Hơn 15 năm phát triển NNCNC ở Lâm Đồng: Bài 1: Ra ngõ là gặp nông nghiệp công nghệ cao

Văn Long Thứ sáu, ngày 25/12/2020 10:12 AM (GMT+7)
LTS: Sau hơn 15 năm phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), Lâm Đồng trở thành địa phương đi đầu cả nước trong lĩnh vực này. Tuy nhiên ẩn phía sau thành quả rực rỡ là những "đánh đổi" và thách thức không hề nhỏ nếu vẫn muốn tiếp tục phát triển NNCNC bền vững.
Bình luận 0

Lâm Đồng được đánh giá là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của cả nước, sản xuất nông nghiệp hàng hóa có giá trị cao trên thị trường quốc tế, được định hướng phát triển là vùng nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành. Hiện nay, việc phát triển NNCNC tại Lâm Đồng đang rất phát triển và đạt được nhiều thành tựu to lớn.

Nhàn nhã nhờ nông nghiệp thông minh

Trở về xã Lạc Lâm (huyện Đơn Dương) sau vài năm huyện này được công nhận là huyện nông thôn mới đầu tiên của Lâm Đồng, phóng viên báo DANVIET.VN không khỏi ngạc nhiên bởi vùng đất này đã đổi thay rất rõ rệt. Những ngôi nhà kính mọc lên ngày càng dày hơn, đường bê-tông nối dài ra tận cánh đồng bên bờ sông Đa Nhim.

Hơn 15 năm phát triển NNCNC ở Lâm Đồng Bài 1: Người nông dân uống trà nhưng vẫn tưới được cây ngoài đồng - Ảnh 1.

Người dân huyện Đơn Dương ngày càng giàu có nhờ làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ông Trương Văn Tùng – Bí thư Huyện ủy huyện Đơn Dương cho biết, hiện nay huyện đang thực hiện đề án thí điểm xây dựng huyện Đơn Dương đạt nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh giai đoạn 2019 – 2025. Chính vì vậy, phóng viên được giới thiệu đến trang trại của một nhân vật "theo đúng yêu cầu", thu nhập cao, áp dụng công nghệ trong sản xuất công nghiệp tại địa phương.

Phóng viên báo DANVIET.VN tìm được đến khu nhà kính rộng 2ha của ông Bùi Ngọc Cung (49 tuổi, xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương) không khó. Ở đây, ông Cung là một trong những người đầu tiên áp dụng công nghệ thông minh trong sản xuất nông nghiệp. Tiếp chúng tôi khi mới pha xong ấm trà nóng, ông cung vẫn đang "nhoay nhoáy" bấm điện thoại để thiết lập công thức pha chế và cho các khoáng chất vào bồn nhỏ, từ đó máy tự động vận hành, pha trộn. Việc tạo dung dịch đã hoàn thành thì lão nông 49 tuổi chỉ cần mở phần mềm, kích hoạt hệ thống tưới cho vườn cây của mình.

Hơn 15 năm phát triển NNCNC ở Lâm Đồng Bài 1: Người nông dân uống trà nhưng vẫn tưới được cây ngoài đồng - Ảnh 2.

Ông Bùi Ngọc Cung tự tay kiểm tra các yếu tố về dinh dưỡng, kỹ thuật trong vườn của mình.

Nhấp ly nước chè, ông Cung nhớ lại: "Thời điểm năm 2013, gia đình tôi và người dân ở Đơn Dương hầu như là trồng rau ngoài trời, nhưng năng suất không ổn định, sâu bệnh trên rau rất nhiều. Chính vì vậy, tôi đã bắt tay vào làm nhà lưới trên diện tích đất 2ha bố mẹ cho. Hiệu quả thấy rõ, trong vườn của tôi sâu bệnh đã giảm đi rất nhiều. Sau 2 năm, tôi có cơ hội tham dự hội thảo về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nhà kính tại TP.Đà Lạt. Sau lần đó, tôi về tiến hành lắp hệ thống tưới thông minh".

Hơn 15 năm phát triển NNCNC ở Lâm Đồng Bài 1: Người nông dân uống trà nhưng vẫn tưới được cây ngoài đồng - Ảnh 3.

Mọi thông số về độ ẩm, dinh dưỡng, nhiệt độ trong nhà kính được ông Cung nắm bắt thông qua điện thoại.

Tiếp đến năm 2019, ông Cung lại biết thêm về công nghệ tưới thông minh có thể kết nối Internet vạn vật IoT. Vì vậy, sau khi tìm hiểu, ông đã quyết định lắp hệ thống tưới thông minh này với ngót nghét 100 triệu đồng với sự hỗ trợ của nhà nước 50%.

Chính vì có hệ thống tưới thông minh này, ông Cung đã được máy móc tính toán, phân tích và đưa ra các chỉ số từ cơ bản đến nâng cao nên cây trồng phát triển mạnh. Với 2ha đất của ông Cung, hàng năm cho thu hoạch 200 tấn nông sản trở nên, được một đơn vị bao tiêu toàn bộ. Sau khi trừ các loại chi phí, lão nông này bỏ túi trên 1 tỷ đồng.

Làm NNCNC như một điều tất yếu

Theo Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao toàn tỉnh đến hết năm 2020 dự kiến hơn 60.000ha, chiếm 21,7% diện tích canh tác toàn tỉnh (tăng 126,5% ha so với năm 2012). 

Lĩnh vực công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp công nghệ cao được đa dạng hóa từ công nghệ nhà kính, nhà lưới, công nghệ sinh học, công nghệ tự động gắn với nông nghiệp thông minh, IoT… được người dân áp dụng như một điều tất yếu, từ đó năng suất cây trồng, vật nuôi tăng lên rõ rệt.

Hơn 15 năm phát triển NNCNC ở Lâm Đồng Bài 1: Người nông dân uống trà nhưng vẫn tưới được cây ngoài đồng - Ảnh 4.

Việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp đã giúp người dân tăng năng suất, giảm công lao động và có thu nhập cao hơn.

Ông Nguyễn Văn Châu – Phó giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cho hay: "Với việc ứng dụng công nghệ điều khiển tự động, hệ thống thông tin chính xác trong sản xuất nông nghiệp giúp người dân thiết lập dữ liệu trên phần mềm điện tử đối với các yếu tố vi khí hậu, môi trường và dinh dưỡng của cây trồng. Thông qua hệ thống cảm biến người điều hành có được các thông tin chính xác nhất về điều kiện sản xuất (pH, độ ẩm, nhiệt độ, dinh dưỡng) để giám sát và điều khiển việc tưới tiêu, châm phân; lưới cắt nắng, mở mái nhà kính…bằng hệ thống mạng cảm biến.

Từ đó giúp cây trồng sinh trưởng tối ưu, phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng cao, giảm thiểu lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trong canh tác cây trồng, giảm nhân công lao động cho các doanh nghiệp, HTX. Hiệu quả kinh tế trong canh tác cây trồng được nâng cao, sản xuất cây trồng được hiện đại hóa – thông minh".

Hơn 15 năm phát triển NNCNC ở Lâm Đồng Bài 1: Người nông dân uống trà nhưng vẫn tưới được cây ngoài đồng - Ảnh 5.

Người dân tỉnh Lâm Đồng áp dụng các công nghệ vào sản xuất như một điều tất yếu trong thời đại 4.0.

Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đã định hướng xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngay từ năm 2016 bằng các văn bản, quyết định cụ thể. Đến nay, các địa phương đã xây dựng kế hoạch hình thành 21 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (2 vùng chăn nuôi và 19 vùng sản xuất trồng trọt) với quy mô hơn 6.100ha. Đồng thời tiếp tục đưa vào quy hoạch bổ sung một số khu nông nghiệp công nghệ cao tập trung để thu hút các nhà đầu tư theo mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành với quy mô diện tích gần 2.000ha.

Tuy xây dựng kế hoạch hình thành 21 vùng, thế nhưng hiện nay Lâm Đồng mới chỉ có 4 vùng được công nhận đạt tiêu chí vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 593ha. Đó là làng hoa Thái Phiên (phường 12, TP. Đà Lạt, quy mô 150ha chuyên sản xuất hoa cúc, hoa lily), làng hoa Vạn Thành (phường 5, TP. Đà Lạt, quy mô 158ha chuyên sản xuất hoa hồng, cẩm chướng, đồng tiền), vùng sản xuất rau ứng dụng NNCNC xã Lạc Lâm (huyện Đơn Dương, quy mô 118ha, chuyên sản xuất rau các loại), vùng sản xuất rau ứng dụng NNCNC xã Lạc Xuân (huyện Đơn Dương, quy mô 167ha, chuyên sản xuất rau các loại).

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem