Hoàn thiện chính sách cho kinh tế tuần hoàn

Trần Quang Thứ sáu, ngày 24/03/2023 14:22 PM (GMT+7)
Kinh tế tuần hoàn là gốc rễ của tăng trưởng xanh trong nông nghiệp. Nhiều đại biểu cùng có chung đánh giá như vậy tại diễn đàn “Kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi: Cơ hội và thách thức” tổ chức mới đây.
Bình luận 0

Diễn đàn do Cục Chăn nuôi, Tổ điều hành Diễn đàn kết nối 970 (Bộ NNPTNT), Nhóm tham vấn kinh doanh nông nghiệp (ARG) của Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Úc tại Việt Nam (ACIAR) và Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức.

Kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu

Theo ông Dương Tất Thắng – Cục trưởng Cục Chăn nuôi, với tổng đàn lợn đạt xấp xỉ 30 triệu con, gia cầm đạt trên 500 triệu con và gia súc trên 12 triệu con, nước ta có một hệ sinh thái chăn nuôi đồ sộ, đảm bảo nhu cầu lương thực, thực phẩm cho hơn 100 triệu dân, xuất khẩu và tạo sinh kế cho hàng triệu hộ nông dân. 

Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi đã xây dựng được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cùng các tiêu chuẩn kỹ thuật tương đồng với thế giới và khu vực. Đây là lợi thế khi ngành chăn nuôi tham gia những sân chơi lớn.

Tuy nhiên, ông Thắng cũng chỉ ra những hạn chế nhất định của ngành như vấn đề tiêu thụ, kết nối thị trường, dịch bệnh, ảnh hưởng về phát thải, xử lý chất thải chăn nuôi. Qua diễn đàn có thể thấy kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu, mang lại những lợi ích thiết thực như nâng cao giá trị, gia tăng sản phẩm nông nghiệp, sẩm phẩm chăn nuôi, kết nối hài hòa lợi ích lâu dài giữa các ngành khác nhau (chăn nuôi, trồng trọt...).

Hoàn thiện chính sách cho kinh tế tuần hoàn  - Ảnh 1.

Anh Đặng Xuân Nam băm cỏ chăn nuôi bò sữa tại trang trại tuần hoàn của gia đình ở xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ảnh: Trần Quang

Ông Dương Tất Thắng cho rằng, từ xưa, vấn đề tuần hoàn trong chăn nuôi đã được thể hiện qua nhiều mô hình như VAC, VACR, lúa - cá - vịt, xử lý rơm cho chế biến phân bón vi sinh... Tuy nhiên, đến nay với quy mô chăn nuôi lớn hơn, chúng ta cần có bước đi bền vững hơn, cách tiếp cận mới hơn, phù hợp hơn với xu hướng thế giới và khu vực.

Bên cạnh đó, ông Thắng cũng nhấn mạnh, đối với kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi, việc bảo vệ, gìn giữ môi trường là hết sức cần thiết. Đây cũng được cho là gốc rễ của tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

"Nguyên tắc cốt lõi của kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi là giảm chi phí, giảm tiêu thụ nguyên liệu đầu vào, giảm phát thải đầu ra, chế biến và tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp, tạo ra chu trình khép kín giữa các ngành khác như chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, chế biến" - ông Thắng nói thêm.

Tại diễn đàn, đại diện Cục Chăn nuôi cũng nhấn mạnh rằng cần áp dụng khoa học công nghệ của các nước trên thế giới, khu vực, và sáng kiến từ doanh nghiệp, các nhà khoa học trong nước và nước ngoài để xử lý phụ phẩm chăn nuôi hiệu quả, đảm bảo môi trường. Theo ông Thắng, đây cũng là một "điểm nghẽn" khi xây dựng chính sách cho ngành chăn nuôi.

Người làm nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ phải đi cùng nhau

Để đẩy mạnh sự phát triển của kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi, TS Nguyễn Văn Bắc - đại diện Trung tâm Khuyến nông quốc gia thường trực tại Nam bộ, đề xuất đẩy mạnh ứng dụng các nghiên cứu và tiến bộ kỹ thuật. 

Theo ông Bắc, chúng ta cần tập trung nhấn mạnh hai công nghệ cốt lõi. Thứ nhất, công nghệ vi sinh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn. Theo đó, ngành chăn nuôi cần đẩy mạnh nghiên cứu xử lý phân trực tiếp, xử lý phân không trực tiếp, vi sinh trong thức ăn chăn nuôi, hướng tới giảm thải và tăng hiệu quả kinh tế.

Hoàn thiện chính sách cho kinh tế tuần hoàn  - Ảnh 3.

Các đại biểu thăm mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn tại xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam) ngày 23/5/2022. Ảnh: Trần Quang

Thứ hai, công nghệ ứng dụng côn trùng đang manh nha phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi tuần hoàn. "1 tấn trùn quế có thể xử lý 30 tấn phân trong vòng 1 tháng. Chất thải từ trùn quế rất thích hợp để sử dụng trong trồng trọt, đem lại giá trị kinh tế cao" – ông Bắc ví dụ.

Về quản lý chính sách, TS Nguyễn Văn Bắc đưa ra một số đề xuất: Cần có tiêu chuẩn để đánh giá lĩnh vực chăn nuôi tuần hoàn; cần công bố kịp thời, rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật nhằm phục vụ chăn nuôi tuần hoàn; để đưa hệ thống chăn nuôi tuần hoàn vào chuỗi bền vững với đầu tàu là doanh nghiệp...

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Hồng Lam - Chủ tịch HĐQT Công ty Quế Lâm, người hơn 30 năm theo đuổi xây dựng hệ sinh thái tuần hoàn của Tập đoàn Quế Lâm, mong muốn kêu gọi tất cả các thành phần làm nông nghiệp chịu khó, chịu khổ; muốn đi xa phải đi nhiều người..., và kêu gọi mọi người làm nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ phải đi cùng nhau.

Hiến kế thêm giải pháp về kinh tế tuần hoàn, TS Võ Trọng Thành (Cục Chăn nuôi) cho biết, chúng ta cần thực hiện đồng bộ 4 giải pháp: Hoàn thiện về cơ chế, chính sách; hoàn thiện hệ thống pháp luật về tái chế, tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn. 

Thứ hai, nghiên cứu khoa học công nghệ, khuyến nông chăn nuôi. Thứ ba, đào tạo, phát triển nguồn lực và năng lực cán bộ ngành chăn nuôi. Thứ tư, triển khai các dự án ưu tiên như sản xuất phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi, nuôi côn trùng xử lý chất thải chăn nuôi, sản xuất khí sinh học từ chất thải chăn nuôi lợn.

Đến từ "thủ phủ nuôi lợn" của cả nước với tổng đàn 2,6 triệu con, ông Trần Lâm Sinh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh đã phối hợp Tập đoàn Quế Lâm triển khai mô hình nuôi lợn hữu cơ, dùng phụ phẩm trong chăn nuôi, hay sản xuất phân hữu cơ. Sản lượng phân hữu cơ sử dụng từ phụ phẩm chăn nuôi của tỉnh là 2 triệu tấn/năm.

Đánh giá về kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi, ông Sinh cho biết khó khăn, thách thức trong nông nghiệp tuần hoàn là khá lớn, trong đó có các vấn đề liên quan đến nhận thức, hành lang pháp lý, phát triển mô hình khai thác, tài chính khó khăn, công nghệ tái chế, quản lý môi trường và nguồn nhân lực, tốc độ thương mại hóa trên thế giới.

Về phát triển kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới, ông Sinh cho biết, Đồng Nai sẽ tập trung nâng cao nhận thức của người dân, nâng cao năng lực đầu tư, nghiên cứu, tận dụng công nghệ, tạo động lực cho người dân, doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp tuần hoàn thông qua hỗ trợ vốn, chính sách ưu tiên, liên kết các thành phần kinh tế theo chuỗi giá trị...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem