dd/mm/yyyy

Hồi sinh nghề “lói”

Nghề “lói” tưởng chừng đi vào ngõ cụt khi mấy chục năm nay gần như không còn tồn tại, dù một thời rất hưng thịnh.

Nghề “lói” tưởng chừng đi vào ngõ cụt khi mấy chục năm nay gần như không còn tồn tại, dù một thời rất hưng thịnh. Giờ đây, có lẽ vì cuộc sống mưu sinh buộc ngư dân khôi phục, nghề “lói” từ đây đang trên đà hồi sinh.

Hồi sinh nghề “lói” - Ảnh 1.

Một công đoạn “ràng lói”


Biểu tượng nghề gần bờ

Ngót nghét mấy chục năm không còn sớm khuya cùng con nước lớn ròng, theo đuôi tôm, cá nhưng mỗi lần nhắc đến nghề biển, ông Nguyễn Phúc ở thôn Hải Nhuận, xã Phong Hải (Phong Điền) lại nhớ da diết nghề “lói”. Tiếng gió thổi rì rào, vi vu vọng từ khóm “tre lói” ngày nào như thể nhử cá, tôm trở về vẫn còn in sâu trong ký ức ông Phúc đến tận bây giờ.

Ông Phúc kể, nghề biển mấy chục năm trước đa dạng lắm! Có đủ các loại nghề, bủa cá trích, nục, bạc má, chủa, câu cá ngừ, bủa rồng, bủa xăm, kéo dạ (bủa khuyết)... Trong đó, nghề “lói” “ăn nên làm ra”, được ngư dân các làng quê ven biển xem như biểu tượng của các nghề đánh bắt hải sản gần bờ.

Hồi sinh nghề “lói” - Ảnh 2.

Nghề "lói" giúp ngư dân Phong Hải có nguồn thu ổn định


Cứ mỗi lần đứng trên bãi biển nhìn phía xa xa, cách bờ chừng vài hải lý ai cũng có thể nhận thấy những khóm tre, ngoi trên mặt biển, nối hàng ngang dài cả chục cây số. Những hòn “lói” nặng vài tạ nằm ở độ sâu hàng chục mét, níu giữ những gốc tre, giữ cho thân tre thẳng đứng trên mặt biển.

"Hòn lói” là bộ phận chính của nghề đánh bắt hải sản này nên ngư dân quen gọi nghề “lói”. Hồi trước, vì bao tải hiếm nên người dân dùng rơm đan làm bao đựng, sau đó đổ cát vào kết thành từng hòn nặng một vài tạ trở lên. Thân “lói” được ngư dân kết thêm tàu lá chuối khô, rơm, hoặc các loại lá cây có thể chịu nước biển dài ngày để làm tổ cho cá, tôm trú ngụ, sinh sôi.

Những năm tháng nghề “lói” đang còn, nguồn tôm, cá hằng ngày hầu như không hề thiếu tại các vùng quê ven biển Ngũ Điền. Cứ cách vài ngày, ngư dân lại ra biển đánh bắt một lần, thời gian nghỉ khai thác là lúc tạo cơ hội cho tôm, cá trở về. Có thời điểm, nguồn lợi hải sản dồi dào, ngư dân có thể đánh bắt hằng ngày, tôm, cá vẫn đầy khoang.

Hồi sinh nghề “lói” - Ảnh 3.

Mưu sinh từ biển


“Nghề biển hồi đó, chuyện về ghe không, tay trắng hiếm lắm, chí ít cũng kiếm cá ăn, bán, đổi lấy gạo ăn hằng ngày. Cứ vài ba bữa, trừ những ngày biển động, thuyền mô cũng đầy ắp cá nục, bạc má, ngừ... từ nghề “lói”. Bủa một vài trộ là khoang đầy ắp cá. Cá, tôm nhiều đến mức, có thuyền không thể cập bờ vì mắc cạn, buộc ngư dân phải “tăng bo” mới đưa được thuyền vào bờ neo đậu. Hải sản bán không hết, ngư dân phơi khô, làm mắm chờ bán ngày đông. Ở vùng biển hồi đó nhà mô cũng đông con, nhờ nghề biển đắp đổi qua ngày, nuôi con khôn lớn, ăn học”, ông Phúc hồi ức.

Chính cái nghề “lói” này mà hồi đó nảy sinh lắm chuyện bi, hài. Những khóm tre dựng đứng, ngoi lên mặt biển, thật ra chỉ tác dụng làm tín hiệu (làm dấu) cho nghề “lói” ở đáy biển và đánh dấu phân biệt nghề của các ngư dân, tránh lẫn lộn. Vậy mà, không hiểu sao vẫn có nhiều ngư dân đánh bắt cá, tôm nhầm “tre lói” của người khác.

Ông Phúc kể: Có lần tầm 2 giờ sáng, cũng như bao ngư dân khác, thuyền tui băng băng theo hướng cụm “tre lói” của mình để bủa cá theo kế hoạch. Khi chỉ còn chừng vài trăm mét bỗng phát hiện có thuyền đang bủa lưới, câu cá ngay tại “lói” của mình. Các thuyền viên của tui giận lắm! Tui trấn an, kịp thời động viên anh em bình tĩnh, đằng mô họ cũng buông lưới rồi. Tui cho thuyền neo, chờ họ bủa xong mới tính chuyện... Không ngờ chủ thuyền “bủa nhầm” lại là người cạnh nhà nên “giận thì giận mà thương thì thương”. Thuyền bạn cũng tỏ ra hối lỗi, xin chuyển hết số hải sản bủa được cho chủ “lói”, nhưng tui không nhận. Cuối cùng thống nhất “hiệp thương cưa đôi”, thế là xong chuyện.

Chuyện bủa lưới “nhầm lói” hồi đó không phải hiếm. Theo ông Phúc, có những trường hợp nhầm lẫn là có thật, do thường bủa lưới vào đêm khuya nên không phát hiện, phân biệt “tre lói” của mình và người khác. Nhưng cũng có một số ngư dân cố tình bủa lưới vào “lói” của người khác. Có những thuyền bảo “bủa nhầm”, nhưng sau khi đấu tranh, làm rõ mới vỡ lẽ là do “lói” mình lâu nay ít cá, tôm nên thấy “lói” người khác lúc nào cũng trúng đậm đã cố tình đến trước “hớt tay trên”. Các chủ thuyền sau đó thường ngồi lại với nhau, chia sẻ khó khăn, công bằng, không để mất tình làng nghĩa xóm.

“Lói” chống giã cào

Nghề “lói” hưng thịnh là thế, nhưng một thời gian dài không còn được ngư dân mặn mà, thậm chí bỏ hẳn từ mấy chục năm nay. Nghề “lói” tuy “ăn nên làm ra” nhưng thường phải thức khuya dậy sớm, vất vả quanh năm nên ngư dân đành bỏ rơi. Một bộ phận ngư dân chuyển sang nuôi tôm, kinh doanh dịch vụ, không còn mặn mà nghề biển.

Từ khi nghề “lói” không còn xuất hiện, cũng là lúc nguồn lợi hải sản ngày càng cạn kiệt, nghề đánh bắt gần bờ lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Ông Nguyễn Phúc cũng như người dân ven biển Ngũ Điền lý giải, chính các hòn “lói” là nơi trú ngụ lý tưởng cho cá, tôm. Vào mùa biển động, thuyền không thể đánh bắt thì chính nơi đây sẽ làm tổ cho các loài hải sản đến sinh sôi. “Lói” cũng là một trong những loại ngư cụ, dụng cụ góp phần phòng, chống đánh bắt bằng giã cào. Đây có thể là lý do mà hồi đó vùng biển Ngũ Điền không xuất hiện nạn đánh bắt giã cào như bây giờ, khiến  nguồn lợi hải sản gần bờ ngày càng cạn kiệt.

Từ một ngư dân từng bỏ nghề biển hơn 10 năm nay, ông Phan Phan ở xã Phong Hải đã chung vốn với người thân, mua sắm thuyền máy, ngư cụ để trở lại với nghề biển. Ông Phan nhận thức rằng, nghề đánh bắt gần bờ hiện nay tuy khó khăn do  nguồn lợi hải sản không còn dồi dào như trước, nhưng sinh sống, gắn bó với vùng quê này mà không theo nghề biển quả là điều đáng tiếc trong cuộc sống mưu sinh. Ông Phan cùng với ngư dân ngày ngày bủa lưới, giăng câu vừa kiếm cá ăn, vừa kiếm thu nhập mỗi ngày vài trăm ngàn đồng.

Niềm vui lớn với ông Phan cũng như nhiều ngư dân là giờ đây bà con ngày càng ý thức được tầm quan trọng của nghề biển đối với cuộc sống mưu sinh. Mới đây, bà con bắt đầu hồi sinh nghề “lói”. Về các vùng bãi ngang ven biển lúc này dễ dàng chứng kiến cảnh ngư dân “ràng lói”, làm tre, thuyền chở “lói”, tàu lá chuối ra biển xây tổ trú ngụ cho cá, tôm. Các nghi lễ truyền thống cúng “tre lói” cũng được ngư dân khôi phục, tái hiện như trước đây.

Có lẽ, có nơi trú ngụ, sinh sôi, các loài hải sản vùng biển gần bờ đang được phục hồi, ngày càng sinh sôi, dồi dào. Từ những ngày đầu mùa hè đến nay, nhiều thuyền ngư dân ven biển xã Phong Hải nói riêng và Ngũ Điền nói chung trúng đậm các loại cá nục, bạc má... từ nghề “lói”. Chỉ cần đặt mỗi bộ “lói” cách bờ biển vài hải lý, chi phí khoảng vài triệu đồng, ngư dân hằng ngày có thể đánh bắt hải sản bằng các loại lưới bủa cá nục, bạc má, hoặc câu các loại hải sản...

Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, ông Nguyễn Đăng Thành đánh giá cao trước sự hồi sinh của nghề đánh bắt gần bờ, trong đó có nghề “lói” là biểu tượng của ngư dân ven biển Ngũ Điền. Nghề này không chỉ mang lại hiệu quả trong hoạt động đánh bắt, tạo điều kiện phục hồi  nguồn lợi hải sản ven bờ mà còn góp phần phòng, chống nạn đánh bắt hủy diệt môi trường bằng giã cào.


Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU