Hỗ trợ phát triển thủy sản: Đầu tư hạ tầng, cho vay lãi thấp

Thanh Xuân (Thực hiện) Thứ bảy, ngày 14/06/2014 13:06 PM (GMT+7)
“Có thể nói, đây là chính sách thể hiện sự quan tâm ngày càng lớn hơn cho ngư dân bởi hỗ trợ ngư dân ra khơi đánh bắt cá không chỉ đem lại lợi ích về mặt kinh tế mà còn góp phần giữ gìn an ninh biển đảo của Tổ quốc”.
Bình luận 0

Đó là khẳng định của ông Phạm Anh Tuấn– Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NNPTNT) xung quanh Dự thảo Nghị định về một số chính sách phát triển thuỷ sản mà Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng.

img

Ông Phạm Anh Tuấn (ảnh)– Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NNPTNT)

Trả lời phỏng vấn của PV NTNN, ông Tuấn bày tỏ:

Tôi được biết tới thời điểm này cơ bản đã ổn, dự kiến vào ngày thứ 6 tuần này sẽ xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương và cả trực tiếp ngư dân là những người được hưởng thụ chính sách này lần cuối để có những điều chỉnh trước khi Chính phủ ban hành trong tháng 6.

Tiếp đến là ban hành thông tư hướng dẫn nhưng muộn nhất là cuối năm 2014 này sẽ triển khai được đề án để kịp thời hỗ trợ cho ngư dân.

Do tình hình trên Biển Đông đang nóng bỏng nên việc xây dựng dự thảo chính sách hỗ trợ nhanh cho ngư dân là cần thiết. Song cũng cần phải lấy ý kiến của ngư dân để xem họ cần hỗ trợ những gì. Có vẻ điều này đã bị bỏ qua?

- Đúng là thời gian xây dựng Dự thảo Nghị định rất ngắn, dự kiến hết tháng này là ban hành thì chỉ hết có 2,5 tháng, trong khi một số nghị định khác có khi phải xây dựng tới 3 năm. Thời gian ngắn nhưng không phải là quá vội vàng và không đảm bảo chất lượng.

Vì đầu tiên là các thủ tục ban hành cũng đã rút gọn lại, tiết kiệm được thời gian rất nhiều. Ngoài ra, chính sách phản ánh trong nghị định thực tế đã được phản ánh rất nhiều. Ví dụ ở Festival Thuỷ sản tại Phú Yên và các hội thảo; rồi Ban Kinh tế T.Ư cũng có những hội thảo về chủ đề ngư dân trên biển…

Mặt khác, khi triển khai, Bộ NNPTNT xây dựng nghị định này, bản thân tôi đã bỏ các cuộc đi công tác trong nước và ngoài nước để tập trung xây dựng. Thậm chí, bản thân các bộ, ngành khác đều sang Bộ NNPTNT để cùng phối hợp triển khai. Kể cả thứ trưởng, bộ trưởng… đều phải tập trung cao cho chính sách này.

Sau đó, chúng tôi tiến hành lấy ý kiến của các cơ quan chức năng, các địa phương và cả ngư dân trước khi hoàn thiện trình lên Chính phủ. Rồi cả Phó Thủ tướng Chính phủ cũng tập trung rất cao và ngồi lại họp với các bộ ngành nhiều lần và tới đây sẽ có cuộc lấy ý kiến rộng rãi tại khu vực miền Trung và các đơn vị liên quan trước khi ban hành.

Ông có thể cho biết, chính sách này có những điểm khác biệt gì so với các chính sách hỗ trợ cho ngư dân trước đây?

- Đầu tiên là về đầu tư cơ sở hạ tầng cho khai thác hải sản, ngân sách nhà nước sẽ đầu tư hỗ trợ 100% cho xây dựng các cảng cá loại 1 và khu neo đậu tránh trú bão. Đối với cảng cá loại 2, ngân sách T.Ư hỗ trợ 90% cho cảng cá thiết yếu, trong khi các chính sách trước đây chỉ hỗ trợ 50%. Ngoài ra, chính sách này cũng hỗ trợ hệ thống thông tin, quan sát quản lý tàu cá.

Về tín dụng, chính sách này cũng có những thay đổi như: Mức cho vay để đóng mới, cải hoán tàu cũng được nâng lên, tối đa tới 90% vốn đóng mới tàu thép hoặc vật liệu mới, đối với tàu vỏ gỗ là 70%. Tức là có khuyến khích đóng tàu vật liệu mới nhưng không có nghĩa là cấm cửa tàu gỗ vì chưa thể triển khai được tàu sắt ngay lập tức.

Điều kiện cho vay cũng đơn giản hơn, ngư dân có thể sử dụng con tàu sắp hình thành trong tương lai để làm tài sản thế chấp. Lãi suất cho vay chỉ còn 2%, thời gian cho vay 10 năm với tàu vỏ sắt và 7 năm với tàu vỏ gỗ. Tức là nhà nước sẽ trích ngân sách hỗ trợ bù lãi suất cho vay để hỗ trợ ngư dân. Như vậy, nghị định này đã đưa ra điều kiện vay thuận lợi hơn, lãi suất thấp hơn.

Ngoài ra, ngư dân cũng phải sử dụng vốn lưu động nên cho vay tàu đánh cá 200 triệu đồng và tàu dịch vụ là 500 triệu đồng để giúp người dân không phải vay tín dụng đen khi ra khơi. Mặt khác, chính sách này cũng sẽ hỗ trợ ngư dân 70% phí bảo hiểm thân tàu và hỗ trợ mua phí bảo hiểm kết hợp thuyền viên…

Việc tổ chức thực hiện, cụ thể hóa chính sách nêu trên triển khai ra sao, thưa ông?

- Về thủ tục, tôi cho rằng sau nghị định phải có những thông tư hướng dẫn vì không thể thể hiện được hết trong nghị định được. Có thể Chính phủ sẽ giao cho Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai gói tín dụng; về vấn đề bảo hiểm hay hỗ trợ lãi suất sẽ do cơ quan Bộ Tài chính thực hiện.

Còn về phía Bộ NNPTNT, vấn đề quan trọng nhất là phải thực hiện định hướng lại nhu cầu, số lượng tàu. Phải triển khai rà soát lại quy hoạch về ngành nghề, xác định xem số lượng tàu thuyền nên đóng mới bao nhiêu, loại tàu gì, nghề gì... nếu không, ngư dân thấy thuận lợi quá cứ đóng tràn lan ra.

Ngoài ra, đối với tàu thép, do mình chưa có kinh nghiệm phải phát triển thiết kế tàu sao cho phù hợp với ngành nghề, tránh tình trạng đóng rồi không dùng được thì cũng rất lãng phí.

Một số ý kiến cho rằng, việc đóng tàu thép có thể không khả thi vì vốn đối ứng còn khá cao, trong khi ngư dân còn nghèo?

- Tôi nghĩ đó chỉ là lý thuyết, ngư dân còn nghèo nhưng không phải tất cả ngư dân là chủ tàu mà nhiều người chỉ là thuyền viên. Trước đây Nhà nước cho vay với lãi suất cao, điều kiện khắt khe hơn nhiều đã có từng đấy tàu… rồi thì không cớ gì có chính sách mới này lại không phát huy hiệu quả. Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 120.000 tàu.

Ông Phạm Anh Tuấn cho biết: “Dự đoán trong tháng này sẽ ban hành nghị định về chính sách hỗ trợ ngư dân và tiếp đến là ban hành thông tư hướng dẫn nhưng muộn nhất là trong năm 2014 sẽ triển khai được đề án để kịp thời hỗ trợ cho ngư dân”.

Qua khảo sát ngư dân cho biết, nếu để Nhà nước giao cho các đơn vị nào đó đóng chắc chắn giá thành sẽ đắt và khi người dân thuê lại cũng sẽ phải thuê với giá cao. Mà các đơn vị đó thực hiện đóng tàu liệu có phù hợp cho ngư dân ra khơi không. Từ mẫu mã, các tính năng sử dụng liệu có phù hợp…

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem