Đại biểu Quốc hội: "Hơn 4.600 MW điện tái tạo không được đấu lưới, phải nhập điện Trung Quốc... có buồn không!?"

Nguyễn Tuyền Thứ năm, ngày 25/05/2023 12:08 PM (GMT+7)
"Việt Nam là cường quốc điện gió do thiên nhiên ưu đãi, nhưng vì sao chúng ta phải nhập khẩu lâu dài điện từ Trung Quốc? Theo tôi câu trả lời là không khó! Tại sao EVN lỗ triền miên, mỗi năm hàng chục nghìn tỷ đồng như vậy?", đại biểu Lê Thanh Vân đặt câu hỏi.
Bình luận 0

Đại biểu: Việt Nam là cường quốc điện gió song phải đi nhập điện!

Tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội sáng nay 25/5, nhiều đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi cho Bộ Công Thương và ngành điện liên quan đến vấn đề thiếu điện, hàng chục dự án điện đang nằm chờ với công suất hơn 4.600 MW không được đấu lưới, trong khi Việt Nam đang thiếu điện, phải mua điện từ nước ngoài là Trung Quốc, Lào. Đại biểu yêu cầu làm rõ trách nhiệm, rà soát chi tiêu, đời sống quan chức ngành điện trong bối cảnh ngành điện thua lỗ ra sao?…

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, (đoàn Cà Mau) nhấn mạnh: Sản xuất trong nước như sản xuất điện phải đi trước nhưng hiên nay chúng ta chưa biết khai thác trọng tâm.

Đại biểu Quốc hội: Hơn 4.600 MW điện tái tạo không được đấu lưới, phải nhập điện Trung Quốc... có buồn không!? - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, (đoàn Cà Mau)

"Điện mặt trời, mãi đây mới cho quy hoạch điện VIII, tại sao không nghiên cứu, đưa vào Quy hoạch điện VII?" ông Vân đặt câu hỏi.

Chính vì không đưa vào quy hoạch điện sớm hơn, nên đại biểu Vân cho rằng: "Vì vướng mắc, nên rất nhiều dự án điện mặt trời, điện gió không được đấu lưới. Chúng ta có cơ hội, thừa điện tái tạo nhưng lại có những doanh nghiệp đóng cửa, không hoà mạng lưới được, ai chịu trách nhiệm?".

Theo ông Vân: "Thông tin chúng ta xác định phải nhập khẩu điện lâu dài từ Trung Quốc, Lào, tôi thử hỏi ai trong chúng ta có buồn không? Tại sao vậy? Giá thành của họ giảm mà tại sao chúng ta lại không giảm giá điện?".

Đại biểu Vân khẳng định, chúng ta xác định Việt Nam là cường quốc điện gió do thiên nhiên ưu đãi, nhưng vì sao chúng ta phải nhập khẩu điện từ Trung Quốc và tại sao phải nhập khẩu lâu dài. Câu trả lời là không khó! 

"Tại sao EVN lỗ triền miên, mỗi năm hàng chục nghìn tỷ đồng như vậy? Phải rà soát xem EVN lỗ lớn như vậy thì đời sống của quan chức ngành điện ra làm sao? Nhiều câu chuyện Quốc hội phải mổ xẻ", ông Vân đánh giá.

Hơn 4.600 MW điện không được đấu lưới, tại sao lãng phí tài sản như vậy?

Cũng phát biểu về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau), Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay, người dân bức xúc liên quan lĩnh vực điện năng vì có nhiều vấn đề. Trong đó có việc tại sao chúng ta phải nhập khẩu điện trong khi 4.600 MW điện mặt trời, điện gió không được lên lưới. "Vì sao thế, đây cũng là tài sản quốc gia, tại sao lãng phí như vậy", ông Minh đặt câu hỏi.

Đại biểu Quốc hội: Hơn 4.600 MW điện tái tạo không được đấu lưới, phải nhập điện Trung Quốc... có buồn không!? - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau)

Theo ông Minh, cử tri cho rằng, sở dĩ 4.600 MW điện tái tạo không được lên lưới là sai về thủ tục, quy chế. Do vậy, ngành điện phải đổi mới nhiều. Trong báo cáo của Chính phủ không thấy có giải pháp nào để cải tiến vấn đề này.

"Tôi tham dự nhiều cuộc họp với ngành điện, trong tổng số 100% sản lượng điện phát lên, EVN chỉ phát trực tiếp 11%,  89% sản lượng còn lại là của các công ty và doanh nghiệp khác không thuộc EVN hoặc thuộc EVN nhưng là công ty cổ phần.

Cũng trong phiên họp ở tổ sáng nay, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cho rằng, thông tin Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông báo khoản lỗ hơn 26.000 tỷ đồng đã khiến cử tri quan tâm và thắc mắc nguyên nhân nào dẫn đến khoản lỗ lớn như vậy, giải pháp giải quyết thế nào?

"Cử tri cho rằng cùng một hệ sinh thái, nhưng công ty mẹ (EVN – PV) báo lỗ, còn các công ty con vẫn công bố thu lợi nhuận cao. Thế thì nguyên nhân khoản lỗ của EVN là từ đâu, nguyên nhân có phải từ năng lực quản lý hay không?" - đại biểu Tạ Thị Yên nêu ý kiến.

Cũng theo bà Tạ Thị Yên, một vấn đề dư luận quan tâm hiện nay là lúc EVN báo lỗ và tăng giá điện thì việc đàm phán giá điện với các đơn vị sản xuất điện gió, điện mặt trời vẫn chưa có sự ngã ngũ.

"Vấn đề trên vô hình chung tạo ra sự lãng phí rất lớn. Tôi cho rằng, giải pháp lâu dài cho ngành điện là chúng ta phải nghiên cứu, tìm ra các phương án tối ưu, đảm bảo an ninh năng lượng; có thể tìm được nguồn nguyên liệu rẻ, sạch hơn, từ đó giảm giá thành sản xuất. Trong đó cần cơ chế giá hợp lý cho các nhà máy điện tư nhân, các dự án điện tái tạo tham gia vào kinh doanh điện", bà Tạ Thị Yên cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem