Hoàng đế Bảo Đại: Bắn súng cừ khôi, hạ gục hàng trăm mãnh hổ

PV (tổng hợp) Thứ hai, ngày 01/03/2021 20:32 PM (GMT+7)
Từ một sự tình cờ, hồi tháng 4/2012, chúng tôi may mắn gặp được cụ Hoàng Nợ, một cận vệ từng tháp tùng Vua Bảo Đại trong những chuyến đi săn tại khắp các cánh rừng ở khu vực Tây Nguyên. Cụ Nợ khi ấy gần 90 tuổi, người huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình...
Bình luận 0

Tuổi cao, thời cuộc đổi dời nhưng những kỷ niệm theo chân vua lên rừng xuống biển săn bắn trong cụ Nợ cứ ăm ắp, dù rằng những mốc thời gian có lúc cụ lẫn lộn, lúc nhớ khi quên. Dẫu vậy, cuộc trò chuyện với cụ cũng hé mở cho chúng tôi nhiều điều kỳ thú liên quan đến cựu hoàng Bảo Đại mà lâu nay sử sách ít đề cập…

Trong ngôi nhà xinh xắn nằm gối đầu trên dốc nhỏ uốn lượn trên đường Đào Duy Từ ở thành phố Đà lạt, tỉnh Lâm Đồng, cụ Hoàng Nợ miên man trong ký ức. Cụ cho biết mình mồ côi cha từ năm 6 tuổi, năm 22 tuổi cụ lấy vợ và cũng thời điểm này cụ bị Pháp bắt lính, đưa vào Thành Nội làm lính gác, biên chế trong Sư đoàn Ngự lâm quân. Sau 3 năm được huấn luyện và làm nhiệm vụ trong cung, cụ Nợ được triều đình biên chế tháp tùng Vua Bảo Đại vào Đắk Lắk, sau đó chuyển về Đà Lạt. Tại xứ sương mù (Đà Lạt), qua quá trình sàng lọc khắt khe, cụ Nợ được người của triều đình chọn là 1 trong 52 cảnh vệ kiêm cận vệ chuyên theo hầu Vua Bảo Đại trong những chuyến lên rừng xuống biển, chủ yếu là đi săn thú.

Hoàng đế Bảo Đại: Bắn súng cừ khôi, hạ gục hàng trăm mãnh hổ - Ảnh 1.

Bảo Đại - vị hoàng đế cuối cùng của phong kiến Việt Nam.

"Tiếng là cận vệ nhưng kỳ thực tôi chỉ làm mỗi nhiệm vụ là vác súng, đứng cảnh giới ở khoảng cách xa vua khoảng 100 bước chân. Khi không có lệnh của vua hay người hầu cận thường là ngự lâm quân thì những cận vệ như tôi không được đến gần. Chỉ khi Vua Bảo Đại săn được thú, tùy khoảng cách mà có khi tôi hoặc những cận vệ vòng ngoài khác có nhiệm vụ đến khiêng con thú ấy đưa vào để vua tiếp tục săn con thú khác" - cụ Nợ, chậm rãi, nhớ lại.

Theo lời kể của cụ Nợ, Vua Bảo Đại có niềm đam mê săn bắn đến kỳ lạ, hễ rảnh rỗi lúc nào là "thiên tử" vác súng cùng tùy tùng vào rừng săn bắn. Bà Từ Cung rất không thích thú đam mê này của cựu hoàng, nhất là khi bà biết mỗi khi săn được hươu nai, thiên tử bao giờ cũng cho người chặt đầu thú lấy sừng, lột da làm vật trang trí trong các dinh thự. Bà Từ Cung cho như thế là sát sinh nên mỗi khi nghe Bảo Đại rục rịch "lên đường" là… ngăn cản.

Cụ Nợ tiếp tục mạch chuyện: "Khi đang ở dinh tại Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), nếu muốn lên rừng Mê Vạn ở Đắk Lắk hay ghé Bảo Lộc - Lâm Đồng săn thú thì Vua Bảo Đại thường đích thân lái ôtô đến nơi. Trên đường đi, ông thường dừng ở những khu vực có cây cối xanh mát nghỉ ngơi. Tại đó, ông quan sát điểm rồi cưỡi voi vào khu vực săn bắn, lúc này tùy tùng sẽ dựng lều trên mô đất trống và tập kết quân nhu ở đấy...".

Cụ Nợ khẳng định Vua Bảo Đại bắn súng rất tài. Khi vị vua thứ 13 và cũng là vị vua cuối cùng của triều Nguyễn giương súng ngắm thì ai đó hay con thú đừng hòng chạy thoát, bởi Vua Bảo Đại là tay súng cừ khôi, đã bóp cò thì khó mà trượt đích. "Khi đi săn, Vua Bảo Đại đi trước, chúng tôi đi sau. Đi cùng vua có quan tỉnh trưởng, ông đại úy mà tôi không nhớ tên chỉ huy Ngự lâm quân. Những người này bắn súng rất giỏi, làm nhiệm vụ cứu nguy cho vua, hễ có con thú nào manh động xông đến là ông đại úy đó hay lính ngự lâm dùng súng ngắn hạ gục ngay, tuyệt đối không để con vật làm kinh động đến thiên tử".

Rừng Đắk Lắk theo ký ức của cụ Nợ thì thú nhiều vô kể, đặc biệt là cọp, voi rừng và con min (bò tót), con nào con nấy to đùng, nặng hàng tấn chứ không "lác đác", "be bé" như bây giờ. Cụ Nợ nhẩm tính rằng trong những năm theo hầu Vua Bảo Đại đi săn thú, cụ cho rằng Vua Bảo Đại đã hạ gục hàng trăm "ông ba mươi". "Tính ra, Vua Bảo Đại rất gan dạ. Người ta nghe nói đến cọp thì sợ đến bạt vía. Có vùng vì quá sợ cọp  kinh quấy mà người dân còn lập miếu thờ "ông cọp" để chúa sơn lâm đừng quấy quá hại người mà yên ổn làm ăn. Nhưng Vua Bảo Đại thì khác. Có lẽ vì nghĩ mình là thiên tử - nghĩa là con trời nên ông chẳng sợ gì. Cọp càng dữ thì ông càng muốn săn, săn cho bằng được".

Cụ Nợ quả quyết: "Có lần Vua Bảo Đại cao hứng nói với anh em chúng tôi rằng, bắn cọp phải có kỹ thuật chứ không phải cứ bóp cò, con vật ngã gục là hay. Nếu bắn cọp để nấu cao thì bắn sao cũng được. Nhưng bắn cọp nhồi bông, lấy da thì phải bắn một phát trúng yếu huyệt chứ bắn nhiều phát da hỏng không dùng được". Chúng tôi hỏi Vua Bảo Đại có giải thích yếu huyệt của chúa sơn lâm ở đâu không, cụ Nợ lắc đầu: "Vua không nói vì lúc đang trò chuyện với chúng tôi thì có người đến bẩm hầu. Sau đó tôi để ý thì thấy những con cọp mà ông bắn vết đạn không bao giờ trúng ở thân mà ở tam tinh hoặc ở giữa trán".

- Cụ có nhớ trọng lượng của những con cọp mà Vua Bảo Đại bắn hạ không?

- Ông bắn nhiều lắm, có chuyến đi săn, chỉ trong một buổi ông bắn đến gần chục con. Mỗi khi ông nổ súng là chúng tôi theo hướng đến nơi thì thấy con cọp nằm ngay đơ. Có con đến 6-7 tráng binh lực lưỡng nhưng khiêng xính vính.

- Khi hạ được cọp, ngoài việc lột da trải thảm, nhồi bông, Vua Bảo Đại còn làm gì khác không thưa Cụ? Có bao giờ Vua Bảo Đại hay các Cụ ăn thịt cọp không?

Chúng tôi vừa dứt câu hỏi, cụ Nợ cười sảng khoái mà rằng: "Thịt cọp dở lắm nên ông chẳng ăn bao giờ, chúng tôi cũng vậy. Hôm nào săn được nhiều cọp, ông cho đem nấu cao ngay tại rừng và đem chia cho mọi người cùng tham gia chuyến đi săn. Bây giờ người ta nấu cao hổ pha đủ thứ chứ hồi đó, Vua Bảo Đại chỉ cho nấu cao khi săn đủ 5 con, gọi là ngũ hổ".

Theo lời cụ Nợ, đến nay chưa ai phá được kỷ lục hạ gục hàng trăm mãnh hổ của Vua Bảo Đại.

Mỗi khi đi săn thú như thế, Vua Bảo Đại cho tùy tùng mang hàng chục khẩu súng săn với nhiều kiểu dáng, đặc tính khác nhau. Với mỗi loài thì ông có súng săn phù hợp, như súng chuyên bắn hổ, bò tót, trâu rừng… nói chung là mãnh thú thì hỏa lực mạnh. Súng chuyên bắn các loài gà rừng, công, trĩ… hỏa lực kém hơn, đầu đạn nhỏ nhằm tránh con vật trúng đạn… tan xác, trông không đẹp. Tất cả súng săn thú của vua đều nhập từ Pháp, súng có ống ngắm, kiểu dáng đẹp, sang trọng.

Cụ Nợ hào hứng bật mí, lắm khi chim thú săn được nhiều quá, Vua Bảo Đại ban cho những cận thần theo hầu xa giá trong chuyến đi săn. "Ông bắn thú cho vui thôi! Khi hạ gục con vật nào đó, ông không quan tâm đến chuyện gì khác ngoài chuyện xem vết đạn mình bắn có đẹp hay không, nghĩa là bắn trúng đích hay bắn lệch tí chút. Ông xem xong thì bỏ đi, chúng tôi chỉ việc tới khiêng thú xuống giao cho đội hậu cần xử lý. Điều lạ là ông hiếm khi ăn thịt những con thú mình bắn, hầu như chưa bao giờ. Thế nên chiến lợi phẩm sau cuộc săn bắn của ông chúng tôi đều hưởng lộc, hầu như con gì tôi cũng nếm thịt qua rồi" - cụ Nợ tự hào kể.

Mỗi chuyến đi săn, tùy hành trình dài hay ít ngày mà cận thần sắp xếp, bố trí lượng người tháp tùng theo chân Vua Bảo Đại cho phù hợp, dao động 50 đến hơn 100 người. Tham gia chuyến đi săn của Vua Bảo Đại bao giờ cũng có quan đầu tỉnh và tù trưởng bộ tộc địa phương được mời đến, trước để vui, sau có chuyện gì thì ứng cứu xa giá kịp thời.

Cụ Nợ khẳng định: "Vua Bảo Đại hiền lắm, ông chỉ mê ăn chơi, săn bắn, chinh phục người đẹp. Tuy không được như Vua Thành Thái, Duy Tân nhưng ông cũng là người biết thương dân, chẳng mất lòng ai nên được mọi người yêu mến, không cố sát hại. Chứ muốn hại ông dễ lắm, bởi phần lớn thời gian của ông là đi săn bắn chốn rừng sâu".

Cùng với thú săn bắn nơi rừng sâu, Vua Bảo Đại cũng là một tay câu cá cừ khôi. Bật mí lý thú này của cụ Nợ khiến chúng tôi vô cùng bất ngờ. Bởi như đã nói, lâu nay khi nhắc đến các thú ăn chơi của Vua Bảo Đại, người đời chỉ biết ông có niềm đam mê săn bắn, thích chinh phục người đẹp, thích nhảy đầm… chứ chẳng ai đề cập đến chuyện ông là tay câu có… "số má". Ngoài các dinh thự ở Vũng Tàu, Buôn Mê Thuộc, Đà Lạt…, Vua Bảo Đại còn xây dinh thự ở Nha Trang và tại khu vực Hồ Lắk (Đắk Lắk). "Nha Trang là xứ biển rất lắm cá và hồ Lắk là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Tây Nguyên (650ha) nên cá nhiều lắm" -  cụ Nợ, bật mí!

Những chuyến đi săn của cựu Hoàng Bảo Đại còn nhuốm màu ly kỳ và đầy lãng mạn bởi tháp tùng bên ông là những mỹ nhân nhan sắc khuynh thành.

Dinh Bảo Đại tại thành phố biển Nha Trang, chúng tôi cũng đã đôi lần ghé qua. Dinh nằm trên đồi cao, phía dưới là sóng biển mênh mông, cảnh trí thơ mộng. Dinh thuộc địa phận của phường Vĩnh Nguyên, Nha Trang, phía dưới là Viện Hải dương học - được mọi người quen gọi là Bảo tàng Đại dương bởi đang lưu giữ tiêu bản của hàng ngàn loài sinh vật biển quý hiếm. "Nếu ở rừng Vua Bảo Đại cưỡi voi đi săn thú thì khi xuống biển, ông thường đi câu trên tàu Hương Giang. Đó là loại thuyền rồng xinh đẹp, đầy đủ tiện nghi, do những thủy quân giàu kinh nghiệm, am hiểu luồng lạch, con nước, biết nơi đâu có nhiều cá để đưa vua đi câu cho sướng tay".

- Cụ có nhớ con cá lớn nhất mà Vua Bảo Đại câu được không?

- Có lần Vua Bảo Đại xuống ca-nô thả câu và bị con cá đuối to như cái nhà, thân hơn chục người đứng trên vẫn trống chỗ cắn câu. Con cá lớn quá đã lôi ông cùng chiếc ca-nô chạy băng băng. Lúc ấy ai nấy đều hết hồn nhưng ông thì rất bình tĩnh, cứ mặc nó lôi đi. Khi biết khó thắng con vật, ông chủ động cho người cắt đứt dây câu và ra chiều tiếc rẻ vì đã để xổng con cá to. Lúc mọi người tiếp cận được, ông cười mà rằng câu cá thì phải kiên trì, bình tĩnh, đừng hoảng hốt rồi có xử trí kém thông minh.

Hôm ấy, cụ Nợ tạm khép lại câu chuyện với lời sẻ chia kinh nghiệm của người đi câu, cũng là triết lý xử thế của Vua Bảo Đại: "Vua dạy nếu thả câu gặp con cá to như thế, nếu manh động mà thu dây câu trước sẽ mất con mồi, sau có thể nó vùng vẫy gây họa. Lúc ấy cứ theo con cá, chờ cho nó mệt rồi từ từ thu dây… Phàm sống trên đời, giải quyết mọi chuyện phải lúc nhu lúc cương mới mong thành sự".

(Còn nữa…)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem