Hoà Bình: Trai đất Mường nuôi gà Mía đỏ cả vườn, có bao nhiêu thương lái cũng "khuân" sạch

Hà Hoàng Thứ hai, ngày 21/09/2020 13:02 PM (GMT+7)
Những năm gần đây, mô hình nuôi gà Mía thả vườn đang phát triển mạnh ở một số địa phương của huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Bước đầu, mô hình nuôi gà Mía đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều nông hộ chăn nuôi vươn lên làm giàu.
Bình luận 0

Anh Bùi Văn Luân, sinh năm 1985, dân tộc Mường, xóm Lán Ráy, xã Bình Sơn, huyện Kim Bôi (tỉnh Hoà Bình) là một trong những hộ gia đình làm giàu nhờ nuôi gà Mía thả vườn. Mỗi năm anh có thu nhập cao từ việc nuôi  Mía thả vườn.

Trai xứ Mường nuôi gà thả vườn có của ăn của để - Ảnh 1.

Anh Bùi Văn Luân, xã Bình Sơn, huyện Kim Bôi (tỉnh Hoà Bình) thường cho đàn gà Mía ăn cám ngô, cám sắn là chủ yếu.

Nói về cơ duyên đến với nghề nuôi gà Mía thả đồi, anh Bùi Văn Luân cho biết: "Trong một lần tôi về Hưng Yên thăm bạn bè, thấy bà con nơi đây nuôi gà Mía thả vườn rất phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tôi trở về cải tạo lại chuồng trại, mua 200 trăm con gà Mía về nuôi thử...'.

Sau 1 thời gian thấy đàn gà hợp với điều kiện khí hậu tại vùng, ít bị dịch bệnh, chất lượng thịt thơm ngon nên bán được với giá khá cao, anh quyết định mở rộng quy mô nuôi, mua vật liệu, lưới về rào xung quanh vườn cây ăn quả sau nhà, để nuôi gà Mía. 

Từ số đàn vài trăm con, anh tăng lên 1.000 con, 1 năm nuôi 4 lứa gà Mía để tăng cao nguồn thu nhập.

Trai xứ Mường nuôi gà thả vườn có của ăn của để - Ảnh 2.

Ngoài nuôi gà mía, anh Bùi Văn Luân, xã Bình Sơn, huyện Kim Bôi (tỉnh Hoà Bình) còn nuôi thêm giống lai gà Đông Tảo.

Ban đầu mới nuôi đàn gà Mía, anh luân chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc. Anh đã tự lên mạng đọc sách, báo tìm hiểu về kĩ thuật chăm sóc và khẩu phần ăn cho đàn gia cầm. 

Bên cạnh đó anh Luân còn đi tham quan học hỏi các mô hình chăn nuôi ở các tỉnh, thành phố như Hưng Yên, Hà Nội, Bắc Giang về áp dụng vào trang trại của mình. 

Với nhiều năm gắn bó với nghề nuôi gà Mía anh Luân cho hay, để đàn gà Mía phát triển khỏe mạnh, khâu quan trọng nhất là lựa chọn mua giống.

 Anh Luân thường chọn những con gà nhanh nhẹn, chân to, mắt sáng, tránh mua những con gà giống khô chân, khoèo chân...

Trong thời gian chăm sóc đàn gà, anh chia ra từng khẩu phần riêng theo từng tháng tuổi của gà, để làm sao đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng cho đàn gà phát triển tốt nhất.

Thức ăn cho đàn gà được anh Luân chia ra từng khẩu phần rất logic và khoa học. Khi gà hơn 25 ngày tuổi anh Luân cho gà ăn thức ăn hỗn hợp. Gà đến 40 ngày tuổi anh chuyển sang cho gà ăn ngô xay và gạo xay.

Thỉnh thoảng anh bổ sung chút rau xanh để cũng cấp vitamin và chất khoáng cho đàn gia cầm, sử dụng rất ít cám công nghiệp trong chăn nuôi.

Trai xứ Mường nuôi gà thả vườn có của ăn của để - Ảnh 3.

Anh Luân bắt gà bán cho người dân tại xóm Lán Ráy.

Chuồng gà, được anh dải lớp vỏ chấu phủ lên trên mặt đất để cho gà không bị đau chân để bảo đảm cho việc dọn dẹp vệ sinh chuồng trại tiện lợi. 

Khi phân gà bám vào vỏ chấu lúc quét dọn đảm bảo sạch sẽ hơn. Sau đó anh tận dụng phân gà bón cho vườn cây ăn quả quanh nhà.

Trai xứ Mường nuôi gà thả vườn có của ăn của để - Ảnh 4.

Nhiều thương lái đến tận trang trại anh Luân thu mua gà Mía, vì vậy đầu ra luôn ổn định và bán với giá cao.

Để đáp ứng đủ thức ăn cho đàn gà, anh Luân cùng gia đình tận dụng diện tích ruộng sau nhà trồng ngô và sắn làm thức ăn dự trữ. Vì thế, mà anh đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí thức ăn chăn nuôi. 

Anh Bùi Văn Luân cho biết: "Tôi tận dụng tối đa diện tích vườn cây sau nhà rào chắn xung quanh nên lượng thức ăn ngoài tự nhiên cho đàn gà như cỏ, giun, dế... luôn dồi dào. Một năm tôi nuôi được 4 lứa, mỗi lứa khoảng 1.000 con...".

Trai xứ Mường nuôi gà thả vườn có của ăn của để - Ảnh 5.

Nhờ cách chăm sóc tốt và khoa học đàn gà Mía của anh Luân ít bị dịch bệnh và phát triển khỏe mạnh.

Trai xứ Mường nuôi gà thả vườn có của ăn của để - Ảnh 6.

Anh Luân cho biết: "Thông thường các đám hiểu, hỷ, hội nghị trên địa bàn xã thường hay đến mua gà của trang trại tôi. Vì vậy đầu ra luôn ổn định".

"Khi có nhiều người biết đến hoạt động của trang trại, tôi tiếp tục mở rộng địa bàn giới thiệu sản phẩm gà sang các huyện Lạc Sơn, Cao Phong, Mai Châu, Lạc Thủy qua các nhóm chợ online trên facebook...", anh Luân chia sẻ.

Đển nay sản phẩm gà Mía của gia đình anh Luân đều được nhiều khách hàng gần xa biết đến. Có thời điểm, nhiều thương lái vào tận trang trại mua nhưng anh không đủ gà bán cho họ. Nhất là vào thời điểm giáp tết âm lịch. Trung bình 1kg gà gà Mía có giá dao động từ 120.000 đồng – 140.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, anh lãi hơn 140 triệu đồng/năm...

Trai xứ Mường nuôi gà thả vườn có của ăn của để - Ảnh 7.

Không chỉ nuôi gà thương phẩm bán, anh Luân còn úm gà giống bán kiếm lời.

Trai xứ Mường nuôi gà thả vườn có của ăn của để - Ảnh 8.

Chất lượng thịt gà mía của gia đình anh Luân nuôi có thịt săn chắc, thơm ngon nên nuôi đến đâu bán hết đến đó.

Trao đổi với PV, anh Bùi Văn Trọng, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình nhận định: "Mô hình nuôi gà mía thả vườn của anh Bùi Văn Luân rất đáng để nhân rộng đến với các hội viên khác. Mặc dù còn trẻ tuổi nhưng anh Luân rất tích cực tìm tòi, đổi mới tư duy trong chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tuyên truyền đến các hội viên ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, giúp bà con thoát nghèo và vươn lên làm giàu tại cơ sở".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem