Honda Việt Nam đang cho lao động làm tốt nghỉ việc?

Thanh Xuân – Việt Tùng Thứ tư, ngày 31/08/2016 08:13 AM (GMT+7)
Dù mức lương không cao nhưng vì gắn bó đã lâu với Honda Việt Nam nên nhiều người vẫn quyết tâm bám trụ. Tuy nhiên, dù làm việc tốt đến mức nào, họ vẫn bị Công ty Honda Việt Nam cho thôi việc kể cả những công nhân đạt thang bậc 3, 4.
Bình luận 0

Thợ giỏi, 4 năm cống hiến vẫn mất việc

Tìm đến phòng trọ của anh N.Đ.Q- công nhân Công ty Honda Việt Nam tại Vĩnh Phúc, chúng tôi mới hiểu được hết những nỗi buồn bực và bức xúc trong suốt những ngày qua của anh Q khi biết mình bị công ty cho thôi việc. Anh Q chia sẻ, từ khi vào Honda (năm 2012) đến nay, anh luôn được quản lý đánh giá là người chịu khó, nhiệt tình trong công việc, giỏi nghề và chưa bao giờ bị kỷ luật, vi phạm quy chế công ty.

img

Lắp ráp xe máy tại Công ty Honda Việt Nam (ảnh minh họa). Ảnh:  T.L

“Để có thể thành thạo tay nghề làm ở dây chuyền hóa chất tiền xử lý như em hiện nay mất khoảng 6 tháng. Chắc họ nghĩ công nhân mới cũng dễ đào tạo mà chỉ phải trả lương thấp hơn nên họ cho em thôi việc” – Q nhận định. Theo công nhân N.Đ.Q, khi bắt đầu làm tại Honda, lương cơ bản của Q là 2,8 triệu đồng, cộng thêm phụ cấp ca thì thu nhập đạt gần 4 triệu đồng/tháng. Sau 2 năm làm việc, đến năm 2014 công ty tổ chức thi và Q được nâng lương, cộng phụ cấp 1 triệu đồng là được 4,5 triệu đồng/tháng. Đến nay, cộng hết các khoản phụ cấp, thu nhập của Q được khoảng 5 triệu đồng/tháng.

“Tài liệu Honda đưa cho công nhân ôn thi dày hàng trăm trang, nhưng em đã rất cố gắng ôn, nên làm bài thi rất tốt, em trả lời được khoảng 70% các câu hỏi. Khi họ thông báo trượt, cũng chẳng công bố điểm nên không biết mình sai ở chỗ nào. Để làm rõ em đã kiến nghị và đề nghị họ cho “mượn” các bài thi của các công nhân đỗ để so sánh, nhưng họ không cho và nói đó là bí mật” - Q bức xúc cho biết.

Cầm quyết định chấm dứt hợp đồng lao động trên tay, N.Đ.Q đang không biết giải thích thế nào với bố mẹ và tới đây sẽ phải đi tìm việc làm mới ở đâu để nuôi bản thân và gia đình. “Em có tìm hiểu một số công ty, thì thấy lương của Samsung khá cao, nhưng họ lại tuyển chủ yếu công nhân nữ và ở lứa tuổi vừa tốt nghiệp phổ thông, tuổi nhỡ nhàng như chúng em lại không xin vào được” - Q buồn rầu nói.

img

Tương tự trường hợp của Q, công nhân T.T.A ở xóm Xuân Bến, phường Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên cũng đang ngậm ngùi chưa biết tới đây xin việc làm ở đâu khi vừa nhận được quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của Công ty Honda.

“Em khẳng định bài thi của em ít nhất cũng được 70 – 80%, ngoài ra tay nghề em đang rất tốt. Nhưng có lẽ họ sa thải chúng em để tuyển lao động mới nhằm tiết kiệm khoảng 2 triệu đồng/công nhân/tháng” - công nhân T.T.A nói.

Cho thôi việc công nhân để giảm chi phí?

Chia sẻ về vấn đề này, Phó trưởng Phòng LĐTBXH thị xã Phúc Yên Nguyễn Thị Hoàng Mai cho biết: Xét các quy định của pháp luật thì rất khó “bắt lỗi” Công ty Honda vì họ cho rằng công nhân không vượt qua kỳ thi là không đủ năng lực để tiếp tục lao động. Về bản chất, có những công nhân kỹ thuật cao họ còn phải tìm nhiều cách để “giữ chân”, còn công nhân ở bộ phận lắp ráp, làm các công việc đơn thuần không cần kỹ thuật cao thì chỉ cần tuyển lao động phổ thông vào là làm được ngay nên có thể họ cho thôi việc nhằm mục đích giảm tiền lương, tiền đóng BHXH…”.

Trao đổi với Dân Việt về thực trạng cho thôi việc lao động của Công ty Honda Việt Nam, ông Khổng Sơn Trường – Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, nếu xét về các quy định của Luật Lao động thì họ không sai, nhưng mình có thể hiểu là họ đang “lách luật”. Đối với doanh nghiệp, mục đích cuối cùng vẫn là lợi nhuận. “Họ cho lao động thôi việc là để tránh tăng đóng bảo hiểm, tránh tăng lương, tránh thai sản… Lao động nữ vào làm việc họ khống chế 2 năm đầu không được đẻ, đến năm thứ 3 thì họ cho thôi việc rồi cũng chẳng còn kịp để sinh đẻ nên bớt được phần bảo hiểm thai sản” – ông Trường nói.

Ông Trường cho rằng, để có những ràng buộc chặt chẽ giữa người lao động và doanh nghiệp, để họ không thể vô cớ cho lao động thôi việc được là trách nhiệm của Sở, Bộ LĐTBXH và các bộ ngành khác. “Tuy nhiên để “bắt lỗi” các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN nước ngoài rất khó. Khi họ cho lao động thôi việc bao giờ họ cũng tìm ra các lý do rất chính đáng, như họ không có nhu cầu nữa, không có việc làm. Tháng này không có nhu cầu, nhưng tháng sau lại có nhu cầu… Trên thực tế không phải vậy, họ luôn tuyển một lực lượng lao động kế cận” – ông Trường khẳng định.

Theo ông Khổng Sơn Trường, không chỉ Honda mà hàng loạt các DN có vốn đầu tư nước ngoài khác trên địa bàn cũng xảy ra tình trạng tương tự. Tuyển dụng mới với nhu cầu cao, nhưng cho thôi việc hàng năm cũng rất lớn. “Trước thực trạng này, chúng tôi đang triển khai rà soát lại toàn bộ tình hình sử dụng lao động của các DN trên địa bàn tỉnh để có báo cáo và kiến nghị giải pháp lên UBND tỉnh, Bộ LĐTHXH” – ông Trường cho hay.

Cũng theo ông Trường, liên quan tới việc cho lao động thôi việc của Công ty Honda Việt Nam, mới đây Sở LĐTBXH Vĩnh Phúc cũng đã nhận được văn bản của Bộ LĐTBXH đề nghị kiểm tra việc chấp hành pháp luật về lao động của Công ty Honda Việt Nam và hiện Sở LĐTBXH Vĩnh Phúc đang tiến hành kiểm tra để làm rõ vấn đề này.

Chia sẻ câu chuyện các DN FDI “lách luật”, liên tục sa thải hàng loạt lao động trong những năm vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, việc tạo nên “tiền lệ xấu” này có nguyên nhân bắt nguồn từ chính những người Việt Nam làm việc cho các DN này ở các bộ phận kế toán, nhân sự, tư vấn luật… Họ bày ra các trò này là để “trục lợi” cho bản thân, nhưng gây hại cho cộng đồng, xã hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem