Hơn 20.000 người chết vì động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, cảnh báo nguy cơ lây lan dịch bệnh

Lê Phương (RT; Express) Thứ sáu, ngày 10/02/2023 07:22 AM (GMT+7)
Theo số liệu chính thức, hơn 20.000 người đã thiệt mạng và gần 80.000 người bị thương sau hàng loạt trận động đất thảm khốc xảy ra ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền bắc Syria hôm 6/2.
Bình luận 0
Hơn 20.000 người chết vì động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, cảnh báo nguy cơ lây lan dịch bệnh - Ảnh 1.

Thành phố Kahramanmaras của Thổ Nhĩ Kỳ sau trận động đất thảm khốc, ngày 9/2/2023. Ảnh: AP

Vào tối 9/2, Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ đã cập nhật số người chết lên 17.406, với 71.866 người bị thương được ghi nhận do trận động đất. Chính quyền Syria đưa ra con số thiệt mạng là 1.347 người, trong khi lực lượng do phương Tây hậu thuẫn tuyên bố có thêm gần 1.800 người chết trong các vùng lãnh thổ do họ kiểm soát.

Một trận động đất mạnh 7,8 độ richter đã xảy ra ở tỉnh Kahramanmaras của Thổ Nhĩ Kỳ vào sáng sớm hôm 6/2. Hai dư chấn mạnh nhất ở tỉnh Gaziantep có cường độ lần lượt là 6,4 và 6,5.

Những người sống sót đang gặp khó khăn do thiếu nơi trú ẩn an toàn trong mùa đông khắc nghiệt.

Ahmet Tokgoz, cư dân Antakya, tỉnh Hatay, nói với AP: "Chúng tôi không thể sống tại đây, đặc biệt là trong thời tiết giá lạnh này. Nếu mọi người chưa chết vì mắc kẹt dưới đống đổ nát, thì họ sẽ chết vì lạnh".

Đến thăm Hatay hôm 8/2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng không ai có thể chuẩn bị sẵn sàng cho một thảm họa lớn như vậy, nhưng ông nhấn mạnh Ankara "sẽ không bỏ mặc bất kỳ công dân nào".

Hơn 110.000 người đang thực hiện công tác cứu hộ, cùng với đó là hơn 5.500 phương tiện, bao gồm máy ủi, cần cẩu, máy xúc và máy kéo. 

Theo UNICEF, nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường nước như tả, tiêu chảy và kiết lỵ đang ở mức cao nhất mọi thời đại sau trận động đất. Tại Syria, nơi đang bùng phát dịch tả, tình hình thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn.

Kitka Goyol, chuyên gia về vệ sinh và nước của UNICEF ở Trung Đông và Bắc Phi nói với Express.co.uk rằng trận động đất đã khiến nguồn nước sạch trở nên khan hiếm.

Ông nói: "Sau những thiệt hại về cơ sở hạ tầng nước và nước thải do xung đột, Syria đang phải hứng chịu 1 đợt dịch tả lây lan khắp đất nước. Trận động đất khiến nguồn nước sạch ít ỏi sẵn có cũng đang cạn dần".

Ông cảnh báo, nếu các gia đình sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, nguy cơ nhiễm bệnh sẽ cao hơn nhiều.

Động đất có thể dẫn đến tác hại đáng kể đối với hệ thống nước, gây thiệt hại cho các cơ sở xử lý và phân phối, giếng, hồ chứa và bể chứa. Điều này có thể gây khó khăn cho việc tiếp cận nước sạch và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường nước bao gồm viêm gan A, thương hàn và bại liệt.

Kể từ khi đợt bùng phát dịch tả được tuyên bố vào tháng 9/2022 ở Syria, hơn 84.600 trường hợp mắc bệnh đã được báo cáo. Dự báo mới nhất ước tính rằng sẽ có 39.000 ca mắc mới trong vòng 6 tháng tới vào năm 2023, khiến ít nhất 3 triệu người gặp rủi ro và cần các nỗ lực hỗ trợ y tế.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng các trận động đất có thể ảnh hưởng đến 23 triệu người trong thời gian dài. Tình hình ở Syria đặc biệt nghiêm trọng sau khi nước này trải qua 12 năm xung đột vũ trang và phong tỏa kinh tế do Mỹ và các đồng minh áp đặt. Các tổ chức từ thiện và quốc tế đã nhiều lần kêu gọi phương Tây dỡ bỏ hoặc ít nhất là đình chỉ các biện pháp trừng phạt để tạo điều kiện cho viện trợ tiếp cận dễ dàng hơn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem