Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 9/5 có gì đặc biệt?
Dự kiến, Hội nghị sẽ diễn ra ngày 9/5, được truyền hình trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương, 30 điểm cầu các bộ, ngành và truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam. Tổng số lượng đại biểu dự kiến khoảng 6.000 người tại các điểm cầu và với truyền hình trực tiếp thì khoảng 800.000 doanh nghiệp, trên 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước có thể theo dõi.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, các phát biểu tại sự kiện được xem như "Hội nghị Diên Hồng" này cần đi thẳng vào vấn đề, đề xuất, hiến kế cho Thủ tướng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đây không phải dịp "than nghèo, kể khổ" mà phát huy tinh thần yêu nước, nỗ lực khắc phục khó khăn, một quyết tâm tái cơ cấu để tăng tốc phát triển, đạt mục tiêu tăng trưởng.
Hội nghị dự kiến tập trung thảo luận 4 nhóm vấn đề chính:
Một là, đánh giá chung về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp; ghi nhận và khích lệ các nỗ lực vượt khó, tự lực, tự cường hỗ trợ lẫn nhau, trách nhiệm xã hội, đồng hành cùng Chính phủ của các doanh nghiệp trong quá trình phòng chống dịch.
Hai là, đánh giá tác động và khả năng hấp thụ các chính sách đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với dịch Covid-19 và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ba là, nhận định các cơ hội và thời cơ phát triển trong bối cảnh mới và thay đổi lớn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19; khuyến khích doanh nghiệp tái cấu trúc, chủ động sáng tạo phát hiện cơ hội mới, thích ứng với hoàn cảnh mới, nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh để ứng phó linh hoạt với tác động của dịch, nắm bắt cơ hội nhằm hướng tới phát triển bền vững hơn, từng bước tạo tính tự chủ cho nền kinh tế.
Bốn là, các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp nêu sáng kiến, kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch. Cụ thể, nội dung thảo luận tập trung vào các vấn đề như: việc hình thành chuỗi liên kết, chuỗi cung ứng mới trong bối cảnh bị đứt gẫy các chuỗi cung ứng truyền thống; sự chủ động và khai thác hiệu quả thị trường trong nước trong khi thị trường thế giới đang giảm mạnh cả ở phía cung và phía cầu; chủ động các nguồn cung ứng vật liệu trong nước để phát triển sản xuất, kinh doanh; cơ hội cho những ngành nghề, sản phẩm có tiềm năng như kinh tế số, chuyển đổi số, trang thiết bị, sản phẩm y tế;…
Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch - đầu tư đã thực hiện khảo sát, ghi nhận ý kiến gần 130.000 doanh nghiệp, và các ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp đã được bộ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng trước khi cuộc gặp diễn ra để có giải pháp kịp thời, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng thông tin thêm.
Trong số 130.000 doanh nghiệp được Tổng cục Thống kê khảo sát thời gian qua, có 86% doanh nghiệp cho biết bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, trong số đó 92,8% doanh nghiệp quy mô lớn, 91,1% doanh nghiệp vừa, 89,7% doanh nghiệp nhỏ, và 82,1% doanh nghiệp siêu nhỏ cho biết chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Có tới 88,7% doanh nghiệp FDI được khảo sát cho biết chịu nhiều tác động của dịch Covid-19.
Doanh thu quý 1 của các doanh nghiệp giảm mạnh, bằng 74,1% so với cùng kỳ năm trước, nếu xét trong 4 tháng đầu năm doanh thu của các doanh nghiệp chỉ bằng 70% cùng kỳ năm 2019.
Bộ Kế hoạch - đầu tư đánh giá dù doanh thu của doanh nghiệp bị giảm mạnh so với kế hoạch nhưng các doanh nghiệp vẫn phải gánh chịu các khoản chi phí như chi trả lương, chi lãi vay, chi thuê mặt bằng và các khoản chi liên quan đến người lao động.