Hoạt động ngân hàng qua lăng kính bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Quốc Hải Thứ năm, ngày 07/11/2019 15:00 PM (GMT+7)
Trước áp lực về hoạt động huy vốn, không ít doanh nghiệp bất động sản (DN BĐS) đã chuyển hướng sang phát hành trái phiếu, tìm kiếm “nhựa sống” cho các dự án kinh doanh của mình. Tuy nhiên, đằng sau những đợt phát hành này là cả một dấu hỏi lớn với những khoản nợ xấu có thể phát sinh trên bức tranh kinh doanh của ngành ngân hàng.
Bình luận 0

Theo thống kê SSI Research, trong 9 tháng đầu năm 2019, có 44 DN BĐS phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) với 139 đợt phát hành, giá trị phát hành lên đến 47.800 tỷ đồng, chỉ đứng sau số lượng trái phiếu phát hành của các ngân hàng thương mại (NHTM).

Vì sao việc phát hành TPDN ngành BĐS dù nhận được nhiều cảnh báo nhưng vẫn… “đắt như tôm tươi”?

img

Các NHTM khá tích cực trong việc bảo lãnh TPDN (Ảnh: Giao dịch HDBank)

Bàn tay của các NHTM

Theo các chuyên gia kinh tế nhận định, một yếu tố quan trọng gần như quyết định chính để phát hành TPDN thành công là phải có “bàn tay” của các NHTM. Theo đó, NHTM không phải là người mua trái phiếu này, mà sẽ đóng vai trò là đơn vị phân phối và bảo lãnh phát hành, thậm chí là bảo lãnh thanh toán cho lô TPDN. Vì vậy, nhà đầu tư sẽ tin tưởng “xuống tiền” khi mức lãi suất đưa ra với TPDN thường hấp dẫn so với gửi tiền ngân hàng.

Chẳng hạn, thay vì gửi tiền vào NH với mức lãi suất tiết kiệm 7%/năm, người gửi tiền sẽ được tư vấn 2 cách lựa chọn: Hoặc là rút tiền ra mua TPDN (lãi suất 10%) được chính NH bảo lãnh thanh toán với mức lãi suất bằng lãi suất tiền gửi (7%) nếu DN phát hành không thanh toán; hoặc khách hàng có thể thế chấp sổ tiết kiệm để vay vốn NH (lãi suất 9%) mua TPDN (lãi suất 11%) do NH bảo lãnh.

Như vậy, thay vì gửi tiền vào NH, nhà đầu tư có thể mua TPDN do NH bảo lãnh, về bản chất thì như nhau nhưng lại được hưởng lãi suất cao hơn (được lãi suất tiền gửi và chênh lệch lãi suất trái phiếu với lãi suất đi vay). Về phía DN BĐS, vay vốn trực tiếp ở NH phải tuân thủ những quy định về hoạt động tín dụng khắt khe. Trong khi đó, chỉ cần “thỏa thuận” được với NHTM để đơn vị này đứng ra bảo lãnh, việc phát hành TPDN sẽ thuận lợi hơn, dễ huy động được dòng tiền vì nhà đầu tư thường sẽ tin tưởng ở hệ thống các NHTM hơn.

Vì sao các NHTM thích đứng ra bảo đảm việc này? Theo giải thích của TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế - tài chính, cho rằng: “Khi DN phát hành trái phiếu, thì họ sẽ yêu cầu NH bảo lãnh trái phiếu cho họ. Có 2 hình thức bảo lãnh: 

Thứ nhất là bảo lãnh phát hành, nếu DN phát hành ra 1 triệu trái phiếu nhưng nhà đầu tư chỉ mua 800 nghìn trái phiếu thôi thì NH sẽ bảo đảm mua 200 nghìn trái phiếu còn lại, nghĩa  là bảo lãnh phân phối.

Thứ 2 là bảo lãnh thanh toán, ví dụ khi DN phát hành trái phiếu và hứa hẹn trong vòng 5 năm sẽ trả lãi cho trái chủ, nhưng nếu DN mất khả năng thanh toán thì NH sẽ thay mặt DN thanh toán cho trái chủ.

“Trong mục bảo lãnh khác của các NH, có thể có 1 phần là bảo lãnh trái phiếu, nhưng họ thường không tách ra, nên rất khó nhận biết. Và nó tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu khá cao”, ông Hiếu nói.

Cố vấn một NHTM tại TP.HCM chia sẻ, khi một NHTM đứng ra bảo lãnh thanh toán cho một DN khi phát hành lô trái phiếu, NH sẽ theo dõi khoản mục bảo lãnh này ngoài bảng cân đối kế toán và được ghi chép vào mục “bảo lãnh khác” trên bảng cân đối ngoại bảng của NH.

Khi DN không trả nợ đúng hạn cho người mua TPDN có bảo lãnh, thì NH cũng chẳng phản ánh chất lượng nợ của con nợ phát hành TPDN, trừ phi tòa án tuyên án trách nhiệm chi trả từ phía NH bảo lãnh cho những người mua TPDN…

“Khi DN vay vốn trực tiếp ở NH thì phải tuân thủ những quy định về hoạt động tín dụng, và khi DN không trả nợ đúng hạn NH sẽ phải chuyển nhóm nợ cũng như trích lập dự phòng. Tuy nhiên, với hình thức bảo lãnh TPDN, NH được lợi cho cả chỉ tiêu huy động lẫn tăng trưởng tín dụng. Song hoạt động từ nghiệp vụ này được tách ra khỏi bảng cân đối kế toán, thay vì NH trực tiếp cho DN BĐS vay từ tiền gửi của khách hàng. Thông qua hình thức này, các số liệu được thống kê về cho NHNN theo Thông tư 02 không phản ánh đúng bản chất”, chuyên gia này phân tích.

Nợ xấu tiềm ẩn?

Như đã đề cập ở trên, khi một NH đứng ra bảo lãnh thanh toán cho một DN khi phát hành lô trái phiếu, NH sẽ theo dõi khoản mục bảo lãnh này ngoài bảng cân đối kế toán và được ghi chép vào mục “bảo lãnh khác” trên bảng cân đối ngoại bảng của NH. Nhìn vào giá trị các cam kết “bảo lãnh khác” lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, thậm chí gia tăng so với giá trị đầu năm ở nhiều NHTM qua báo cáo tài chính quý 3/2019, có thể thấy được phần nào sự nở rộ phát hành TPDN trong thời gian qua.

Chẳng hạn, tại MBB, giá trị cam kết “bảo lãnh khác” của nhà băng này tính đến hết quý 3/2019 là 70.318 tỷ đồng, giảm so với hồi đầu năm (71.203 tỷ đồng), nhưng giá trị vẫn chiếm rất lớn. Kế đến, hàng loạt các NHTM khác cũng có cam kết “bảo lãnh khác” khá lớn tính đến hết quý 3/2019, như: TCB (21.646 tỷ đồng); VPB (16.848 tỷ đồng); STB (8.151 tỷ đồng); VIB (5.506 tỷ đồng); EIB (5.226 tỷ đồng); ACB (3.051 tỷ đồng); HDB (2.800,5 tỷ đồng); …

Tất nhiên, không thể nói các khoản giá trị cam kết “bảo lãnh khác” này đề được đổ vào TPDN, song với tình trạng bùng nổ hiện nay của hình thức gọi vốn TPDN, có lẽ NHNN nên theo dõi và giám sát chặt chẽ để đánh giá thực chất bức tranh nợ xấu của hệ thống NHTM hiện nay.

Việc hạn chế hoặc áp điều kiện chặt hơn trong phát hành TPDN tại lĩnh vực BĐS đã được cơ quan quản lý cấp cao đặt ra. Phát biểu tại cuộc họp mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc phát triển thị trường TPDN là tất yếu và phải thúc đẩy thị trường này để giảm phụ thuộc vào kênh vốn ngân hàng. Nhưng nếu có bất thường, thiếu minh bạch hoặc thiếu an toàn thì phải chấn chỉnh.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan lưu ý các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS phát hành TPDN khi đây không phải là kênh cần khuyến khích hiện nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem