Hơn 2.000 ha đất "nằm chết lâm sàng" ở Mê Linh: Loay hoay với "lời hứa" trả đất dịch vụ cho dân (Bài 2)

Thanh Xuân - Trịnh Trọng Thứ năm, ngày 15/09/2022 06:00 AM (GMT+7)
Ở huyện Mê Linh (TP.Hà Nội), việc thực hiện "lời hứa" trả đất dịch vụ cho người dân bị ảnh hưởng bởi loạt dự án khu đô thị đắp chiếu, vẫn đang là đề bài khó.
Bình luận 0

Một trong những vấn đề khó khăn để tái khởi động các dự án chậm tiến độ ở Mê Linh là thực hiện "lời hứa" trả đất dịch vụ cho người dân. Clip: Trịnh Trọng.

Loay hoay tìm phương án trả đất dịch vụ cho người dân

Trên cánh đồng thôn Phú Nhi, xã Thanh Lâm, bà N.T.H đang trồng hoa trên mảnh ruộng nhà mình, khi thấy chúng tôi tới đã chủ động hỏi: "Các anh về đo đạc, trả đất dịch vụ cho người dân có phải không? Nếu không trả đất dịch vụ thì chúng tôi không bàn giao đất đâu. Chúng tôi ủng hộ chủ trương của Nhà nước, sẽ bàn giao đất nhưng phải đảm bảo quyền lợi cho chúng tôi".

Bài 2: Khó khăn nhất là thực hiện "lời hứa" trả đất dịch vụ - Ảnh 2.

Những nông dân có đất nông nghiệp mong mỏi được thực hiện "lời hứa" trả đất dịch vụ. Ảnh: Trịnh Trọng

Bà N.T.H cùng hơn 8.000 hộ dân khác trên địa bàn huyện Mê Linh thuộc diện được cấp đất dịch vụ. Trong đó, có những hộ dân được hứa cấp đất dịch vụ khi dự án được phê duyệt từ thời huyện Mê Linh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. 

"Ngoài bồi thường bằng tiền 17 triệu đồng/sào, còn có suất đất dịch vụ cho người dân", bà H nhớ lại. 

Tương tự, ông Nguyễn Văn Quang ở thôn Phú Nhi, xã Thanh Lâm kể: "Khi chưa sáp nhập về Hà Nội, chủ đầu tư được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt dự án đã "hứa" với người dân là sẽ trả 17 triệu đồng/sào ruộng và hộ nào có 1 sào ruộng bị thu hồi thì được 10m2 đất, gia đình cứ có 1 khẩu thì được cộng thêm 2m2 nữa. 

Trường hợp các hộ gia đình bị thu hồi 70% đất nông nghiệp thì sẽ được nhận một suất đất dịch vụ".

Bài 2: Khó khăn nhất là thực hiện "lời hứa" trả đất dịch vụ - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Quang ở thôn Phú Nhi, xã Thanh Lâm cho biết, dự án khi khởi công năm 2004, người dân phấn khởi còn làm thơ chúc mừng, trên tay ông Quang vẫn giữ bài thơ nhưng đến nay đất dự án vẫn là bãi hoang để cỏ mọc. Ảnh: Thanh Xuân.

Khu đất nông nghiệp 888m2 của gia đình ông Quang thuộc diện thu hồi thực hiện dự án Khu biệt thự Nhà vườn, thương mại và dịch vụ tổng hợp Hưng Nga (xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh), chủ đầu tư là Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Hưng Nga.

Theo Báo cáo của Đoàn kiểm tra liên ngành TP. Hà Nội, đại diện Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Hưng Nga nêu khó khăn, vướng mắc chậm tiến độ là khi tiến hành thi công, người dân tại thôn Phú Nhi bị thu hồi đất cản trở đơn vị thực hiện thi công tại thực địa và đề nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết đất dịch vụ cho dân.

UBND huyện Mê Linh cho biết, việc các dự án khu đô thị có vốn ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn chậm triển khai có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan. Trong đó, chủ quan là có nhiều doanh nghiệp năng lực tài chính và quản lý yếu nên chỉ "ôm đất" không thể triển khai.

Nguyên nhân khách quan là từ khi sáp nhập về Hà Nội, các dự án phải điều chỉnh lại quy hoạch và chính sách giao đất dịch vụ cho người dân có vướng mắc chưa thực hiện được.

Trong khi đó, đại diện UBND huyện Mê Linh xác nhận, có việc người dân bị thu hồi đất cản trở công ty thi công thực hiện dự án tại thực địa. Đối với vấn đề này, doanh nghiệp phải phối hợp với cơ quan quản lý để tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân.

Cho đến nay, lời hứa của chủ đầu tư từ năm 2004 với ông Quang vẫn chưa thực hiện được. Đất canh tác đã bị giải phóng mặt bằng, kênh mương bị lấp. 

"Chủ đầu tư cũng mua bán sang tay, giờ không phải chủ đầu tư ngày trước nữa" - ông Quang nói trong bất lực. 

Ông Quang hiện đang nuôi mẹ liệt sỹ 111 tuổi, sau nhiều năm đi đòi quyền lợi, đến nay đã cảm thấy vô cùng thất vọng.

Sau 14 năm từ khi huyện Mê Linh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc sáp nhập về Hà Nội có trên 8.800 hộ dân trong diện cấp đất dịch vụ, với diện tích 26,8ha.

Do rất nhiều vướng mắc, đến nay huyện Mê Linh mới cấp được cho 758 hộ, với 3,8ha. Thời gian dài vừa qua, người dân phải chờ đợi đã xảy ra bức xúc, đơn thư kiến nghị.

Bài 2: Khó khăn nhất là thực hiện "lời hứa" trả đất dịch vụ - Ảnh 4.

Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Hưng Nga chỉ mới xây dựng được nhà điều hành, còn lại toàn bộ dự án vẫn là bãi cỏ mọc um tùm. Ảnh: Thanh Xuân.

Báo cáo Thủ tướng xin cơ chế đặc thù

Trao đổi với Dân Việt, lãnh đạo UBND huyện Mê Linh cho biết, thực hiện Nghị quyết số 04 của HĐND TP và Quyết định 4856 của UBND TP về việc thực hiện chuyên đề số 5 "Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn TP", UBND huyện đang tập trung và chỉ đạo triển khai quyết liệt nhiều giải pháp và làm việc với từng chủ đầu tư dự án để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc.

Qua rà soát, UBND huyện Mê Linh cho biết, bước đầu Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố đã kiểm tra và báo cáo UBND TP xử lý theo quy định.

Bài 2: Khó khăn nhất là thực hiện "lời hứa" trả đất dịch vụ - Ảnh 5.

Những tấm biển quảng cáo giới thiệu về các dự án tại Mê Linh nhưng thực tế hàng loạt các dự án đã để hoang hoá gần 20 năm. Ảnh: Thanh Xuân.

Đối với việc thực hiện trả đất dịch vụ cho người dân, lãnh đạo huyện Mê Linh cho rằng, đây là vụ việc kéo dài nhiều năm, đã được các cấp các ngành hết sức quan tâm chỉ đạo giải quyết song, đến nay vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc. 

Tại buổi họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho ý kiến về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 tổ chức sáng 14/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu ý kiến về việc xử lý các dự án chậm tiến độ.

Theo đó, với loại vướng mắc về thời gian, cần xử lý hài hòa lợi ích giữa các bên, gia hạn thời gian để xử lý, chính quyền phối hợp gỡ vướng mắc. Nếu đến hạn nhất định thì phải thu hồi theo luật.

Với loại dự án chủ đầu tư có năng lực tài chính yếu kém, Chủ tịch Quốc hội cho rằng không thực hiện được thì phải để người khác vì cứ giữ đất sẽ lãng phí cơ hội đầu tư.

Theo quy định, các hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp thu hồi vào dự án tại thời điểm huyện Mê Linh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc (trước ngày 1/8/2008) đều phải chấp hành, thực hiện nghĩa vụ chính sách đền bù, bàn giao đất cho các dự án (đều chung Quyết định thu hồi của tỉnh). 

Do đó, các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện Mê Linh hiện nay có quyền lợi được hưởng chính sách đất dịch vụ như các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, không có sự phân biệt.

Tuy nhiên, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Mê Linh đến nay chưa nhận được đất dịch vụ. Thời gian qua, UBND huyện Mê Linh đã tích cực vào cuộc, đề xuất với các cơ quan cấp trên, phối hợp với Sở, ban, ngành của TP.Hà Nội để gỡ khó cho người dân.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TNMT và hướng dẫn của Tổng cục Quản lý đất đai, UBND huyện Mê Linh kiến nghị đồng ý chủ trương giao đất dịch vụ cho các hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp bị thu hồi và các dự án từ ngày 1/1/1997 đến trước ngày 1/8/2008. 

Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Mê Linh đầu năm 2022, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng đã chỉ đạo các ngành vào cuộc quyết liệt hơn nữa để thành phố tiếp tục trình Chính phủ giải quyết các vấn đề liên quan đến đẩy nhanh cấp đất dịch vụ cho người dân Mê Linh.

Đón đọc Bài 3: Quyết thu hồi các dự án chây ỳ không triển khai

Ngày 28/9/2020, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã họp với Bộ TNMT, Bộ Tư pháp và UBND TP. Hà Nội để giải quyết những bức thiết về đất dịch vụ cho người dân. Ngày 3/11/2020, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản 9183/VPCP-NN, trong đó có nêu đồng ý với đề xuất của Bộ TNMT, giao Bộ TNMT hướng dẫn TP. HÀ Nội triển khai theo đúng quy định, đảm bảo hài hoà lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, đảm bảo công bằng minh bạch.

Hiện UBND huyện Mê Linh đã triển khai theo hướng dẫn của Tổng cục Đất đai, báo cáo UBND TP. Hà Nội để đề nghị Bộ TNMT xem xét giao đất dịch vụ cho người dân. Nếu "bài toán" đất dịch vụ không có cơ chế đặc thù để giải quyết thì chắc chắn các dự án bất động sản trên địa bàn huyện này sẽ còn bế tắc.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem