi xã hội chuyển dịch, hành vi con người sẽ thay đổi. Đô thị hoá kéo theo sự chuyển dịch của xã hội và kèm theo đó là những chuyển đổi trong hành vi tiêu dùng của con người.
Bình luận 0

Trong hội thảo tổ chức tại trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) về “Các xu hướng lớn về thực phẩm toàn cầu sắp tới” ngày 27.7.2017 vừa qua, bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia về thị trường bán lẻ và nhượng quyền, chia sẻ một xu hướng đáng lưu ý đó là sự xuất hiện ngày càng nhiều các hộ độc thân trong xã hội hiện đại (không nhất thiết kết hôn, có con cũng thích sống đơn thân, từ đó ngày càng nhiều người sống độc thân).

img

Tám giờ ở cơ quan, tám giờ ở nhà, còn tám giờ nữa ở đâu – một ngôi nhà thứ ba?

Đô thị hoá và những chuyển dịch trong tiêu dùng: trước nhất, xu hướng sống độc thân

Người sống độc thân có thiên hướng chọn những căn hộ nhỏ; dẫn tới, vật dụng có kích thước cũng nhỏ. Bên cạnh đó, sẽ càng tiện lợi nếu cùng một thiết bị mà có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Thực ra, nói chung thì đất ngày càng hẹp, người ngày càng đông và đô thị hoá kéo con người sống tập trung với mật độ dày đặc hơn. Tháng 5 vừa qua, bộ Xây dựng đã cho phép xây căn hộ chung cư có diện tích 25m2, thay vì diện tích sàn tối thiểu 45m2 cho chung cư theo luật Xây dựng 2005.

Trong cuốn sách Chấm dứt thời đại Trung Quốc hàng nhái, tác giả Shaun Rein, một nhà nghiên cứu thị trường có gần 20 năm làm việc ở Trung Quốc, đưa một ví dụ minh hoạ về trường hợp của OSIM, hãng sản xuất ghế massage, thường bán những chiếc ghế massage khổng lồ giống như hình vỏ sò cho người tiêu dùng Trung Quốc. Mặc dù rất thoải mái, OSIM đã khó trụ lại được thị trường này, vì ghế quá lớn. OSIM nhận ra điểm hạn chế và điều chỉnh lại thiết kế để phù hợp hơn với không gian nhỏ trong hộ gia đình. Kết quả là họ lại bán được nhiều hàng. (1)

Câu chuyện trên, tuy diễn ra ở Trung Quốc và được viết trong cuốn sách xuất bản cách đây ba năm, nhưng thông điệp “Hãy luôn nghĩ đến những hạn chế về không gian để sản phẩm khi thiết kế” mà Shaun Rein đưa ra, hẳn vẫn có giá trị tham khảo trong quá trình đô thị hoá diễn ra tại Việt Nam hiện nay.

Khi phụ nữ là trụ cột

Quá trình đô thị hoá phần nào đó sẽ tác động làm thay đổi vai trò trụ cột trong gia đình của người phụ nữ. Trong cuốn sách Chấm dứt thời đại Trung Quốc giá rẻ, tác giả Shaun Rein chỉ ra một sự thay đổi về mức thu nhập giữa người lao động nữ và nam. Trong ba năm thực hiện các cuộc phỏng vấn các gia đình nhập cư ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Shaun phát hiện ra một xu hướng đáng kinh ngạc: những người nhập cư nữ thường kiếm được nhiều tiền hơn so với nam giới.

Tại sao vậy? Shaun đưa ra lý giải như sau. Khi con người đổ về đô thị, quá trình xây dựng bùng phát. Kèm theo đó là nhu cầu lao động nam. Nhưng xây dựng xong rồi sẽ kết thúc. Còn dịch vụ thì sẽ mãi cần trong cuộc sống thị dân và phụ nữ mới chính là những người nhận được việc làm tốt hơn, lương cao hơn.

Để làm rõ hơn luận chứng của mình, Shaun dẫn số liệu minh hoạ cho thấy mức lương trung bình của một người giúp việc tại Thượng Hải kiếm được từ 4.000 – 6.000 tệ một tháng, tương đương khoảng 660 – 1.000 đôla (2). Tiền lương đang gia tăng trên tất cả các nhóm đối với các công việc thấp cấp hơn, cả với đàn ông lẫn phụ nữ, nhưng phụ nữ đang có các mức tăng lương cao nhất. Trong mắt một số người tuyển dụng lao động, phụ nữ cũng được ưu tiên hơn khi chọn lựa, bởi họ dễ đào tạo hơn và không nhảy việc thường xuyên như nam giới.

Trong một gia đình, khi người phụ nữ làm ra nhiều tiền hơn, thông thường, họ có ảnh hưởng lớn hơn đến quyền ra quyết định. Trong kinh doanh, hiểu được ai có quyền ra quyết định, là một bước cần thiết định hình nên những kế hoạch kinh doanh cũng như marketing.

Dĩ nhiên, những gì diễn ra ở Trung Quốc không đồng nghĩa với việc sẽ diễn ra ở Việt Nam. Tuy vậy, nhìn thấy được những chuyển đổi đó không hẳn vô ích khi hoạch định chiến lược kinh doanh dài hạn.

Ngôi nhà thứ ba

Ở đây xin được viết thêm hai yếu tố liên quan đến quá trình đô thị hoá. Thứ nhất, như đã nói, khi con người sống tập trung, hệ quả là không gian sống thu hẹp lại. Nhưng dù không gian sống rộng hay hẹp thì muôn đời con người vẫn sống trong xã hội, vẫn cần giao tiếp, vẫn có bạn bè.

Giờ đây, thay vì mời bạn đến nhà chơi, họ có thể hẹn gặp nhau ở một nhà hàng, một quán càphê. Quán càphê, giờ đây, thật sự trở thành ngôi nhà thứ ba như cách mà Starbucks từng định vị, và cũng là cách mà chuỗi càphê The Coffee House tại Việt Nam, đang theo đuổi.

Người viết có người bạn là chủ của hai quán càphê mang cùng thương hiệu tại TP.HCM. Một trong những việc phải làm hàng ngày của anh là lên trang web Kênh 14 đọc bài. Đọc để hiểu về những xu hướng đang diễn ra trong giới trẻ. Anh thuộc thế hệ 8X nhưng rất cần hiểu thế hệ 9X, 0X, một trong những phân khúc khách hàng lớn của anh.

Khách đến với quán của anh không chỉ là nhân viên văn phòng, mà còn cả học sinh và sinh viên. Nhưng học sinh và sinh viên thì làm gì có tiền để chi tiêu? “Anh nhầm rồi. Họ có nhiều tiền lắm”, anh mỉm cười đáp.

Trong khoảng vài năm gần đây, chúng ta nghe nhiều đến sự gia tăng tầng lớp trung lưu tại Việt Nam. Họ có thu nhập và sẵn sàng chi tiêu. Họ không chỉ tiêu cho bản thân và còn dành một khoản nhất định cho con cái. Và đây chính là lý do vì sao học sinh, sinh viên, những người không làm ra tiền, nhưng vẫn có tiền để trở thành một phân khúc khách hàng không thể bỏ qua.

Thêm một nét khác biệt, thế hệ 9X, 0X này, cao to hơn cha mẹ mình, sành điệu hơn, tiếp xúc với thế giới nhiều hơn và tất yếu quan tâm đến làm đẹp nhiều hơn. Và đây là một mảnh đất tiềm năng cho những ai làm trong lĩnh vực thời trang, sắc đẹp.            

Đức Tâm (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem