HSBC lại bị cáo buộc rửa tiền

Thứ bảy, ngày 22/06/2013 06:13 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngân hàng toàn cầu có trụ sở ở Anh - HSBC - một lần nữa bị cáo buộc rửa tiền và trốn thuế, lần này ở Argentina, với cáo buộc cho khách hàng che giấu hơn 100 triệu USD.
Bình luận 0

Chính phủ Argentina đang tiến hành một cuộc điều tra hình sự đối với HSBC sau khi cáo buộc ngân hàng này đã tạo ra một chương trình phi pháp để giúp khách hàng che giấu hàng triệu USD. Ricardo Echegaray, Giám đốc Cơ quan Lợi nhuận công (APR) của Argentina, cáo buộc ngân hàng đã “tạo ra một nền tảng có thể gian lận” kể từ tháng 2. Ông Echegaray nói: “Chương trình đó liên quan đến nỗ lực che giấu tài khoản ngân hàng khỏi các nhà thu thuế và các hoạt động tội phạm”.

img
Ông Ricardo Echegaray

Ông Echegaray nêu tên 3 công ty cấu kết với HSBC để rửa tiền, gồm Mas Distribuidora SA, Recaudaciones y Servicios del Sur SRL và Red de Multiservicios S. “Họ trốn thuế và rửa tiền thông qua việc mua bán hóa đơn giả sau đó dùng để bảo đảm cho các tài khoản tiền gửi”, ông Echegaray nói. Ông thêm rằng HSBC Argentina đã không bao giờ báo cáo với cơ quan thuế về vấn đề này. 3 công ty nói trên bị cáo buộc rửa tiền 76 triệu USD và né thuế 44 triệu USD.

Người phát ngôn của HSBC ở Mỹ La-tinh cho biết ngân hàng sẽ hợp tác điều tra với nhà chức trách. Trước đó, ngân hàng này phải nộp phạt tới 1,2 tỷ bảng vì các cáo buộc rửa tiền ở Mỹ và Mexico, tạo kênh giao dịch cho các tổ chức buôn ma túy.

Sống sót bằng tiền ma túy

Không chỉ HSBC, mà thời gian qua nhiều ngân hàng toàn cầu lớn đã bị cáo buộc giúp khách hàng rửa tiền, trốn thuế, và thậm chí sống sót nhờ tiền của các tay buôn ma túy. Trong cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu, những giao dịch tiền ma túy chính là nguồn thanh khoản duy nhất giúp một số ngân hàng sống sót, theo Antonio Maria Costa - cựu Giám đốc Cơ quan Chống ma túy và tội phạm Liên Hiệp Quốc (UNODC). Phát biểu từ văn phòng ở Vienna, Costa nói những bằng chứng về tiền bẩn được hấp thụ vào hệ thống tài chính đã làm ông chú ý lần đầu tiên bởi các cơ quan tình báo và tòa án năm vào cuối năm 2008.

“Trong nhiều trường hợp, tiền ma túy là vốn đầu tư thanh khoản duy nhất. Trong nửa cuối năm 2008, mất thanh khoản là vấn đề chính của hệ thống ngân hàng và vì vậy việc có được nguồn vốn giàu thanh khoản mang tính sống còn”, Costa nói. Ông tin rằng phần lớn của khoản lợi nhuận 352 tỷ USD từ ma túy đã hòa nhập vào nền kinh tế thông qua con đường này.

Costa cho biết có một số bằng chứng UNODC thu thập được cho thấy tiền của các băng đảng tội phạm đã được dùng để cứu các ngân hàng khỏi sụp đổ khi hoạt động vay mượn bị cạn kiệt: “Các khoản vay liên ngân hàng được lấy từ tiền có nguồn gốc mua bán ma túy và các hoạt động phi pháp khắc. Có những dấu hiệu cho thấy một số ngân hàng đã được cứu bằng cách đó”.

Costa thêm rằng dòng tiền trên nay đã là một phần của hệ thống chính thức và đã “được rửa hoàn hảo”. UNODC ước tính hoạt động mua bán ma túy của các băng nhóm tội phạm mang về khoảng 325 tỷ USD/năm. Costa tin rằng bọn tội phạm đã cố tìm cách đưa tiền bẩn vào hệ thống tài chính thông qua các nhà ngân hàng ở Anh, Thụy Sỹ và Mỹ.

Tiếp tay khủng bố

Từ sau vụ khủng bố ngày 11.9.2001, Chính phủ Mỹ phát động cuộc chiến tránh chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu. Là nước phát động, những tưởng các ngân hàng ở Phố Wall sẽ đi tiên phong trong công cuộc chống lại dòng tiền khủng bố. Tuy nhiên, mới đây nhất, ngày 7-8 (giờ Việt Nam) các nhà chức trách New York đã cáo buộc ngân hàng Standard Chartered Bank (SCB) che giấu 250 tỷ USD giao dịch với các đối tác bị nghi ngờ có liên quan đến khủng bố và những hoạt động tội phạm khác trong gần 10 năm qua. Các nhà chức trách nói SCB có những giao dịch trá hình với Iran, nước đã bị Nhà Trắng cấm vận và đưa vào danh sách tài trợ khủng bố.

Sở Dịch vụ tài chính New York (NYFS) đe dọa rút giấy phép hoạt động của ngân hàng này tại New York. Standard Chartered được lệnh phải đến sở vào ngày 15-8 để “giải trình sự vi phạm luật pháp”. “Trong gần 10 năm, SCB có những giao dịch làm ăn với Chính phủ Iran và che giấu khoảng 60.000 giao dịch bí mật, liên quan ít nhất 250 tỷ USD”, thông cáo của NYFS viết. Các giao dịch chủ yếu nhằm cung cấp dịch vụ chuyển USD cho các ngân hàng lớn thuộc sở hữu nhà nước Iran, bao gồm cả Ngân hàng Trung ương Iran, vốn là những ngân hàng bị Mỹ cấm vận do lo ngại tài trợ cho chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Tehran.

Các nhà chức trách nói SCB đã không hề báo cáo về các giao dịch này và đã thực hiện chúng để kiếm hàng trăm triệu USD lợi nhuận “bất chấp mọi giá”. Các giao dịch đã khiến hệ thống tài chính của Mỹ “dễ tổn thương trước các tổ chức khủng bố, các tay buôn vũ khí và ma túy, các chính phủ tham nhũng” - NYFS viết. Cơ quan này còn cho biết đã phát hiện những bằng chứng về các giao dịch phi pháp với Libya, Myanmar và Sudan khi những nước này vẫn còn bị Mỹ cấm vận.

Cuối tháng 7, một báo cáo của Thượng viện Mỹ cũng cáo buộc một ngân hàng khác ở Phố Wall có trụ sở tại London là HSBC đã cho hơn 16 tỷ USD từ Iran và các tay trùm ma túy Mexico giao dịch vào hệ thống tài chính Mỹ trong giai đoạn từ năm 2001-2007.

Tuần trước, HSBC trích ra 700 triệu USD để chờ nộp phạt liên quan đến các giao dịch này, đồng thời cảnh báo chi phí có thể cao hơn. Hồi tháng 6, ING Bank bị phạt 619 triệu USD vì liên quan trong việc chuyển 1,6 tỷ USD thông qua hệ thống tài chính Mỹ cho các nước Iran, Myanmar, Sudan và Libya (những nước bị Mỹ cấm vận trong thời gian diễn ra các giao dịch).

Theo Thế giới & Hội nhập

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem