Hơn 12.000 nông dân trồng rừng được hưởng lợi từ Chương trình FFF II

Thu Hà Thứ bảy, ngày 10/12/2022 06:05 AM (GMT+7)
Ngày 9/10, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội thảo tổng kết Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (Chương trình FFF II) năm 2022 và lập kế hoạch hoạt động năm 2023.
Bình luận 0

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Việt Hà - Phó Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Phó giám đốc Chương trình FFF II cho biết: Từ năm 2015, Hội Nông dân Việt Nam là đối tác chính thực hiện Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) giai đoạn I tại Việt Nam và tiếp tục thực hiện Chương trình FFF giai đoạn II từ 2019 đến nay.

Hơn 12.000 nông dân trồng rừng được hưởng lợi từ Chương trình FFF II - Ảnh 1.

Quang cảnh Hội thảo tổng kết Chương trình FFF II năm 2022 và lập kế hoạch hoạt động năm 2023. Ảnh: Thu Hà

Mục tiêu của Chương trình FFF là các tổ chức của người sản xuất rừng và trang trại, trong đó có phụ nữ, thanh niên và người dân tộc thiểu số trở thành các tác nhân thay đổi chủ yếu đối với cảnh quan chống chịu biến đổi khí hậu và cải thiện sinh kế cho người dân địa phương.

Chương trình FFF II đang được thực hiện ở 5 tỉnh miền núi phía Bắc: Yên Bái, Bắc Kạn, Hòa Bình, Sơn La và Thái Nguyên.

Hơn 12.000 nông dân trồng rừng được hưởng lợi từ Chương trình FFF II - Ảnh 2.

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại Hội thảo tổng kết Chương trình FFF II năm 2022 và lập kế hoạch hoạt động năm 2023. Ảnh: Thu Hà

Năm 2022, mặc dù có nhiều khó khăn thách thức cả chủ quan lẫn khách quan, song Chương trình FFF II đã được những tín hiệu rất tích cực. Đó là: Hơn 12.000 nông dân trồng rừng và cán bộ Hội Nông dân Việt Nam đã và đang được hưởng lợi từ chương trình.

Có 41 tổ hợp tác, HTX ở 5 tỉnh được củng cố, thành lập mới với 912 hộ thành viên chính thức. Trong đó có 41,5% nữ; 61,5% người dân tộc; 11,7% thanh niên; 1.897 hộ thành viên liên kết.

Năng lực sản xuất, kinh doanh của các tổ hợp tác, HTX và thu nhập của thành viên được tăng cường gắn với bình đẳng giới và chuỗi giá trị. Chương trình đã nâng cao thu nhập 15-20% và giảm nghèo bền vững cho các thành viên tham gia.

Từ đó, các thành viên tham gia chương trình FFF III dần hiểu được lợi ích làm việc theo nhóm, sự hợp tác, các thành viên cùng nhau góp vốn đầu tư kinh doanh, chế biến tăng giá trị nông sản.

Hơn 12.000 nông dân trồng rừng được hưởng lợi từ Chương trình FFF II - Ảnh 3.

Ông Lưu Văn Quảng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn chia sẻ kinh nghiệm và những bài học cụ thể, kết quả thực hiện Chương trình FFF II tại địa phương. Ảnh: Đức Thịnh

Bên cạnh đó, năng lực cán bộ Hội Nông dân các cấp đang từng bước được nâng cao hơn. Đồng thời, thông qua chương trình, chính quyền địa phương và các sở ban ngành liên quan phối hợp chặt chẽ hơn, có cơ hội làm việc với nông dân, Hội Nông dân; nghe tiếng nói trực tiếp của nông dân.

Tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo Hội Nông dân 5 tỉnh tham gia Chương trình đã tích cực chia sẻ kinh nghiệm và những bài học cụ thể, kết quả thực hiện chương trình FFF II.

Ông Lưu Văn Quảng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn cho biết: Thông qua thực hiện Chương trình FFF, các mô hình canh tác theo hướng hữu cơ tại Bắc Kạn ngày càng được nhân rộng. Hội Nông dân tỉnh trực tiếp hướng dẫn các THT, HTX thực hiện công tác kiểm tra đồng ruộng, đôn đốc thành viên tuân thủ đúng quy trình sản xuất hữu cơ để tiến hành cấp chứng nhận PGS (chứng nhận hữu cơ) sản phẩm đạt tiêu chuẩn.

Năm 2022, Ban Điều phối đã cấp chứng nhận hữu cơ cho 8 sản phẩm, gồm: Bí thơm của HTX Tạ Anh, xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể; Bí thơm, trà bí thơm, tinh bột bí thơm của HTX Nhung Luỹ; Bí thơm, trà bí thơm, trà túi lọc bí thơm của HTX Yến Dương.

Ông Quảng cho biết thêm, thông qua chương trình FFF, nông dân Bắc Kạn chuyển đổi nhận thức về tính hiệu quả kinh tế rừng, chú trọng đầu tư trồng rừng gỗ lớn, biết đầu tư, khai thác dược liệu dưới tán rừng để tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích.

Hơn 12.000 nông dân trồng rừng được hưởng lợi từ Chương trình FFF II - Ảnh 4.

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại Hội thảo tổng kết Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (Chương trình FFF II) năm 2022 và lập kế hoạch hoạt động năm 2023. Ảnh: Đức Thịnh

Tại Hội thảo, các đại biểu thảo luận thống nhất Chương trình hoạt động FFF II năm 2023 sẽ tập trung thực hiện tốt 4 nội dung trọng tâm. Trong đó, tiếp tục tăng cường khả năng kinh doanh, tiếp cận thị trường và tài chính của các tổ hợp tác, HTX thông qua chuỗi giá trị gắn với bình đẳng giới và cung cấp dịch vụ cho các thành viên.

Đẩy mạnh liên kết giữa các THT, HTX với các bên liên quan, nhất là với doanh nghiệp theo chuỗi sản phẩm gỗ, lâm sản ngoài gỗ và sản phẩm nông nghiệp.

Giảm thiểu, thích ứng, chống chịu đối với biến đổi khí hậu được cải thiện thông qua việc tham gia trực tiếp của các tổ hợp tác, HTX và lồng ghép với các biện pháp sinh kế tổng hợp.

Đồng thời, nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ của Hội Nông dân như: xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, cung ứng vật tư đầu vào, tiếp cận tín dụng, marketing sản phẩm...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem