Tạo động lực phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 4

Phương Đông Thứ tư, ngày 01/06/2022 11:23 AM (GMT+7)
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân lần thứ 4 do T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La tổ chức với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính được kết nối với 62 điểm cầu trong cả nước.
Bình luận 0

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo nhiều bộ, ngành đã đưa ra hàng loạt gợi mở, chỉ đạo được xem là những thông điệp mới nhằm tạo ra động lực cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân phát triển, bứt phá trong thời gian tới, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2022, tổ chức ngày 29/5 tại Sơn La.

Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 4 do T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La tổ chức với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính được kết nối với 62 điểm cầu trong cả nước. Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 4 có chủ đề: "Tiếp sức, hỗ trợ nông dân; phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững".

Chuẩn bị kỹ lưỡng, nội dung toàn diện

Tham dự trực tiếp hội nghị tại hội trường lớn Trung tâm Hội nghị tỉnh Sơn La có hơn 500 đại biểu, khách mời, trong đó, có sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp, hợp tác xã, đặc biệt là sự hiện diện của 29 nông dân tiêu biểu, đại diện cho hàng chục triệu hộ nông dân cả nước trực tiếp đặt câu hỏi với Thủ tướng và hơn 200 đại biểu nông dân tiêu biểu tỉnh Sơn La.

Bên cạnh đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ với vai trò chủ trì còn có 17 đồng chí là Ủy viên T.Ư Đảng đang đảm nhận các chức vụ là trưởng các ban của T.Ư Đảng, các Bộ trưởng, Bí thư Tỉnh, Thành ủy; các đồng chí là Phó Ban của T.Ư Đảng, Thứ trưởng các bộ, ngành; đại diện lãnh đạo các Tỉnh, Thành ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, cán bộ, hội viên, nông dân tại 62 điểm cầu trong cả nước.

Nhiều thông điệp mới tạo động lực cho tam nông bứt phá - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành tham dự Hội nghị sáng 29/5. Ảnh: P.H

"Do khuôn khổ thời gian có hạn, chúng ta còn nhiều vấn đề chưa được nêu và thảo luận. Tôi đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải đặc biệt quan tâm, nắm chắc thực tiễn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng bà con nông dân, nhất là những vấn đề nảy sinh, vấn đề búc xúc để có giải pháp phù hợp, kịp thời".

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Phát biểu định hướng hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: "Ba cuộc đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với nông dân trước đây đều mang lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế nói chung và cho nông dân, nông nghiệp, nông thôn nói riêng" - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định.

Về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn liên quan đến chủ đề của hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, các ngành, các cấp phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn, cùng cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, để cùng ngành nông nghiệp, cùng người nông dân giải quyết các khó khăn đang hiện hữu và cả những khó khăn trong tương lai có thể xuất hiện mà chúng ta chưa dự báo được.

Đồng chí Lương Quốc Đoàn - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Ban chấp hành T.Ư Hội Nông dân Việt Nam cho biết, qua công tác chuẩn bị Hội nghị đối thoại, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam đã triển khai lấy ý kiến sâu rộng trong các cấp Hội, hội viên, nông dân cả nước, các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp, hợp tác xã… Kết quả đã có hơn 1.600 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị được gửi tới Thủ tướng Chính phủ. T.Ư Hội Nông dân Việt Nam đã rà soát, tổng hợp thành 9 nhóm vấn đề phục vụ Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 4.

Trao đổi thẳng thắn, trực quan sinh động

Thủ tướng Phạm Minh chính đã đề nghị, cần tiếp tục duy trì các cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với nông dân (cố định vào tháng 4 hoặc tháng 5 hàng năm); đồng thời Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đối thoại với nông dân từng địa phương vào giữa 2 kỳ đối thoại của Thủ tướng để giải quyết hiệu quả hơn các vấn đề theo tinh thần phân cấp, vừa giải quyết các vấn đề cấp bách, tình thế, vừa giải quyết các vấn đề chiến lược, lâu dài.

Sau cuộc đối thoại này, Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục đối thoại để nhìn lại, sau 1 năm xem chúng ta giải quyết được những vấn đề gì, hiệu quả ra sao. Cuộc sống là như vậy, luôn luôn có vận động và phát sinh những vấn đề mới, quan trọng nhất là phải luôn bình tĩnh để có phương án giải quyết.

Với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, sự tham gia điều phối của nhà báo Lưu Quang Định - Tổng Biên tập Báo NTNN, trong hơn 4 tiếng đồng hồ diễn ra hội nghị đã có 12 ý kiến phát biểu, câu hỏi của nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà khoa học, chuyên gia từ hội trường và các điểm cầu trực tuyến được gửi tới Thủ tướng Chính phủ.

Trước băn khoăn của nông dân về sản xuất nông nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu đang ở dạng sản xuất thô, các sản phẩm nông sản xuất khẩu cũng dưới dạng thô, chưa có chế biến sâu, nên giá trị thu về còn thấp; chính sách gì để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển các dự án nông nghiệp công nghệ cao, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: Chính phủ đã tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông với hàng loạt tuyến cao tốc để giảm chi phí logistics.

Về việc xây dựng thương hiệu, Thủ tướng cho biết đã đề cập vấn đề này rất nhiều lần tại nhiều diễn đàn khác nhau. Chúng ta phải cùng nhau nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, giá trị của thương hiệu. Có thương hiệu rồi, chúng ta phải sản xuất thế nào để sản phẩm đáp ứng được chất lượng, số lượng, đặc biệt là tạo cạnh tranh lành mạnh trong nền kinh tế thị trường.

Trước phần giải đáp của Thủ tướng Chính phủ, cùng nội dung trên, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đã phân tích: Để tăng hàm lượng, số lượng nông sản chế biến sâu, cần phải xây dựng thêm chính sách thúc đẩy, trong đó có việc nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia ý kiến để xây dựng chính sách, trong đó có cả chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Để hỗ trợ, khuyến khích nông dân phát triển sản xuất kinh doanh nông nghiệp hiệu quả, bền vững, an toàn; theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, bên cạnh thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp về giống, vật tư, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm nguồn cung vật tư nông nghiệp và đầu vào thiết yếu phục vụ sản xuất; hỗ trợ gián tiếp thực hiện thông qua các chính sách về đầu tư, đất đai, tài chính, bảo hiểm nông nghiệp, tín dụng ưu đãi, phát triển thị trường, khuyến khích đổi mới sáng tạo; ưu đãi thuế cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp…

Nông dân Nguyễn Thị Trâm - đến từ tỉnh Bắc Ninh, người đặt câu hỏi với Thủ tướng Chính phủ tại hội trường cho biết, qua phần giải đáp, phân tích của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng NNPTNT, chị đã sáng tỏ thêm nhiều điều, đặc biệt là việc nhấn mạnh đến vai trò của nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc tham gia ý kiến, đề xuất xây dựng chính sách nông nghiệp, nông dân, nông thôn…

Liên quan đến vấn đề dạy nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đã có những trao đổi cụ thể, thẳng thắn tại hội nghị, trong đó cả 2 Bộ trưởng đều nhấn mạnh đến việc cần thiết sự chủ động tham gia của lao động nông thôn trong học nghề, bồi dưỡng kỹ năng nghề…

Liên quan đến các vấn đề về vốn tín dụng, cho vay phục hồi sản xuất sau đại dịch Covid-19; tình trạng tín dụng đen vẫn còn ở nông thôn…, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng đã thẳng thắn trao đổi với các đại biểu. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cũng đã trả lời, giải đáp những băn khoăn của nông dân xung quanh chủ đề về đất đai, chính sách đất đai, quản lý đất đai...

Ông Hoàng Văn Chất - nông dân tỉnh Sơn La, là đại biểu dự hội nghị, đã đặt câu hỏi với Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông ở khu vực Tây Bắc, đã thổ lộ: "Tôi thấy vui lòng khi được Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chia sẻ về những dự án, kế hoạch hoàn thiện, kết nối giao thông khu vực Tây Bắc nói dung, tỉnh Sơn La nói riêng. Mừng nhất là thông tin, tới đây sẽ có nhiều con đường lớn mở ra hay xây dựng, nâng cấp 3 sân bay trong khu vực, trong đó có sân bay Nà Sản ở Sơn La". 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem