Hơn 130 hộ dân tộc thiểu số đua nhau viết đơn xin thoát nghèo

Chủ nhật, ngày 20/10/2019 09:47 AM (GMT+7)
Tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Đảng và Nhà nước giờ đây không còn phổ biến trong suy nghĩ của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Quan Sơn (Thanh Hóa). Quyết tâm thoát nghèo, cùng nhau xây dựng bản làng giàu đẹp, văn minh là những suy nghĩ của bà con nơi vùng biên của xứ Thanh.
Bình luận 0

Từ tranh nhau nghèo...!

Theo ông Lữ Thanh Hiệng, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Quan Sơn, địa phương này là một trong 61 huyện nghèo nhất cả nước và là địa phương khó khăn bậc nhất của tỉnh Thanh Hóa với khoảng 90% đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhiều năm trước, tỷ lệ hộ nghèo của huyện luôn chiếm gần 50%. Thậm chí, theo Trưởng phòng LĐ-TB&XH Quan Sơn: “Trước đây, bà con tranh nhau nghèo”.

Ông Hiệng lý giải, ngày trước, giao thông luôn là nỗi ám ảnh đối với việc đi lại, giao thương của người dân nơi vùng đất Quan Sơn. Trong khi đó, cuộc sống tự cấp, tự túc và nghề chính của bà con là khai thác lâm sản phụ nên việc vận chuyển, buôn bán gặp muôn vàn khó khăn.

img

Mỗi ngày khai thác lâm sản phụ, một lao động có thể kiếm từ 200 - 250 nghìn đồng.

Những năm gần đây, Đảng, Nhà nước thực hiện Chương trình 30a, 135, nhiều dự án được đưa vào, đầu tư, phát triển cùng với sự chỉ đạo, điều hành của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân nên vùng đất Quan Sơn đang ngày một “thay da, đổi thịt”.

Trưởng Phòng LĐ-TB&XH Quan Sơn thông tin, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm và giảm sâu, luôn vượt chỉ tiêu cấp trên giao. Cùng với đó, đời sống nhân dân ngày một nâng cao. Nếu như năm 2015 - 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn gần 50% thì đến thời điểm này, chỉ còn lại 10,72%.

“Địa phương luôn xác định mục tiêu, cách làm sát trong điều kiện đặc thù với phương châm cầm tay, chỉ việc. Trước hết, vấn đề được địa phương quan tâm là đầu tư hệ thống giao thông cho người dân, xây dựng các công trình thủy lợi để chủ động trong tưới tiêu; hướng dẫn các phương pháp canh tác ở từng bản làng một.

Có đường đi, có xe vào vận chuyển hàng hóa của người dân. Ngoài nghề chính là lâm nghiệp, hàng năm, địa phương còn triển khai các mô hình nuôi bò cái sinh sản, nuôi lợn và vịt... Những thửa ruộng ngày trước không đủ ăn, nay đã có dư để tích trữ. Giờ bà con cứ việc thế mà làm thôi, nhiều gia đình thoát được cái đói rồi”, ông Hiệng tự tin nói.

... đến đua nhau làm đơn xin thoát nghèo

Để minh chứng, ông Hiệng lấy một tập danh sách với 131 hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện tự nguyện làm đơn và xung phong xin thoát nghèo.

Lần theo những lá đơn của người dân, ngược theo quốc lộ 217, chúng tôi tìm đến gia đình anh Lương Văn Hưng (SN 1986), ở bản Bìn, xã Sơn Lư. Trong căn nhà sàn khang trang, vững chãi, anh Hưng chia sẻ, năm 2015, gia đình anh được bản bình xét vào diện hộ nghèo.

Gia đình có 5 khẩu, được giao khoán gần 7ha rừng; ngoài ra còn có 3 sào ruộng trồng lúa. Với diện tích rừng được giao khoanh nuôi, bảo vệ, mỗi tháng từ nguồn khai thác lâm sạn phụ như luồng, vầu, nứa cũng cho thu nhập lên đến 2 triệu đồng. Ngoài ra, 3 sào ruộng cũng đủ đáp ứng nhu cầu cuộc sống hàng ngày. Sau nhiều năm nỗ lực làm ăn, đến năm 2018, anh tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo.

“Gia đình thấy có năng lực kinh tế ổn định rồi nên xin thoát nghèo. Thời gian trong diện hộ nghèo, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ, giờ thoát nghèo rồi, tuy không được hỗ trợ nhưng cũng thấy không thiệt thòi gì cả. Mình tuy chưa khá giả nhưng cũng hơn nhiều gia đình khác”.

Anh Lương Văn Luyến, Trưởng bản Bìn cũng là một những hộ gia đình tiên phong làm đơn xin thoát nghèo. Căn nhà sàn khang trang, sạch đẹp, xung quanh được dọn dẹp sạch sẽ và hai bên lối vào với những luống rau xanh mướt.

“Không phải vì mình là trưởng bản, đảng viên mà vì tự thấy mình khá hơn các hộ khác nên năm 2018, tôi làm đơn xin thoát nghèo. Muốn bà con vươn lên thoát nghèo, mình cũng phải làm gương”, anh Luyến chia sẻ.

Trưởng bản Bìn thông tin, năm 2019 cả bản có 10 hộ viết đơn xin thoát nghèo, trong đó có 5 hộ là đảng viên. Trong bản, mỗi khẩu được giao khoán 1,2ha đất lâm nghiệp trồng luồng, vầu, nứa. Trên cơ sở đó, bản luôn vận động bà con làm ăn, phát triển kinh tế, làm vườn rau sạch.

“Lâu nay, bà con làm ra đồng nào tiêu đồng đó. Giờ đây, tuyên truyền cho bà con chi tiêu phải có hạch toán. Ngoài được hỗ trợ vay vốn mua con giống và trồng rừng, bản tuyên truyền bà con đi lao động công ty. Nhiều gia đình đã làm được nhà mới, mua sắm được các trang thiết bị trong gia đình”, Trưởng bản Bìn vui mừng.

Ông Lữ Văn Châu, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Lư cho biết, địa phương có 3 dân tộc sinh sống gồm: Thái (hơn 80%), Mường và Kinh. Năm 2019, cả xã có 72 hộ thoát nghèo, trong đó có 20 hộ tự nguyện xung phong xin ra khỏi hộ nghèo. Đến thời điểm này, cả xã chỉ còn 65 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 10,37%.

Duy Tuyên (Dân trí)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem