Huawei củng cố chỗ đứng ở Châu Phi trước áp lực gia tăng từ Mỹ

10/06/2019 08:12 GMT+7
Giữa lúc Mỹ cố gắng gây áp lực lên các đồng minh Phương Tây tẩy chay Huawei vì quan ngại đe dọa an ninh quốc gia, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc lại tìm cách củng cố vị thế của mình ở Châu Phi.

Huawei từng đóng vai trò như kẻ tiên phong trong lĩnh vực phát triển mạng viễn thông 5G trên toàn thế giới. Nhưng việc Washington đưa Huawei vào danh sách đen cùng lệnh hạn chế thương mại với hơn 20 cáo buộc liên quan đã khiến đế chế công nghệ này đối diện với nguy cơ bị cắt hoàn toàn chuỗi cung ứng.

Huawei kịch liệt phản đối loạt cáo buộc gián điệp và đi ngược lại lợi ích an ninh quốc gia, thì Mỹ vẫn kêu gọi hầu hết các đồng minh tránh xa công nghệ này. Nhà Trắng thậm chí đe dọa sẽ ngừng chia sẻ dữ liệu tình báo với Anh một khi Anh không “hất cẳng” Huawei khỏi dự án phát triển 5G. Các quốc gia phương Tây hiện đang rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” do sức ép từ hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Huawei hiện đang cáo buộc ngược lại Mỹ có động cơ khác phía sau lệnh hạn chế thương mại và tìm đến các thị trường đồng minh khác để củng cố chỗ đứng. Hồi tháng 6, hãng viễn thông Nga MTS đã ký thỏa thuận cùng hợp tác với Huawei phát triển mạng 5G tại Nga, như minh chứng cho mối quan hệ ngày càng thân thiết giữa Bắc Kinh và Moscow. Mới đây, có vẻ như các quốc gia Châu Phi cũng đang bị kéo vào cuộc chiến tranh thương mại.

Cụ thể, Huawei vừa ký kết một thỏa thuận tăng cường hợp tác với Liên minh Châu Phi AU hồi tuần trước, trong một nỗ lực khẳng định vị thế tại thị trường này. Đây còn là dấu hiệu cho thấy Huawei không hề thỏa hiệp trước những áp lực hạn chế thương mại từ phía Mỹ, và họ có thể hoạt động bình thường ngay cả khi bị cắt chuỗi cung ứng linh kiện cũng như chuyển giao công nghệ.

Thỏa thuận này được ký kết bất chấp cáo buộc Huawei theo dõi trụ sở AU tại Ethiopia đăng trên tờ Le Monde của Pháp năm 2018. Tờ báo này khi đó chỉ rõ hoạt động gián điệp của Huawei bắt đầu năm 2012, khi các kỹ thuật viên phát hiện ra dữ liệu trên các máy chủ của trụ sở AU được gửi thẳng đến Thượng Hải. Sau đó, cả Huawei và EU đều lên tiếng phủ nhận cáo buộc này.

Huawei củng cố chỗ đứng tại thị trường Châu Phi giữa áp lực ngày càng tăng từ Mỹ

Kể từ khi Huawei lần đầu đặt chân đến thị trường Châu Phi năm 1998 cho đến nay, đế chế này đã mở rộng hoạt động tại hơn 40 quốc gia Châu Phi và cung cấp mạng 4G cho hơn 1 nửa lục địa này. Trong dự án phủ sóng 5G Châu Phi, Huawei chắc chắn sẽ đóng vai trò quân át chủ bài. Trước mắt, Huawei sẽ thử nghiệm giới thiệu mạng di động 5G tại Cúp Bóng đá Châu Phi tổ chức tại Ai Cập từ ngày 21.6 đến 19.7. Mạng 5G dự kiến sẽ truyền tải dữ liệu với tốc độ cực lớn, mang đến một “cuộc cách mạng” công nghệ viễn thông.

“Sự hiện diện của Huawei tại Châu Phi không chỉ dừng lại ở phân phối smartphone hay xây dựng mạng di động” - ông Aly-Khan Satchu, nhà phân tích kinh tế tại Nairobi, Kenya nhận định. Chính phủ Kenya hồi tháng 4.2019 đã ký với Huawei một dự án xây dựng trung tâm dữ liệu thông minh tại thủ đô trị giá khoảng 172 triệu USD. Huawei đồng thời cung cấp một chương trình giám sát an ninh tại Nairobi nhằm phát hiện kịp thời những âm mưu khủng bố hay tội ác nhắm vào dân thường, khách du lịch và mọi tầng lớp xã hội đang sinh sống, làm việc, lưu trú tại đây.

Huawei đóng vai trò lớn trong dự án "thủ đô an toàn" của Kenya

Tại Mauritius, hơn 4.000 camera giám sát thông minh cũng được thiết lập tại 2.000 địa điểm trên khắp quốc đảo Đông Phi. Chính phủ nước này cho hay hệ thống giám sát video của Huawei đã hỗ trợ cảnh sát rất nhiều trong việc truy tìm, phát hiện tội phạm.

Mối quan hệ gần gũi với Huawei nhiều khả năng sẽ kéo Châu Phi vào chiến tranh thương mại, khi mà chính quyền ông Trump đang nỗ lực triệt hạ đế chế công nghệ viễn thông khổng lồ này.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục