Hà Nội: Đoàn giám sát liên ngành giám sát chính sách hỗ trợ do dịch Covid-19

Thu Hà Thứ tư, ngày 04/05/2022 18:50 PM (GMT+7)
Ngày 4/5, đoàn giám sát liên ngành do Hội Nông dân TP Hà Nội chủ trì triển khai giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ tại PGD Ngân hàng CSXH Hai Bà Trưng – Hoàn Kiếm.
Bình luận 0

Bà Dương Thị Hằng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân TP Hà Nội, Trưởng đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.

Rà soát chặt chẽ, đảm bảo vốn vay được sử dụng đúng mục đích

Ông Hoàng Liên Sơn – Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH TP Hà Nội cho biết: Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ cho vay đối với người sử dụng lao động (NSDLĐ) để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68 ngày 1/7/2021 của Chính phủ, Nghị quyết số 126 ngày 8/10/2021 về bổ sung Nghị quyết 68 và Quyết định số 23 ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 33 bổ sung Quyết định số 23; chi nhánh Ngân hàng CSXH TP Hà Nội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với các sở, ngành liên quan. Đồng thời, chủ động rà soát, nắm bắt nhu cầu vay vốn của NSDLĐ tại các địa phương.

Đến 31/3/2022, Chi nhánh Ngân hàng CSXH TP Hà Nội đã giải ngân cho 262 lượt NSDLĐ số tiền trên 324 tỷ đồng vay vốn để trả lương cho 76.925 lao động.

Hà Nội: Đoàn giám sát liên ngành giám sát chính sách hỗ trợ do dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Đoàn giám sát liên ngành do Hội Nông dân TP Hà Nội chủ trì giám sát chính sách hỗ trợ do dịch Covid-19 tại PGD Ngân hàng CSXH Hai Bà Trưng – Hoàn Kiếm. Ảnh: Thu Hà

Tại buổi làm việc với PGD Ngân hàng CSXH Hai Bà Trưng – Hoàn Kiếm, các thành viên trong đoàn giám sát và Ngân hàng CSXH TP.Hà Nội đã phân tích những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai chính sách.

Báo cáo với đoàn giám sát, bà Lê Thị Thanh Thuỷ – Giám đốc PGD Ngân hàng CSXH Hai Bà Trưng – Hoàn Kiếm cho biết: Đến ngày 30/4/2022, tổng dư nợ đạt trên 324 tỷ đồng, 5.332 lao động được vay vốn, tăng 51 tỷ đồng so với 31/12/2021. PGD Ngân hàng CSXH Hai Bà Trưng – Hoàn Kiếm triển khai 4 chương trình tín dụng chính là: cho vay giải quyết việc làm, học sinh sinh viên, nhà ở xã hội, người sử dụng lao động (NSDLĐ) vay vốn để trả lương cho người lao động. Trong đó, vốn ngân sách 2 quận trên 85 tỷ đồng.

Đối với việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ hỗ trợ NSDLĐ vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, PGD đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tích cực phối hợp chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan.

Đồng thời, chủ động rà soát, nắm bắt nhu cầu vay vốn của NSDLĐ để cung cấp các thông tin về chương trình tín dụng, hướng dẫn những trường hợp có nhu cầu và đủ điều kiện được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn.

Về kết quả giải ngân, đến ngày 30/4/2022, đơn vị đã phê duyệt cho vay và giải ngân cho 37 NSDLĐ, số tiền hơn hơn 94,1 tỷ đồng cho 23.860 lượt người lao động.

Cụ thể: Cho vay trả lương ngừng việc: 7 NSDLĐ với số tiền hơn 1 tỷ đồng trả lương cho 248 NLĐ.

Cho vay trả lương phục hồi sản xuất sau khi bị tạm dừng hoạt động là 22 NSDLĐ với số tiền trên 25,5 tỷ đồng trả lương cho 5.913 NLĐ.

Cho vay trả lương phục hồi sản xuất trong lĩnh vực hoạt động vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là 8 NSDLĐ với số tiền hơn 69,5 tỷ đồng trả lương cho 18.195 NLĐ.

Về kết quả thu nợ, Giám đốc PGD Ngân hàng CSXH Hai Bà Trưng – Hoàn Kiếm cho biết, từ khi triển khai chương trình đến nay, PGD đã thực hiện thu nợ số tiền hơn 7,6 tỷ đồng. Nguyên nhân do NSDLĐ không chi trả lương cho 1.292 NLĐ do đã thôi việc, chuyển công tác và thu hồi phần vốn chi trả trước ngày giải ngân.

Đưa chính sách hỗ trợ của Chính phủ vào cuộc sống

Ngay sau khi giải ngân, PGD Ngân hàng CSXH Hai Bà Trưng – Hoàn Kiếm đã thực hiện kiểm tra 37 NSDLĐ với số tiền là hơn 86,5 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo PGD Ngân hàng CSXH Hai Bà Trưng – Hoàn Kiếm cũng nêu một số khó khăn trong quá trình triển khai.

Theo bà Thuỷ, đây là chương trình tín dụng mới triển khai, hồ sơ pháp lý của khách hàng liên quan đến nhiều lĩnh vực hoạt động, được điều chỉnh bằng nhiều loại văn bản/luật cần nghiên cứu kỹ để hướng dẫn khách hàng trong khi cán bộ phòng giao dịch còn ít kinh nghiệm.

PGD thực hiện cho vay đối với các Tổng công ty và Công ty lớn, mạng lưới hoạt động là các chi nhánh trải dài khắp các đất nước; số lượng lao động đông nên gặp niều khó khăn trong công tác phối hợp, tập hợp hồ sơ rà soát, thẩm định kiểm tra pháp lý trước, trong khi vay.

Về đề xuất kiến nghị, lãnh đạo Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Hai Bà Trưng – Hoàn Kiếm đề nghị, Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân TP Hà Nội tiếp tục quan tâm phối hợp và thực hiện công tác giám sát thực hiện chính sách của Chính phủ về cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68, Nghị quyết 126 tại Chi nhánh Ngân hàng CSXH TP cũng như các Phòng Giao dịch quận, huyện để đảm bảo chính sách của Chính phủ được triển khai tốt.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân TP Hà Nội Dương Thị Hằng - Trưởng đoàn giám sát khẳng định: Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết số 126 NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg và Quyết định 33/2021/QĐ-TTg là chính sách nhân văn.

Hà Nội: Đoàn giám sát liên ngành giám sát chính sách hỗ trợ do dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Bà Dương Thị Hằng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân TP Hà Nội, Trưởng đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc. Ảnh: T.H

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân TP Hà Nội cũng đánh giá cao kết quả tổ chức, thực hiện chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên địa bàn TP tại chi nhánh Ngân hàng CSXH TP Hà Nội nói chung và PGD Hai Bà Trưng – Hoàn Kiếm nói riêng.

Thời gian tới, Trưởng đoàn giám sát Dương Thị Hằng đề nghị, Ngân hàng CSXH cần phối hợp chặt chẽ, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp biết đến chính sách; các đoàn thể cần tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai. Qua đó góp phần hỗ trợ, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh trước ảnh hưởng của đại dịch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem