Hợp tác xã ở Hà Tĩnh thuê chuyên gia Israel dạy cách trồng dưa lưới
Thuê chuyên gia Israel về “cầm tay chỉ việc”
Nhiều người biết đến HTX Nga Hải bởi đây là đơn vị tiên phong trồng dưa lưới công nghệ cao ở Hà Tĩnh.
“Sau khi tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất dưa lưới theo công nghệ Israel ở Thái Lan, tôi ấp ủ xây dựng mô hình trên quê hương mình. Để hiện thực hóa ước mơ, HTX đã đi “nước cờ chiến lược” khi thuê chuyên gia nông nghiệp người Israel trực tiếp về “cầm tay chỉ việc” ròng rã trong 3 tháng với mức lương 2.000 USD/tháng để làm chủ hoàn toàn về công nghệ”, ông Lê Văn Bình - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nga Hải cho biết.
Thành công ngoài mong đợi ở lứa dưa lưới đầu tiên vào năm 2018, HTX quyết định mở rộng quy mô sản xuất những lứa tiếp theo. Đến thời điểm này, HTX đã chi trên 2 tỷ đồng đầu tư 4 nhà màng khép kín với tổng diện tích 5.000 m2.
Với quy trình tự động hóa, dưa lưới được chăm sóc theo chế độ dinh dưỡng đặc thù. Chỉ cần thao tác trên thiết bị, cứ đến giờ là máy sẽ tự động chăm sóc dưa.
Được biết, mỗi năm, HTX Nga Hải trồng 3 lứa, sản lượng đạt từ 10-12 tấn/lứa. So với trồng lúa, dưa lưới cho giá trị kinh tế cao gấp 20 lần. Trừ chi phí đầu tư, HTX thu lãi khoảng 480 triệu đồng/năm.
Đặc biệt, mô hình dưa lưới công nghệ cao của HTX Nga Hải đã trở thành nơi tham quan, học tập của nhiều HTX, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Giám đốc HTX Nga Hải đã trực tiếp lên lớp chuyển giao kỹ thuật cho nhiều địa phương ở Hà Tĩnh và tạo nên phong trào trồng dưa lưới trong nhà màng hiệu quả như hôm nay.
Đa dạng ngành nghề theo quy trình tự động hóa
Bên cạnh trồng dưa lưới, HTX còn liên kết với Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam nuôi lợn và gà thương phẩm với tổng mức đầu tư trên 8 tỷ đồng. Với hệ thống chuồng nuôi được thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu, HTX đang liên kết với doanh nghiệp nuôi 2.400 con lợn thương phẩm/lứa.
Ngoài ra, HTX cũng đang sở hữu mô hình chăn nuôi gà liên kết lớn nhất tại Hà Tĩnh. Thành công ở lứa gà đầu tiên, HTX đang nuôi lứa thứ 2 với quy mô 2 vạn con/lứa và dự kiến sẽ nâng quy mô lên 5 vạn con/lứa.
Ông Lê Văn Bình - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nga Hải chia sẻ: “Đa dạng hóa ngành nghề theo hướng sản xuất hàng hóa là “chiến lược” mà chúng tôi đã kiên trì lựa chọn. Sau nhiều thử thách, HTX đã làm chủ công nghệ và luôn có sự điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn. Sản xuất quy mô lớn, mọi quy trình đều được tự động hóa trên dây chuyền tiên tiến, hiện đại. Chúng tôi theo dõi mọi hoạt động của vật nuôi qua camera, khỏe và hiệu quả hơn trước rất nhiều. Ngoài thuê kỹ sư, thu hút nhân tài về làm việc, lãnh đạo HTX đều là thạc sỹ, kỹ sư nông nghiệp nên dễ dàng xử lý các sự cố xảy ra”.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng - Chủ tịch Liên minh HTX Hà Tĩnh phấn khởi: “HTX Nga Hải là minh chứng sinh động cho mô hình HTX kiểu mới. Ngoài vốn, hạ tầng hiện đại, công nghệ tiên tiến, HTX còn có đội ngũ nhân lực chất lượng cao với phong cách làm việc chuyên nghiệp nên đã thành công ở nhiều mảng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Không chỉ mang về nguồn thu lớn (hơn 10 tỷ đồng/năm), HTX còn giải quyết việc làm cho trên 30 lao động thường xuyên và thời vụ với mức lương từ 6 - 8 triệu đồng/người/ tháng, trong đó, nhiều lao động được HTX đóng nộp bảo hiểm xã hội”.