Gần 2.400ha đất nằm "chết lâm sàng" ở Mê Linh, nguồn lực đất đai bị tắc nghẽn

Thanh Xuân - Trịnh Trọng Thứ tư, ngày 14/09/2022 06:50 AM (GMT+7)
Với gần 2.400ha đất thuộc 47 dự án bị treo nhiều năm, huyện Mê Linh (Hà Nội) là một trong những địa phương của Thủ đô có nguồn lực đất đai đang bị lãng phí nhiều nhất. Người dân dở dang với đồng ruộng, địa phương cũng loay hoay với quy hoạch tổng thể.
Bình luận 0

Hàng loạt dự án BĐS chỉ để cỏ mọc um tùm. Clip Trịnh Trọng

Bài 1: Nhiều dự án để cỏ mọc, chủ đầu tư "mất tích"

Những dự án "chết lâm sàng"

Trong trụ sở Huyện ủy, UBND huyện Mê Linh có treo một tấm bản đồ toàn huyện. Điểm đặc biệt là 

Những tưởng ở huyện Mê Linh là địa bàn có thị trường BĐS đang nổi sóng, nhưng theo chân một cán bộ của huyện này tới các dự án BĐS trên địa bản huyện chúng tôi đã bị "ngã ngửa" với những khu đất gần 20 năm nay chỉ để cỏ mọc.

Những dự án bất động sản tại Mê Linh "ngủ quên" để cỏ mọc um tùm - Ảnh 2.

Một dự án tại xã Thanh Lâm không cả có tên trên biển, cỏ mọc um tùm suốt gần 20 năm nay. Ảnh: Thanh Xuân

Ông N.V.Đ đưa chúng tôi đi một vòng xem các dự án, chỗ thì vẫn là ruộng rau, hoa của người dân, có chỗ trồng cỏ nuôi bò còn có chỗ thì chỉ để cỏ mọc hoang um tùm.

Bà Nguyễn Thị Hiền ở thôn Phú Nhi, xã Thanh Lâm bức xúc cho biết: "Gia đình tôi có 5 sào ruộng thuộc đất của dự án Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Hưng Nga. Doanh nghiệp họ hứa bồi thường và trả đất dịch vụ cho dân nhưng gần 20 năm rồi chẳng thấy đâu. Ruộng thì cũng không canh tác được".

Tương tự như bà Hiền, gia đình ông Nguyễn Văn Hùng cùng thôn cũng có 3 sào ruộng nhưng từ khi mất ruộng đến nay phải đi phu hồ kiếm sống qua ngày. "Ruộng thì bị lấy mất nên tôi chỉ còn biết đi phu hồ kiếm sống. Vừa rồi, con trai tôi cũng làm thợ xây bị tai nạn mới mất. Tôi năm nay đã 59 tuổi, không làm thợ xây thì cũng chẳng còn biết làm gì", ông Hùng buồn bã kể với chúng tôi với đôi mắt đỏ hoe. 

Những dự án bất động sản tại Mê Linh "ngủ quên" để cỏ mọc um tùm - Ảnh 3.

Ông N.V.T ở xã Văn Khê có 3 sào ruộng trồng hoa nhưng gần 20 năm nay chỉ làm tạm bợ, thấp thỏm nghe ngóng dự án không dám đầu tư. Ảnh: Thanh Xuân

Theo ông N.V.T ở xã Văn Khê, gia đình ông có 3 sào ruộng đang trồng hoa và thuê thêm 8 sào của các hộ khác, đều thuộc đất của Dự án Khu nhà ở Thanh Lâm, chủ đầu tư là Công ty Công phần thương mại và dịch vụ Phương Viên. "Tôi chỉ nghe cán bộ nói bà chủ của dự án tên là Phúc cũng mới mất. Suốt từ năm 2008 đến nay doanh nghiệp cũng chưa triển khai gì nhưng người dân canh tác như chúng tôi thì cứ thấm thỏm, không dám đầu tư nhiều cho sản xuất hoa", ông N.V.T nói.xa

Mới đây, Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Mê Linh, TP Hà Nội cho biết cả 33 lô đất đấu giá Mê Linh đã được đấu giá thành công, giúp thu về gần 226 tỉ đồng, chênh gần 100 tỉ đồng so với giá khởi điểm. Giá trúng cao nhất lên tới gần 100 triệu đồng/m2, đây là mức giá mới tăng cao kỷ lục.

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch UBND xã Mê Linh cho biết: Việc các dự án BĐS chậm tiến độ có tác động rất xấu tới phát triển kinh tế xã hội và đời sống của người dân địa phương. Địa phương thì không thu được thuế từ các dự án, mất thêm thời gian cho công tác quản lý, kiểm tra, giám sát…

Còn người dân ở xã Mê Linh tuy vẫn đang trồng hoa, trồng các loại cây ăn quả, rau mầu… trên đất của dự án Vihashin nhưng lại lo âu, thấp thỏm không biết khi nào dự án lại triển khai nên chẳng ai dám đầu tư cơ sở hạ tầng cho sản xuất.

"Đối với trồng hoa thì cần đầu tư đường điện, nước nhưng do đất dự án nên nhiều nông dân không dám đầu tư, chỉ sản xuất tạm bợ, ảnh hưởng tới năng suất và hiệu quả", ông Hùng cho biết.

Không tìm thấy nhà đầu tư đâu

Ông Trịnh Minh Tâm – Phó Chủ tịch UBND xã Đại Thịnh cho biết, nếu các dự án BĐS triển khai thì cơ bản sẽ lấy hết phần diện tích đất canh tác của người dân trong xã. Trong số các dự án BĐS trên địa bàn xã có dự án Vinalines là chiếm diện tích lớn nhất, liên quan khoảng hơn 700 hộ dân.

"Dự án Phương Viên, xã chỉ liên quan một phần thuộc thôn Nội Đồng nhưng cũng suốt bao năm nay chưa thấy có triển khai gì. Cũng nhiều cuộc họp nhưng chẳng thấy nhà đầu tư đâu và cũng không biết nhà đầu tư ở đâu để mời tham gia họp", ông Tâm nói.

Theo ông Tâm, ngoài Vinaline, trên địa bàn xã có các dự án Văn phòng và biệt thự nhà vườn Tiến Phong, Công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUT); Khu đô thị mới An Thịnh, khu nhà ở Tùng Phương, Khu nhà ở cao cấp Phương Viên, khu đô thị Mê Linh – Đại Thịnh, Khu đô thị mới Prime Group…Trong đó, có nhiều dự án không tìm thấy nhà đầu tư đâu và có dự án đã bị UBND TP. Hà Nội thu hồi.

Năm 2019, ông Đoàn Văn Trọng khi đó là Chủ tịch UBND huyện Mê Linh khi trả lời báo chí cho biết, địa phương đã có văn bản đề nghị và UBND TP Hà Nội đã ban hành các quyết định thu hồi diện tích đất giao đối với 4 dự án với tổng diện tích 267,8ha. Cụ thể là các dự án khu đô thị mới: Prime Group, Vinalines, BMC Thăng Long và Việt Á. Tuy nhiên, từ đó các dự án lại được, "mua đi, bán lại" nên đến nay có 5 dự án đã bị thu hồi nhưng riêng dự án Vinalines lại được chuyển sang một chủ mới.

Những dự án bất động sản tại Mê Linh "ngủ quên" để cỏ mọc um tùm - Ảnh 5.

Hàng chục các dự án BĐS trên địa bàn huyện Mê Linh để cỏ mọc gần 20 năm nay. Ảnh: Trịnh Trọng

UBND huyện Mê Linh cho biết, việc thu hồi dự án là khó, vì là đất tổ chức phải bồi thường. Các sở, ngành thì đùn đẩy, né tránh, không tích cực vào cuộc. Ví dụ như các dự án bò sữa, Phương Viên, Vinashin…Sở TNMT có văn bản sang Sở KHĐT hỏi các đơn vị liên quan.

Cũng theo UBND huyện Mê Linh, trong số các dự án này thì chủ đầu tư cũng biến động, không biết ai là chủ, không tích cực phối hợp thực hiện dự án và, năng lực tài chính yếu và quản lý tổ chức thực hiện dự án kém.

Chủ đầu tư "ôm đất đai", chậm triển khai, bỏ đất, để hoang hoá, gây lãng phí tài nguyên đất đai, làm cho người bị thu hồi đất nông nghiệp bức xúc; Nhà nước thì không thu hồi được tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. 

Theo quy định tại Luật Đất đai 2013 thì chủ đầu tư bị thu hồi đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng. Tuy nhiên, trong số hơn 60 dự án BĐS tại huyện Mê Linh chậm triển khai đến nay mới có 3 dự án bị thu hồi bao gồm: Khu đô thị mới Việt Á; Khu đô thị mới Premi Group; Khu đô thị mới BMC.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem