Hóa đơn điện “nóng” theo thời tiết, cổ phiếu ngành điện lại phập phù

Quốc Hải Thứ tư, ngày 14/04/2021 16:37 PM (GMT+7)
Điện chưa bao giờ hết nóng, nhưng điều bất ngờ là cổ phiếu ngành điện vẫn khá phập phù, dù dự báo giá “mặt hàng thiết yếu” này có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Bình luận 0

Trong một báo cáo mới công bố, Công ty CP Chứng khoán SSI, nhận định: "Do giá FIT - cơ chế giá được Chính phủ đưa ra nhằm khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo hiện đang ở mức cao, cùng với giá khí tăng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần kiểm soát chi phí đầu vào. Do đó, khả năng EVN sẽ phải tăng giá điện bán lẻ để bù đắp một phần chi phí đầu vào tăng".

Hóa đơn điện “nóng” theo thời tiết, nhưng cổ phiếu ngành này lại phập phù… - Ảnh 1.

Điện dự báo sẽ tăng giá nhưng cổ phiếu ngành điện lại khá phập phù (Ảnh: IT)

Nhu cầu điện tăng, cổ phiếu ngành điện lại… giảm

Thông thường, bước vào tháng 4 hàng năm (từ quý 2) là thời gian cao điểm của mùa khô, nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng cao. Theo tính toán, nếu nhiệt độ tăng thêm từ 0,5 - 10 độ C thì sản lượng điện tiêu thụ sẽ tăng khoảng 2,5 - 3%. Vì thế, không lạ khi thời gian gần đây trên thị trường đang xuất hiện những lo lắng về việc giá điện có thể tăng trong thời gian tới. Trên thực tế, hóa đơn tiền điện của người dân cũng bắt đầu "nóng" lên theo sự biến đổi của thời tiết.

Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngành điện hiện tại vẫn diễn biến khá… phập phù, đặc biệt với nhóm nhiệt điện.

Chẳng hạn, cổ phiếu NT2 của Công ty CP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2, từ vùng giá 26.000 đồng/CP hồi đầu năm, hiện tại chỉ còn giao dịch ở mức giá 21.900 đồng/CP (phiên 14/4). Theo ước tính của các công ty chứng khoán, trong năm 2021 cổ phiếu NT2 có triển vọng lợi nhuận kém tích cực (-35%), cùng với giá khí tăng, nên cổ phiếu này được khuyến nghị bán.

Dù vậy, Công ty CP Chứng khoán SSI cũng lưu ý, yếu tố bất ngờ sẽ đến với NT2 từ cổ tức tăng thêm liên quan đến thu nhập chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện trong 2015-2019. Đáng chú ý, NT2 dự kiến trả hết nợ ngoại tệ trong nửa đầu năm 2021, giúp cải thiện dòng tiền trong dài hạn và giảm rủi ro tỷ giá.

Năm 2021, NT2 đặt mục tiêu sản lượng điện đạt 4.600kWh. Tổng doanh thu dự kiến đạt 7.713 tỷ đồng, tăng 26,4% so với doanh thu thực hiện năm 2020. Song chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế chỉ 462 tỷ đồng, giảm 26% so với lợi nhuận đạt được năm 2020.

Cũng được dự báo khá phập phù trong năm 2021 là cổ phiếu PPC của Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại. Cụ thể, PPC được dự báo có triển vọng sản lượng phát điện ảm đạm, cùng với sản lượng hợp đồng giảm không thể bù đắp chi phí đầu vào tăng trong năm 2021, khiến cho mã chứng khoán này bị khuyến nghị kém tích cực với triển vọng lợi nhuận ảm đạm (-40%).

Cổ phiếu HND của Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng cũng có 4 phiên liên tiếp đỏ sàn, từ vùng giá 22.400 đồng/CP, hiện HND giảm xuống còn 20.200 đồng/CP. Theo BCTC quý 1/2021 vừa được công bố, HND lỗ ròng hơn 11 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi ròng hơn 200 tỷ đồng. Được biết, mỗi năm HND vẫn phải dành ra 1.700 tỷ đồng từ dòng tiền hoạt động để trả nợ vay.

Trong khi đó, với ở lĩnh vực thủy điện, dù các DN có kết quả kinh doanh 9 tháng/2020 sụt giảm mạnh, nhưng nhờ quý 4/2020 khả quan nên kéo theo kết quả kinh doanh khả quan trong cả năm 2020. Bước sang đầu năm 2021, các DN thủy điện tiếp tục được dự báo sẽ hưởng lợi nhờ thời tiết thuận lợi, giá điện có thể sẽ tiếp tục tăng…

Chẳng hạn, với mã chứng khoán REE của Công ty CP Cơ điện lạnh, dự báo năm 2021, tăng trưởng lãi ròng ước tính ở mức 8,3% so với cùng kỳ. Theo SSI, tăng trưởng năm 2021 của REE là nhờ mảng thủy điện và mảng cơ điện phục hồi.

Cụ thể, riêng ở mảng điện, REE đặt mục tiêu đạt 1.610 tỷ đồng doanh thu và 646 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Trong năm, công ty tiếp tục quản lý và vận hành 3 dự án điện gió đang triển khai.

Hóa đơn điện “nóng” theo thời tiết, nhưng cổ phiếu ngành này lại phập phù… - Ảnh 3.

Hóa đơn điện tăng theo thời tiết ngày càng nắng nóng (Ảnh: IT)

Trên thực tế, cổ phiếu ngành điện trong 2 năm qua có sự tăng trưởng tốt. Trong giai đoạn 2019 - 2020, chỉ số giá cổ phiếu ngành sản xuất và phân phối điện đạt 29,9%, cao hơn 6,9% so với chỉ số Vn-Index và cổ phiếu ngành điện năm 2020 cũng tiếp tục tăng mạnh. Điều này cho thấy mức độ quan tâm của nhà đầu tư cũng như triển vọng phát triển của ngành khá nhiều điểm sáng.

Cổ phiếu ngành điện "nóng" bởi cổ tức (!?)

Theo đánh giá của giới đầu tư, cổ phiếu ngành điện thường "nóng" lên trước mùa ĐHĐCĐ thường niên do sự hấp dẫn của cổ tức tiền mặt mà các DN này chi ra.

Chẳng hạn, với Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại, năm 2020 lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này đạt 1.011 tỷ đồng, và doanh nghiệp đã tạm ứng cổ tức 2 lần cho năm 2020 vào tháng 12/2020 và tháng 3/2021. Dự kiến năm 2021, dù tổng công suất của PPC giảm 16% so với năm 2020, xuống 4,4 tỷ kWh. Song phần lợi nhuận giữ lại cuối năm 2020 của PPC khoảng 2.145 tỷ đồng, đủ để doanh nghiệp này tiếp tục trả cổ tức tiền mặt.

Theo Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, cổ tức thực nhận của PPC trong 12 tháng tới có thể duy trì ở mức 2.500 đồng/CP, tương đương với tỷ suất cổ tức 8,9% so với thị giá hiện tại.

Đối với Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng, mặc dù mỗi năm doanh nghiệp này vẫn phải dành ra 1.700 tỷ đồng từ dòng tiền hoạt động để trả nợ vay, nhưng đây cũng là DN trả cổ tức tiền mặt khá ổn cho cổ đông. Cụ thể, năm 2020, lợi nhuận giữ lại của HND đang ở mức 1.129 tỷ đồng. Tháng 12/2020, HND đã tạm ứng cổ tức 250 đồng/CP và sắp tiếp tục tạm ứng cổ tức 750 đồng/CP.

Năm 2021, dự kiến công suất của HND đạt 7,4 tỷ kWh, đây là một mức cao có thể giúp doanh nghiệp ổn định. Do đó, VDSC kỳ vọng HND có thể trả cổ tức ở mức 2.000 đồng/CP, tương ứng với tỷ suất cổ tức 9,6%.

Riêng với Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2, đây cũng là một trong những nhà máy điện thường có dòng cổ tức trả về công ty mẹ lớn và đều đặn.

Tháng 2/2021, NT2 đã tạm ứng cổ tức 1.000 đồng/CP cho năm 2020, VDSC kỳ vọng cổ tức 12 tháng tới thực trả của NT2 đạt khoảng 3.000 đồng/CP, tương đương với tỷ suất cổ tức 13,1% so với thị giá hiện tại.

Đáng chú ý, dự kiến NT2 sẽ trả xong nợ trong quý II/2021, đồng nghĩa với việc phần lợi nhuận sau thuế giữ lại 1.281 tỷ đồng cuối năm 2020 có thể giúp doanh nghiệp tiếp tục duy trì chính sách trả cổ tức cho cổ đông. Thêm vào đó, công ty mẹ là Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW) cũng đang cần vốn để triển khai các dự án phát điện mới, vì thế nguồn thu từ cổ tức tiền mặt của NT2 trở nên càng quan trọng trong lúc này với POW để làm nguồn vốn đối ứng phát triển dự án.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem