Hỗ trợ tín dụng nông nghiệp, nông thôn: Đừng để nông dân khó “với”

Thứ hai, ngày 03/03/2014 14:46 PM (GMT+7)
"Nếu không có những hướng dẫn cũng như những cách làm thật thiết thực, tôi e rằng, gói tín dụng hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn sẽ vẫn khó mà đến được với nông dân"...
Bình luận 0
Ông Phạm Tất Thắng - chuyên gia kinh tế, nguyên lãnh đạo trong ngành thương mại đã nói như vậy khi trả lời PV NTNN xung quanh đề xuất của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình về một chương trình hỗ trợ tín dụng được đánh giá là cực lớn dành cho nông nghiệp, nông thôn sắp tới.

Thực hiện mới khó

Thưa ông, Chính phủ đã rất ủng hộ đề xuất của Thống đốc NHNN trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2 (28.2) về việc dành một gói tín dụng riêng cho nông nghiệp, nông thôn. Theo ông, điều này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay?

Chuyên gia Phạm Tất Thắng: “Sản xuất nông nghiệp của chúng ta hiện nay còn quá manh mún, nhỏ lẻ thì làm sao có thể ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học và các mô hình mới”.
Chuyên gia Phạm Tất Thắng: “Sản xuất nông nghiệp của chúng ta hiện nay còn quá manh mún, nhỏ lẻ thì làm sao có thể ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học và các mô hình mới”.

- Trong khó khăn, khủng hoảng thì có nhiều chính sách hỗ trợ cho khu vực nông thôn, nông nghiệp là rất cần thiết, điều mà lẽ ra chúng ta đã phải làm thường xuyên, bằng nhiều cách chứ không chỉ một gói tín dụng bây giờ mới đề xuất là xong.

Việc gói tín dụng được đề xuất hướng vào các mục tiêu phục vụ ứng dụng công nghệ khoa học vào sản xuất nông nghiệp; phục vụ mô hình sản xuất mới trong nông nghiệp và tín dụng phục vụ xuất khẩu nông thủy sản tôi cho là sát với tình hình sản xuất nông nghiệp của ta hiện nay. Tuy nhiên, tôi cho việc triển khai thực hiện gói tín dụng này trên thực tế chắc chắn sẽ không dễ...

Tại sao lại không dễ khi mà các mục tiêu hướng tới của gói tín dụng được cho là sát với thực tế, sát với nhu cầu của nông dân, nông nghiệp hiện nay, thưa ông?

- Gói hỗ trợ tín dụng bất động sản 30.000 tỷ đã và đang thực hiện cho thấy, người thu nhập thấp, người nghèo có nhu cầu nhà ở không thể "với" tới được. Việc cho vay gói hỗ trợ này đã gần như bị "tắc" hoặc chỉ cho vay được ở những đối tượng mà không phải mục tiêu ban đầu nó muốn hướng tới. Với gói tín dụng nông nghiệp, nông thôn tôi cho việc thực hiện còn khó khăn hơn gấp bội.

Bởi ai sẽ là người đứng ra bảo lãnh cho nông dân vay vốn. Làm sao nông dân có đủ lòng tin vào ngân hàng để chấp nhận cho họ vay vốn. Chưa kể, hàng nghìn thủ tục mà nông dân khó có thể đáp ứng nếu muốn vay vốn ngân hàng... Do vậy, tôi cho rằng, nếu không có các hướng dẫn cũng như những cách làm thật cụ thể, thiết thực thì tôi e rằng, gói tín dụng hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn sẽ vẫn khó mà đến được với nông dân.

Phải hỗ trợ trung, dài hạn

Ông có cho rằng, hiện nay việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp hay đưa ra mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp là quá sức với người nông dân - một điều kiện tiên quyết để họ có thể vay được vốn?

Về đề xuất của NHNN xây dựng một số chương trình thí điểm cho vay tam nông, như dành riêng khoản tín dụng cho ứng dụng khoa học vào sản xuất nông nghiệp, cho các mô hình sản xuất mới, tăng trưởng xuất khẩu nông sản, Thủ tướng yêu cầu phải làm ngay trong quý I.2014. Tuy nhiên, NHNN và các bộ ngành liên quan cần đưa ra điều kiện rõ ràng cho vay đối tượng nào, thời hạn vay đủ dài, đặc biệt lãi suất phải thấp hơn mặt bằng chung. NHNN cho biết sẽ xây dựng nội dung triển khai cụ thể bằng các nghị định, thông tư.

- Sản xuất nông nghiệp của chúng ta hiện nay còn quá manh mún, nhỏ lẻ thì làm sao có thể ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học và các mô hình mới. Các chính sách đưa ra cần phải tính đến việc nông dân sử dụng được đồng ruộng của mình. Lao động nông thôn không phải ly hương mà vẫn đủ ăn, đặc biệt nông dân phải làm giàu được từ những sản phẩm nông nghiệp.

Gói tín dụng 1 năm thì khó có thể hiệu quả ngay được mà nông dân phải được hỗ trợ vay vốn trung và dài hạn để kịp áp dụng khoa học, công nghệ hoặc quay vòng sản xuất theo mô hình mới cho trọn một vòng đời của sản phẩm-đặc thù trong sản xuất nông nghiệp.

Còn nếu chúng ta lại chỉ áp dụng cho ông này hay bà kia vay theo kiểu "chính sách quan tâm" thì tôi cho rằng gói tín dụng sẽ chỉ dừng lại ở phong trào, chưa thay đổi được sản xuất nông nghiệp cũng như cải thiện được đời sống người nông dân.

Có một thực tế là ngay việc cho vay hỗ trợ với mặt hàng gạo, nông dân hiện cũng chưa được hưởng lợi từ sản xuất lúa gạo như mục tiêu Chính phủ đề ra. Kể cả khi giá gạo lên cao, nông dân vẫn không hưởng lợi từ giá này. Vậy với gói tín dụng phục vụ xuất khẩu nông thủy sản, đề xuất lần này cần triển khai ra sao để khắc phục tình trạng này, thưa ông?

- Trong chuỗi lợi nhuận từ sản xuất lúa gạo, hiện tại chỉ thương lái và doanh nghiệp xuất khẩu hưởng nhiều nhất. Nguyên nhân do doanh nghiệp xuất khẩu chưa gắn kết chặt chẽ với nông dân (thông qua việc cung cấp đầu vào, hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm).

Doanh nghiệp không quan tâm đến nông dân khi đề xuất chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo mà thay vào đó là bảo vệ quyền lợi của chính các doanh nghiệp xuất khẩu. Chính vì thế, các chính sách tín dụng tới đây nên tập trung nâng cấp chuỗi giá trị lúa gạo vùng chuyên canh với sự tham gia của nông dân và các chính sách hỗ trợ các tác nhân trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến kinh doanh, xuất khẩu gạo. Doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần phải có sự liên kết với nông dân thể hiện bằng hợp đồng nông sản, mới được vay vốn.

Về lâu dài, chính sách tín dụng gì thì cũng cần phải có một mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp mới đem lại hiệu quả, nếu không tiền cho vay với nông dân sẽ vẫn chỉ như "muối bỏ biển", thưa ông?


- Đúng như vậy. Để chính sách tín dụng phát huy hiệu quả với sản xuất nông nghiệp thì không chỉ 1 xã, một hộ dân hay 1 dự án là xong mà phải làm đồng bộ, có được một ý tưởng mô hình phát triển nông nghiệp phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng của từng vùng. Có thể đúc kết một số mô hình đã thành công như phát triển bò sữa ở Mộc Châu, Nghệ An... Hay với đất đai hiện nay, chúng ta cần mạnh dạn dồn điền, đổi thửa, cho phép tích tụ ruộng đất lớn để đưa khoa học công nghệ vào.

Sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn ở ĐBSCL cũng vậy, cần phải có chính sách tín dụng tốt để thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp hiện nay, để nông dân không phải làm tới 3 vụ lúa mà có thể làm 1 lúa, 1 tôm, 1 màu vẫn có thể giàu có... Tín dụng của Nhà nước cũng nên tập trung hỗ trợ việc nghiên cứu giống tốt cung ứng cho nông dân, hay hỗ trợ các ứng dụng tốt về giống của chính nông dân vào sản xuất... Nếu triển khai theo hướng này đồng tiền tín dụng mới đem lại hiệu quả và làm thay đổi diện mạo sản xuất nông nghiệp.

Xin cảm ơn ông!


Nhà nước đã có không ít các chính sách hỗ trợ nông dân nhưng lợi ích cuối cùng vẫn chưa đến tay nông dân. Tình trạng nông dân bỏ ruộng là phản ứng rõ nhất về chính sách đối với nông dân chưa phù hợp, chưa đem lại lợi ích cho người nông dân như tiềm năng đang có. Để khắc phục tình trạng này, cùng với việc hình thành các vùng chuyên canh, tôi cho rằng, chính sách của Nhà nước phải bắt đầu từ việc tiếp cận các ngành sản xuất nông nghiệp ở góc độ thị trường. Người nông dân phải là trung tâm của các hỗ trợ, các doanh nghiệp, nhà xuất khẩu nông thủy sản cần phải liên kết với nông dân và phải tham gia vào quá trình sản xuất mới được thụ hưởng chính sách hỗ trợ”.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Mai Hương (thực hiện) (Mai Hương (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem