Hơn 40.000 tỷ có thể được “giải phóng” sau Thông tư 30
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư số 30/2019/TT-NHNN, quy định về thực hiện dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Thông tư quy định cơ chế cho phép những trường hợp TCTD không phải thực hiện dự trữ bắt buộc (DTBB), hoặc được giảm tỷ lệ thực hiện.
Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc áp dụng cho tổ chức tín dụng hỗ trợ với mức giảm 50%
Cụ thể, theo Điều 3 Thông tư 30/2019/TT-NHNN quy định rõ ba nhóm các tổ chức tín dụng không thực hiện dự trữ bắt buộc: các TCTD được kiểm soát đặc biệt, TCTD chưa khai trương hoạt động và TCTD được chấp thuận giải thể hoặc có quyết định mở thủ tục phá sản, thu hồi giấy phép.
Trong đó, đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt, thời gian không thực hiện dự trữ bắt buộc từ tháng tiếp theo tháng tổ chức tín dụng được NHNN quyết định đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt đến hết tháng tổ chức tín dụng được NHNN quyết định chấm dứt kiểm soát đặc biệt.
Với TCTD chưa khai trương hoạt động, thời gian không thực hiện dự trữ bắt buộc đến hết tháng tổ chức tín dụng khai trương hoạt động; tổ chức tín dụng thông báo bằng văn bản cho NHNN (Sở Giao dịch) về ngày khai trương hoạt động trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày khai trương hoạt động.
Riêng TCTD được chấp thuận giải thể hoặc có quyết định mở thủ tục phá sản hoặc có quyết định thu hồi Giấy phép của cơ quan có thẩm quyền, thời gian không thực hiện dự trữ bắt buộc từ tháng tiếp theo tháng tổ chức tín dụng được chấp thuận giải thể hoặc quyết định mở thủ tục phá sản, thu hồi Giấy phép có hiệu lực.
Tổ chức tín dụng có quyết định mở thủ tục phá sản gửi NHNN (Sở Giao dịch) quyết định mở thủ tục phá sản trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định này.
Bên cạnh đó, Thông tư 30 còn cho phép giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc áp dụng cho tổ chức tín dụng hỗ trợ với mức giảm 50% đối với tất cả các loại tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc theo phương án phục hồi đã được phê duyệt theo quy định tại khoản 7 Điều 148đ Luật Các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Theo quy định tại luật tổ chức tín dụng thì tổ chức tín dụng hỗ trợ là tổ chức tín dụng được chỉ định tham gia quản trị, kiểm soát, điều hành, hỗ trợ tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
Nhà băng nào hưởng lợi?
Nêu quan điểm về động thái này của NHNN, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết trên thực tế, NHNN đã lấy ý kiến cho sửa đổi này từ tháng 2/2019 và động thái này chỉ là ban hành văn bản chính thức.
Trong đó, Ngân hàng Đông Á và ba ngân hàng thương mại mà NHNN mua lại giá 0 đồng sẽ thuộc nhóm đối tượng không thực hiện dự trữ bắt buộc.
Các TCTD hỗ trợ tham gia hỗ trợ tái cơ cấu hệ thống (quy định tại khoản 40 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017) được giảm 50% tỷ lệ DTBB bao gồm Vietcombank, VietinBank và BIDV.
Bởi trong những năm qua, 3 "ông lớn" mày đã lần lượt tham gia hỗ trợ tái cơ cấu tại DongA Bank, CB Bank, Ocean Bank và GP Bank, qua hỗ trợ thanh khoản, cử nhân sự quản trị điều hành, hợp tác kinh doanh… ngay khi các tổ chức này thực hiện tái cơ cấu bắt buộc.
Theo tính toán của BVSC, dựa trên báo cáo quý III/2019, số tiền gửi dự trữ bắt buộc của ba ngân hàng Vietcombank, BIDV và VietinBank tại NHNN là 83.000 tỷ đồng.
Giả sử ba ngân hàng trên được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc theo Thông tư 30 mới ban hành thì sẽ có khoảng hơn 40.000 tỷ đồng được "giải phóng" khỏi tài khoản DTBB, đồng nghĩa với chi phí sử dụng vốn của các ngân hàng này sẽ giảm xuống, tạo điều kiện để các ngân hàng này giảm lãi suất cho vay.
Tuy vậy, cần lưu ý là vào cuối quý III/2019, cả Vietcombank và BIDV đều đang có tiền gửi vượt mức DTBB tại NHNN (lần lượt 15% và 26%) nên việc được giải phóng thêm DTBB có thể sẽ chưa có quá nhiều tác động tích cực đến hai ngân hàng này trong thời điểm hiện tại.
Ngoài ra, BVSC cũng nhấn mạnh việc xác định liệu các ngân hàng trên có được giảm 50% tỷ lệ DTBB hay không sẽ phải chờ chính sách cụ thể từ NHNN trong thời gian tới.