Hội Nông dân Thái Nguyên hỗ trợ nông dân chuyển đổi số, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ năm, ngày 23/03/2023 13:15 PM (GMT+7)
Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên đã mở nhiều lớp tập huấn hỗ trợ nông dân ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Bình luận 0

Tập huấn cho nông dân chuyển đổi số

Bên cạnh việc hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên cũng đã mở nhiều lớp tập huấn, hỗ trợ bà con ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Nhờ đó, giúp sản lượng và chất lượng sản phẩm được gia tăng, giá trị sản phẩm cũng từ đó được nâng lên.

Thông qua các lớp tập huấn của Hội Nông dân về ứng dụng chuyển đổi số, sản lượng, chất lượng và giá trị nông sản của bà con ngày càng được nâng lên. Clip: Hà Thanh

Ông Lê Đàm Ngọc - Phó Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên) cho biết, thực hiện chương trình chuyển đổi số của tỉnh Thái Nguyên, trong 3 năm gần đây, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên đã tích cực tổ chức các hoạt động tập huấn, hỗ trợ nông dân đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.

Riêng trong năm 2022, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức được 18 lớp tập huấn cho hơn 600 học viên tham gia dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân và các Tổ hợp tác, Hợp tác xã. Qua đó, giúp bà con đưa các sàn phẩm lên sàn thương mại điện tử để tiêu thụ hiệu quả.

Hỗ trợ nông dân chuyển đổi số, HND Thái Nguyên giúp bà con gia tăng sản lượng và giá trị sản phẩm  - Ảnh 2.

Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên tập huấn cho nông dân huyện Đại Từ về chuyển đổi số. Ảnh: Thu Thủy - HND tỉnh Thái Nguyên

Theo ông Lê Đàm Ngọc, năm 2023, Trung tâm dạy nghề cũng được Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên giao nhiệm vụ tổ chức tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu lần thứ 6. Chương trình tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Nguyên năm nay có sự đổi mới bằng cách ứng dụng chuyển đổi số trong cách bình chọn, đánh giá chất lượng và lựa chọn sản phẩm.

"Năm nay, chúng tôi sẽ xây dựng những phóng sự, clip về các sản phẩm, sau đó đưa các sản phẩm đó lên những trang web và Fanpage của Hội Nông dân để bà con và người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm. Đây cũng là cơ sở để Hội đồng bình chọn chấm điểm, đánh giá các sản phẩm tiêu biểu" - ông Ngọc cho biết thêm.

Hiệu quả từ chuyển đổi số mang lại

HTX chè Nhật Thức (xóm Khuôn 2, xã Phục Linh, huyện Đại Từ) là một trong những đơn vị tham gia lớp tập huấn về ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm do Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên tổ chức.

Chị Đào Thị Thức – Giám đốc HTX chè Nhật Thức chia sẻ, trước đây HTX chủ yếu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo cách truyền thống. Tuy nhiên, từ khi tham gia các chương trình tập huấn của tỉnh, Sở Công Thương, Liên minh HTX, Văn phòng điều phối nông thôn mới, đặc biệt là Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên tổ chức, HTX đã thay đổi phương thức sản xuất và bán hàng.

Hỗ trợ nông dân chuyển đổi số, HND Thái Nguyên giúp bà con gia tăng sản lượng và giá trị sản phẩm  - Ảnh 3.

HTX chè Nhật Thức đang sử dụng máy đóng gói sản phẩm chè giúp tiết kiệm thời gian, công sức và nhân công rất lớn. Ảnh: Hà Thanh

Cùng với việc bán hàng truyền thống, HTX đã được hỗ trợ, hướng dẫn đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiktok, Facebook để tăng cơ hội bán hàng. Đây cũng là bước phát triển để HTX có cơ hội giới thiệu sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng hơn. 

Ngoài ra, việc ứng dụng chuyển đổi số cũng giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tạo công ăn việc làm cho nông dân tốt hơn, đóng góp tích cực vào xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo tại địa phương.

Mặc dù vậy, do trình độ về công nghệ thông tin của các thành viên HTX còn hạn chế nên ban đầu việc tiếp cận và ứng dụng cũng gặp phải một số khó khăn nhất định. Nhưng qua tập huấn, bà con cũng như cán bộ phụ trách các lĩnh vực của HTX đã dần thích nghi với việc ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất.

Hỗ trợ nông dân chuyển đổi số, HND Thái Nguyên giúp bà con gia tăng sản lượng và giá trị sản phẩm  - Ảnh 4.

Việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử đã giúp người tiêu dùng tiếp cận dễ dàng hơn. Ảnh: Hà Thanh

Anh Phạm Quốc Ước, thành viên HTX chè Nhật Thức chia sẻ: "Gia đình tôi đã có truyền thống làm chè từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, trước đây gia đình chủ yếu mang trà ra chợ bán nên giá thành không cao mà nhiều người lại không biết đến. Nhưng từ khi tôi tham gia HTX, được hướng dẫn, tập huấn về ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, chất lượng trà được nâng lên, sản lượng trà bán ra lớn hơn. Nhờ đó, giá trị của trà cũng được nâng lên rất nhiều và ngày càng có nhiều người biết đến thương hiệu trà Phục Linh".

Ông Lê Đàm Ngọc - Phó Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân cho biết thêm, năm 2023, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên dự kiến sẽ tiếp tục tổ chức 9 lớp tập huấn cho khoảng 400 hộ nông dân để đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.

Theo kế hoạch, đơn vị sẽ triển khai nội dung này bắt đầu từ tháng 4/2023 tại 9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Đây là những nội dung gắn các hoạt động của Trung tâm dạy nghề cũng như Quỹ Hỗ trợ nông dân, giúp bà con tìm đầu ra cho sản phẩm của mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem