dd/mm/yyyy

Hoà Bình: Phát triển nông nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ

Vài năm trở lại đây, ngành nông nghiệp của tỉnh Hoà Bình đang phát triển mạnh mẽ, đạt được kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Từ 1 nền sản xuất nông nghiệp manh mún, thu nhập của nông dân thấp, đến nay nông nghiệp tỉnh Hòa Bình đã và đang chuyển sang quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hoá.

Từ các Nghị quyết chuyên đề của tỉnh ủy về phát triển trồng trọt, chăn nuôi, cùng với định hướng, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hoà Bình đang vận hành theo hướng khai thác tiềm năng, nâng cao giá trị sản phẩm hiệu quả, bền vững. Tại nhiều cơ sở của tỉnh Hoà Bình, sản xuất nông nghiệp không chỉ giữ vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, mà ngày càng xuất hiện nhiều mô hình có lợi thế cạnh tranh, phát triển khá tốt.

Hoà Bình: Phát triển nông nghiệp với thị trường tiêu thụ - Ảnh 1.

Mô hình trồng bưởi đỏ đang là hướng đi mới giúp nhiều nông hộ có cuộc sống dư giả.

Nhiều năm qua tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản của tỉnh Hoà Bình tăng bình quân 4,35%/năm. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác trồng trọt đạt 128,4 triệu đồng/năm. Đến nay, toàn tỉnh Hoà Bình có 58 xã về đích nông thôn mới, có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 46 khu dân cư kiểu mẫu; 151 vườn mẫu; 71 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh. 

Đạt được kết quả trên là nhờ tỉnh ủy, UBND tỉnh Hoà Bình đã kịp thời ban hành các nghị quyết và chỉ đạo sát sao về phát triển trồng trọt, cải tạo vườn tạp, phát triển chăn nuôi bền vững, phát triển nuôi cá lồng, hỗ trợ tiêu thụ nông sản hàng hóa…  Các Nghị quyết của tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp, nông thôn đi vào cuộc sống như "luồng gió mới", tạo khí thế thi đua lao động sản xuất hăng say cho người nông dân.

Hoà Bình: Phát triển nông nghiệp với thị trường tiêu thụ - Ảnh 2.

HTX tại xã Liên Sơn (huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình) đang hoạt động hiệu quả, nhờ phát triển sản phẩm gắn với thị trường tiêu thụ.

Chúng tôi có dịp đến thăm HTX chuối Viba tại xã Liên Sơn (huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình). Đây là mô hình tiêu biểu liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tận dụng lợi thế đất đai và nguồn lao động địa phương do anh Trần Trung Đức - một thanh niên trẻ điều hành. Anh Đức cho biết: Tất cả quy trình sản xuất, liên kết xây dựng vùng nguyên liệu, chế biến được thực hiện khép kín theo tiêu chuẩn an toàn. Riêng xưởng sơ chế có diện tích khoảng 1.000 m2, được quy hoạch cùng 3 phòng dấm chuối công nghệ cao, công suất tối đa 5 tấn/ngày. Chuối chín tự nhiên bằng khí ethylene sinh học, tuyệt đối an toàn, không độc hại. Chuối tiêu hồng được sơ chế và làm sạch sẽ theo tiêu chuẩn nhập khẩu từ Mỹ, được Bộ NN&PTNT cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm số 04/2017/NNPTNT-120.

Hiện nay HTX chuối Viba đã xây dựng vùng nguyên liệu ở Lạc Thủy, Tân Lạc, TP. Hòa Bình. Sản phẩm chuối Viba đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao do UBND tỉnh cấp, đã có mặt tại các siêu thị lớn ở Hà Nội và một số tỉnh khu vực phía Bắc. HTX thực hiện sản lượng 1.000 tấn, doanh thu hàng năm đạt trên 9 tỷ đồng, lãi trên 196 triệu đồng/ha/năm, giải quyết việc làm cho trên 50 lao động địa phương. Trên địa bàn huyện Lương Sơn cũng đã hình thành nhiều sản phẩm lợi thế, được thị trường tin dùng như rau hữu cơ Lương Sơn, bưởi Diễn Tân Thành, gà Thuận Phát, dê núi đá… mang lại hiệu quả khá cao.

Hoà Bình: Phát triển nông nghiệp với thị trường tiêu thụ - Ảnh 3.

Mô hình nuôi trâu vỗ béo đang là hướng đi mới, giúp ông Bùi Văn Liên, sinh năm 1957 ở xóm Sung (xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) thoát nghèo.

Diện tích cây ăn quả có múi và rau an toàn trên địa bàn tỉnh Hoà Bình được mở rộng, góp phần tăng trưởng ngành trồng trọt đạt 5,4%, chiếm trên 67% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Nhóm cây trồng chủ lực như cây ăn quả có múi giá trị thu nhập cao, đạt trên 500 triệu đồng/ha/năm. Cây rau đạt 270 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, tại tỉnh Hoà Bình đã hình thành vùng sản xuất cây ăn quả có múi ở các huyện, như: Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy, Tân Lạc, Lạc Sơn, Lương Sơn, Yên Thủy.

Hiện có hơn 11.000ha cây ăn quả có múi, diện tích kinh doanh khoảng 8.000ha, sản lượng trên 15 vạn tấn. Diện tích được chứng nhận an toàn thực phẩm VietGAP, hữu cơ đạt 2.500ha đem lại hiệu quả kinh tế khá, cải thiện đời sống người nông dân. Đối với nghề nuôi cá lồng bè đã phát triển khá mạnh, hình thành nhiều mô hình liên kết sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ ở Hà Nội và các tỉnh khu vực miền Bắc.

Hoà Bình: Phát triển nông nghiệp với thị trường tiêu thụ - Ảnh 4.

Trồng cây ăn quả trên đất dốc đang là phao cứu sinh giúp nhiều hộ nông dân tỉnh Hoà Bình thoát nghèo.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ UBND tỉnh Hoà Bình: Tỉnh xác định phát triển nông nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ là nền tảng bất di bất dịch. Đồng thời gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp với công nghiệp chế biến, du lịch, bảo vệ môi trường, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu để đạt hiệu quả kinh tế cao. Tập trung đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Đẩy mạnh việc dồn điền, đổi thửa để thu hút mạnh mẽ các nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Thời gian tới tỉnh phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản bình quân hàng năm đạt 4,5% - 5%. Phát triển liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi, đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác và doanh nghiệp. Tiếp tục chuyển đổi, thành lập mới và nâng cao năng lực hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập và xoá nghèo tại các cơ sở.

Hoà Bình: Phát triển nông nghiệp với thị trường tiêu thụ - Ảnh 6.

Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương về đất đai, tỉnh Hoà Bình đã đẩy mạnh việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi diện tích trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao.

Những năm vừa qua, ngành nông nghiệp tỉnh Hoà Bình đã hình thành mô hình liên kết doanh nghiệp với nông dân trong sản xuất tiêu thụ nông sản. Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với thời điểm sản xuất manh mún. Tỷ lệ tiêu thụ nông sản qua hợp đồng tăng, đạt trên 30% sản lượng; xác định được 14 khu vực trồng trọt tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học tại 7 huyện, với diện tích gần 300 ha. Toàn tỉnh cải tạo được hơn 6.000ha vườn tạp các loại, với gần 29.000 hộ tham gia, hình thành nhiều vườn cây đặc sản với các loại cây trồng như: Bưởi đỏ, bưởi Da Xanh

Gia đình ông Đinh Văn Hậu ở xóm Sung (xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) là một trong những hộ tiên phong trồng bưởi đỏ trên 7.000m2 đất dốc, nhờ vậy mà đời sống của gia đình ông ngày càng khá giả. Ông Hậu cho biết: Mấy năm về trước, tôi trồng ngô nhưng thu nhập không cao, nên tôi chuyển sang trồng bưởi đỏ. Tôi thấy trồng bưởi đỏ rất dễ chăm sóc, vốn đầu tư ít hơn ngô, đầu ra cho sản phẩm tương đối ổn định. Các thương lái từ Hà Nội, Phú Thọ, Thái Nguyên đến nương vườn nhà tôi thu mua nhiều lắm. Từ lúc trồng bưởi đó đến nay, thu nhập của gia đình tôi đã dư giả lên nhiều, mỗi vụ gia đình tôi có lãi gần 180 triệu đồng.

Hoà Bình: Phát triển nông nghiệp với thị trường tiêu thụ - Ảnh 7.

Tận dụng diện tích mặt hồ thuỷ điện Hoà Bình, bà con nhân dân đã nuôi cá lồng bè để tăng cao nguồn thu nhập.

Hiện thực hóa chủ trương của tỉnh Hoà Bình về phát triển nông nghiệp, đến nay lợi ích kinh tế mà ngành nông nghiệp mang lại vô cùng lớn, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nhân dân. Có thể nói, tỉnh Hoà Bình đang có bước chuyển mình tích cực trong cơ cấu nông nghiệp, đặc biệt là cây ăn quả trên đất dốc đã mang lại giá trị kinh tế cao. Nhiều gia trại, trang trại, hợp tác xã đang có lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống cho người dân.


Hà Hoàng