Hợp tác quốc tế, nâng cao năng lực cho cán bộ, hội viên

Nguyễn Quỳnh Thứ sáu, ngày 24/05/2019 07:00 AM (GMT+7)
Sáng 23/5 tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo chia sẻ kết quả phối hợp giữa T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) và Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế (IFAD). Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN Thào Xuân Sùng chủ trì hội thảo.
Bình luận 0

Hội thảo có sự tham gia của trên 100 đại biểu là lãnh đạo T.Ư Hội NDVN, đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị T.Ư Hội  NDVN; đại diện các bộ, ngành; đại diện Văn phòng IFAD tại Việt Nam. Đại diện Hội ND 11 tỉnh, thành phố cùng đại diện Ban Điều phối cấp tỉnh của các dự án thuộc Chương trình IFAD quốc gia; đại diện các tổ hợp tác, hợp tác xã...

img

Đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: N.Q

Hiệu quả phối hợp giai đoạn 2015 - 2019

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN Thào Xuân Sùng cho biết: Chương trình quốc gia của IFAD tại Việt Nam được xây dựng gắn với Kế hoạch phát triển kinh tế hã hội của Chính phủ. Năm 2012, Chính phủ Việt Nam và IFAD đã ký Chương trình hợp tác chiến lược quốc gia Việt Nam – IFAD giai đoạn 2012 - 2017, gia hạn đến năm 2020.

Theo đó, trong những năm qua, việc phối hợp giữa Hội NDVN và Chương trình IFAD quốc gia được thực hiện chặt chẽ. Hai bên đã hợp tác tổ chức nhiều hoạt động quan trọng như ký kết “Thỏa thuận hợp tác giữa Hội NDVN và Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế (IFAD) giai đoạn 2016 – 2020”; hội thảo “Góp ý hoàn thiện dự thảo nghị định về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác”, hội thảo “Giải pháp cho nông dân khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương”; hội thảo “Mô hình nông dân dạy nông dân: Bài học từ thực tiễn”...

Tại địa phương, Hội ND 11 tỉnh trong vùng dự án đã ký các Chương trình phối hợp với Ban Điều phối IFAD tỉnh về việc chủ trì thực hiện một số phần của dự án như: Xây dựng phát triển các HTX, chuỗi giá trị, xây dựng mô hình nông dân dạy nông dân, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tìm kiếm thị trường đầu ra cho các tổ hợp tác, HTX, tổ chức cho nông dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các mô hình thành công trong và ngoài tỉnh...

Báo cáo kết quả phối hợp giữa Hội NDVN và Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế (IFAD) giai đoạn 2015 – 2019, ông Mai Bắc Mỹ-Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Hợp tác Quốc tế  T.Ư Hội NDVN cho biết: Trong giai đoạn 2015 - 2019, IFAD đã phối hợp với Hội ND 11 tỉnh tổ chức các lớp đào tạo tiểu giáo viên (TOT) về lập kế hoạch kinh doanh, phát triển tổ nhóm nông dân cho cán bộ, hội viên, nông dân; các lớp tập huấn về tiếp cận thị trường, phát triển chuỗi giá trị cho hội viên; hỗ trợ thành lập hàng nghìn nhóm nông dân đồng sở thích, tổ hợp tác, hàng trăm mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Ngoài ra, một số Hội ND tỉnh đã xây dựng được mô hình điểm để nhân rộng như: Mô hình trình diễn theo chuỗi giá trị trồng cây dược liệu tại tỉnh Hà Tĩnh, mô hình nông dân dạy nông dân tại tỉnh Bắc Kạn, các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu như mô hình nuôi lươn, bò sinh sản, tưới nước tiết kiệm, nuôi trăn tại tỉnh Trà Vinh.

img

Toàn cảnh hội thảo chia sẻ kết quả phối hợp giữa T.Ư Hội NDVN và Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế (IFAD) sáng 23.5.  Ảnh:  Nguyễn Quỳnh

Nông dân dạy nông dân

 Ông Lưu Văn Quảng - Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Kạn chia sẻ kinh nghiệm mô hình nông dân dạy nông dân mà tỉnh này đã và đang áp dụng. Cụ thể, Hội ND tỉnh đã lựa chọn những nông dân giỏi, nông dân có kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi có kỹ năng thực hành tốt, hướng dẫn các nhóm hộ bằng hình thức “cầm tay chỉ việc”, tập huấn trực tiếp tại hiện trường.

Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế (IFAD) chính thức hỗ trợ Việt Nam thông qua các khoản vay vốn ưu đãi kể từ năm 1994. Sau 25 năm thực hiện, tính đến tháng 11/2018, IFAD đã tài trợ các dự án trong lĩnh vực phát triển nông thôn, giảm nghèo bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu ở 11 tỉnh còn nhiều khó khăn và bị tác động bởi thiên tai, bão lụt tại Việt Nam, bao gồm Cao Bằng, Bắc Kạn, Bến Tre, Đăk Nông, Hà Tĩnh, Hà Giang, Gia Lai, Ninh Thuận, Quảng Bình, Tuyên Quang, Trà Vinh...

Mô hình đã phát huy hiệu quả khi sau 3 năm, 66 giảng viên nông dân đã ký được 189 hợp đồng, với 404 lớp, tập huấn cho 7.610 người tham gia. Sau khi được đào tạo nghiệp vụ sư phạm có 12 giảng viên nông dân được cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm và có 2 giảng viên nông dân ký được hợp đồng truyền thông cho dự án REDD+

Ông Bùi Nhân Sâm-Chủ tịch Hội ND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Trong giai đoạn 2014 - 2017 Hội ND tỉnh này chú trọng các hoạt động đào tạo nghề và nâng cao năng lực cho cán bộ, hội viên nông dân; tập huấn nâng cao năng lực; hỗ trợ phát triển nhóm sở thích... thu được những kết đáng ghi nhận.

Các đại biểu đã tích cực đề ra phương hướng hợp tác trong tương lai và đề xuất khuyến nghị làm cơ sở xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Chương trình Hợp tác trung hạn giữa Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế và các Tổ chức nông dân khu vực châu Á và Thái Bình Dương giai đoạn tiếp theo.

Trước những kiến nghị, đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Hội ND các tỉnh và dự án IFAD, Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN Thào Xuân Sùng đề nghị Ban Hợp tác quốc tế  T.Ư Hội NDVN và các phòng ban có liên quanlưu ý, đưa ra các kế hoạch, giải pháp cụ thể trong thời gian tới, trong đó tập trung phát huy những kinh nghiệm hay, mô hình đã chứng minh được tính hiệu quả, phù hợp trong thực tiễn hợp tác giữa Hội NDVN và tổ chức IFAD…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem