Hợp tác quốc phòng ASEAN là điểm sáng trong thách thức của đại dịch

P.V Thứ sáu, ngày 11/12/2020 18:08 PM (GMT+7)
Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và đối tác trao đổi thẳng thắn, cởi mở về các thách thức an ninh mà thế giới và khu vực, đặc biệt là ASEAN đang phải đối mặt; đồng thời, thống nhất về các định hướng hợp tác cho kênh quốc phòng trong sắp thời gian tới.
Bình luận 0

Rút ngắn khoảng cách địa lý

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 7 theo hình thức trực tuyến vừa được tổ chức dưới sự chủ trì của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Hợp tác quốc phòng ASEAN là điểm sáng trong thách thức của đại dịch - Ảnh 1.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch chủ trì hội nghị. I.T

Tham dự buổi lễ tại điểm cầu Hà Nội có Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; đại diện lãnh đạo các đơn vị, cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng; Đại sứ và Tùy viên Quốc phòng, đại diện Đại sứ quán các nước ADMM+ tại Việt Nam. Tại các điểm cầu có Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ Quốc phòng các nước ADMM+ (8 nước Cộng gồm Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ) và Tổng Thư ký ASEAN.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhận định, đại dịch Covid-19 bùng phát đã tác động toàn diện, sâu rộng tới các mặt của đời sống, kinh tế, xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới. Trong khi một số thể chế đa phương trên toàn thế giới đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức, thì hợp tác trong kênh quốc phòng giữa ASEAN và các đối tác vẫn tiếp tục là một điểm sáng.

Kênh quốc phòng đã thể hiện được vai trò tích cực của mình không chỉ trong tham gia phòng chống dịch bệnh của quân đội của mỗi nước, mà còn trong cả hợp tác khu vực. Với tinh thần "Gắn kết và chủ động thích ứng", trên cơ sở các nền tảng kỹ thuật số hiện đại, các nước vẫn duy trì trao đổi và hợp tác thường xuyên, rút ngắn được khoảng cách địa lý và không gian giữa Bộ Quốc phòng và quân đội các nước.

Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, năm 2020 thực sự là một năm đầy thử thách, đại dịch Covid-19 đã kéo theo một loạt những hệ luỵ về chính trị, kinh tế, ngoại giao, thương mại, đầu tư. Trong bối cảnh việc đi lại giữa các quốc gia bị hạn chế, vẫn có nhiều sáng kiến và cách làm mới đã được triển khai nhằm duy trì và thúc đẩy đà hợp tác trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác. Trong ASEAN, các nước đã ra được Tuyên bố của các Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN về hợp tác quốc phòng về phòng, chống dịch bệnh lan truyền vào tháng 2/2020 làm cơ sở để Diễn tập trực tuyến về phòng, chống Covid-19 của lực lượng Quân y ASEAN được triển khai vào tháng 5/2020.

Nhân dịp này, Đại tướng Ngô Xuân Lịch cám ơn một số nước Cộng về việc ủng hộ và cử quan sát viên tham gia diễn tập và tin tưởng rằng trong thời gian tới, những hoạt động tương tự với sự tham gia của các nước Cộng sẽ được triển khai.

Tại Hội nghị ADMM+ lần này, ASEAN và các nước tiếp tục trao đổi thẳng thắn, cởi mở về các thách thức an ninh mà thế giới và khu vực, đặc biệt là ASEAN đang phải đối mặt; đồng thời, thống nhất về các định hướng hợp tác cho kênh quốc phòng trong sắp thời gian tới.

Tuyên bố chung về tâm nhìn chiến lược an ninh

Hợp tác quốc phòng ASEAN là điểm sáng trong thách thức của đại dịch - Ảnh 2.

Đại sứ, Tùy viên Quốc phòng các nước ASEAN tại Việt Nam tham quan triển lãm ảnh bên lề Hội nghị ADMM-14 tại điểm cầu Hà Nội. TTXVN

Tại hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng các nước ADMM+ đã ký Tuyên bố chung của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ADMM+ về Tầm nhìn chiến lược an ninh của ADMM+.

Lễ bàn giao chức Chủ tịch ADMM, ADMM+ cho Brunei Darussalam được thực hiện ngay sau khi kết thúc Chương trình nghị sự ADMM+.

Phát biểu tại Lễ bàn giao, Đại tướng Ngô Xuân Lịch tin tưởng rằng, trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2021, Brunei Darussalam sẽ tiếp tục phát huy tinh thân "hợp tác quốc phòng vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng" trong ADMM và ADMM+; không chỉ Việt Nam mà tất cả các quốc gia thành viên ADMM+ sẽ tích cực ủng hộ Brunei Darussalam trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2021. Trước đó, Đại tướng Ngô Xuân Lịch đã chủ trì Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập ADMM+.

Trong thông điệp gửi tới buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những bước trưởng thành của ADMM+ trong 10 năm qua. ADMM+ thực sự là một cơ chế có tầm vóc vô cùng lớn lao, đã và đang phát huy hiệu quả vai trò là cơ chế tham vấn cấp chính sách và hợp tác thực chất về quốc phòng, an ninh cấp Bộ trưởng Quốc phòng; đồng thời, có những bước chuyển mình, phát triển phù hợp với nhu cầu cũng như tình hình thực tế nhằm ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống đang nổi lên... "Đây là lúc các cơ chế hợp tác đa phương trong khu vực với vai trò trụ cột, dẫn dắt của ASEAN cần được phát huy và ADMM+ chính là một trong những cơ chế đó" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của các cơ chế hợp tác quốc phòng Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) và ADMM+ trong năm 2020 với cách làm mới, bao gồm việc tổ chức các hội nghị bằng hình thức trực tuyến, góp phần duy trì đối thoại, giữ vững đà hợp tác trong ASEAN cũng như giữa ASEAN với các nước đối tác. "Chính phủ Việt Nam khẳng định cam kết hợp tác chặt chẽ, nỗ lực hết sức mình cùng các nước thành viên hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, xây dựng Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Trong chương trình buổi lễ, Tổng Thư ký ASEAN, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản đã phát biểu trực tuyến chúc mừng kỷ niệm 10 năm thành lập ADMM+.

Tuyên bố chung của ADMM+ khẳng định cơ chế hợp tác quốc phòng và an ninh nhằm xây dựng lòng tin, sự tin cậy và để các nước đối tác đóng góp cho vai trò trung tâm của ASEAN, cũng như xây dựng năng lực ứng phó với các mối đe dọa về an ninh chung trong khu vực.

Trong tuyên bố chung, các bộ trưởng ADMM+ tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, cũng như sự cần thiết phải tăng cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau, thực hiện tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động, tránh các hành động làm phức tạp thêm tình hình và theo đuổi các biện pháp giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, không cưỡng ép, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982;

Các bộ trưởng nhất trí tiếp tục thúc đẩy đối thoại chiến lược và tăng cường hợp tác thực chất về các vấn đề quốc phòng và an ninh khu vực giữa các quốc gia thành viên ASEAN và các nước Cộng thông qua việc thực hiện các Kế hoạch hoạt động ba năm của Hội nghị ADMM và Kế hoạch hoạt động của các Nhóm chuyên gia ADMM+;

ADM+ sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng để ứng phó với các thách thức an ninh thông qua bảy Nhóm chuyên gia ADMM+, đồng thời duy trì các nguyên tắc về vai trò trung tâm của ASEAN, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, ra quyết định dựa trên đồng thuận, tham gia trên cơ sở linh hoạt, tự nguyện và không ràng buộc, trong đó các tài sản vẫn thuộc quyền chỉ huy và kiểm soát của quốc gia;

Các bộ trưởng ghi nhận tầm quan trọng của việc ADMM+ phải triển khai các biện pháp xây dựng lòng tin thiết thực, thông qua việc thực hành Bộ quy tắc tránh va chạm bất ngờ trên biển, thực hiện Công ước về các quy định quốc tế phòng ngừa đâm va trên biển năm 1972 nhằm đảm bảo môi trường hòa bình thuận lợi cho sự phát triển và thịnh vượng bền vững ở khu vực…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem