Hơn 350 tỷ đồng hỗ trợ cho người chăn nuôi lợn bị dịch tả lợn Châu Phi

13/06/2019 20:11 GMT+7
Thông tin tại buổi công bố kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2019, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, các tổ chức tín dụng đã hỗ trợ 357 tỷ đồng cho người chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch lợn tả lợn Châu Phi.

Chiều nay 13/6, Ngân hàng Nhà nước đã họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2019.

Thông tin tài buổi họp, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, Từ tháng 02/2019, NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD), NHNN chi nhánh các tỉnh đang có dịch nắm sát tình hình cho vay đối với ngành chăn nuôi lợn trên địa bàn và dư nợ bị thiệt hại để kịp thời thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố các biện pháp xử lý nợ vay theo quy định tại Nghị định 55, 116 của Chính phủ.

Tính đến nay, các TCTD đã hỗ trợ người chăn nuôi lợn bị thiệt hại tại các tỉnh/thành phố đang có dịch số tiền 357 tỷ đồng. Trong đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ 68 tỷ đồng. Miễn, giảm lãi vay 13 tỷ đồng và cho vay mới: 275 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước)

Ngoài hỗ trợ cho người chăn nuôi lợn, nửa đầu năm nay, các TCTD cũng đã tích cực thực hiện các giải pháp khắc nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Đối với lúa gạo, riêng vụ Đông Xuân năm 2019, thực hiện chỉ đạo của NHNN tại Hội nghị ngành ngân hàng cho vay đẩy mạnh tiêu thụ lúa gạo vùng ĐBSCL, các NHTM nhà nước tiên phong hạ lãi suất cho vay ngắn hạn xuống còn 6%/năm để hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua lúa gạo.

Kết quả đến nay, các TCTD tại khu vực ĐBSCL đã giải ngân khoảng 10.719 tỷ đồng cho các tổ chức, cá nhân để thu mua trên 1,7 triệu tấn lúa gạo vụ Đông Xuân 2019, góp phần hạn chế đà giảm giá lúa gạo cho bà con nông dân.

Đối với người dân vùng Tây Nguyên, trước khó khăn do hiện tượng cây tiêu chết hàng loạt tại các tỉnh Tây Nguyên, NHNN đã chủ động làm với UBND tỉnh Gia Lai (tỉnh có thiệt hại lớn nhất) để bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người trồng tiêu.

Ngoài kết quả các TCTD đã hỗ trợ cho trên 6.450 khách hàng với số tiền gần 1.900 tỷ đồng thông qua các biện pháp cơ cấu lại nợ, điều chỉnh giảm lãi suất, cho vay mới khôi phục sản xuất, chuyển đổi cây trồng, NHNN đã đề nghị UBND tỉnh Gia Lai xem xét công bố thiên tai trên diện rộng, đồng thời tổng hợp thiệt hại về vốn vay của người dân, gửi NHNN, Bộ Tài chính để báo cáo TTCP xem xét quyết định khoanh nợ cho các hộ dân theo đúng trình tự quy định tại Nghị định 55, 116 của Chính phủ.

Toàn cảnh phiên họp

Đặc biệt, ngày 22/2/2019, Thống đốc NHNN ký ban hành Quyết định số 12/QĐ-HĐQT nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo. Theo đó, kể từ ngày 01/3/2019, NHCSXH nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ vay, kéo dài thời hạn cho vay từ 60 tháng lên tối đa 120 tháng.

Các chương trình cho vay có quy định áp dụng mức cho vay đối đa như hộ nghèo như cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, khu vực dân tộc thiểu số cũng được áp dụng nâng mức cho vay này.

Kết quả, từ khi áp dụng mức vay mới (1/3/2019), doanh số cho vay hộ nghèo đến cuối tháng 5/2019 đạt 4.016 tỷ đồng, doanh số cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số đạt 10.937 tỷ đồng.

Lê Thúy
Cùng chuyên mục