Huế: Dân đổ xô lên vùng đồi núi hái thứ cây bổ dưỡng mọc lên sau mưa, đút túi tiền triệu mỗi ngày

Văn Hòa Thứ hai, ngày 13/09/2021 13:09 PM (GMT+7)
Vào thời gian này, sau những cơn mưa nặng hạt là lúc rất nhiều người dân ở Thừa Thiên Huế đi vào vùng đồi núi hái nấm tràm. Công việc hái nấm tràm cũng như buôn bán nấm tràm giúp nhiều người dân ở tỉnh kiếm tiền triệu mỗi ngày.
Bình luận 0

Những ngày này ở TP. Huế người ta bày bán nấm tràm tại rất nhiều tuyến đường lớn. Nguồn nấm tràm này được người dân vùng núi hái về rồi đưa xuống thành phố bán, hoặc nấm do các tiểu thương đi thu mua rồi bán lại kiếm lời.

TT-Huế: Dân đổ xô lên vùng đồi núi hái loài cây bổ dưỡng đem bán, đút túi tiền triệu mỗi ngày  - Ảnh 1.

Những người trong nhóm anh Trịnh Văn Phúc đi tìm vùng có nhiều nấm tràm- Ảnh: Văn Hòa.

Anh Trịnh Văn Phúc (33 tuổi, trú xã Bình Tiến, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế) là người có thâm niên hái nấm tràm. 

Tôi xin theo chân nhóm của anh Phúc di chuyển đến cánh rừng thuộc xã Bình Điền, nơi nổi tiếng có rất nhiều loại đặc sản bổ dưỡng này.

Di chuyển khoảng 30 phút đường rừng, qua 3 con dốc, chúng tôi đến ngọn đồi được người dân gọi là đồi "Không Tên". Cạnh ngọn đồi này có con dốc gọi là dốc "Âm Phủ", các địa điểm này đều có rất nhiều nấm tràm.

Sau khi dừng xe phân chia sọt, làn…là các dụng cụ dùng để đựng nấm, chúng tôi nhanh chóng tiến hành hái nấm. Vừa chứng kiến những vạt nấm dày đặc dưới những tán là tràm khô, chị Trang, một thành viên trong nhóm chúng tôi hét lên mững rỡ: "Trời ơi! Nấm nhiều quá, chưa bao giờ thấy nấm mọc nhiều như thế này".

Anh Phúc vừa thoăn thoắt hái nấm vừa kể: "Nguồn gốc của nấm tràm là do nhựa của cây tràm chảy ra, tụ lại dưới lớp lá tràm khô. Những ngày nắng gắt, lớp nhựa cây tràm chảy ra nhiều, đến khoảng cuối tháng 8, khi mưa xuống thì nấm mọc lên".

TT-Huế: Dân đổ xô lên vùng đồi núi hái loài cây bổ dưỡng đem bán, đút túi tiền triệu mỗi ngày  - Ảnh 2.

Những người hái nấm tràm thu tiền triệu mỗi ngày từ việc hái nấm. Ảnh: Văn Hòa.

Anh Toàn (32 tuổi, trú xã Hồng Hạ, huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế) đi cùng đoàn chúng tôi cũng là người có kinh nghiệm hái nấm tràm lâu năm. 

Anh Toàn cho biết, vào mùa này hầu như rừng tràm nào ở Thừa Thiên Huế cũng có nấm tràm mọc, nhưng nấm mọc nhiều hay ít thì vào thổ nhưỡng từng nơi.

"Những người hái nấm lâu năm sẽ biết khu vực nào có nhiều nấm mọc để đến hái. Những nơi cây tràm phát triển tốt, lá cây rụng nhiều, đất đai ẩm ướt thường sẽ mọc nhiều nấm hơn...".

Theo anh Toàn, càng đi vào rừng sâu nấm càng non và nhiều, nhưng hầu như chỉ có người bản địa mới hay vào sâu trong rừng hái nấm vì đường rừng rất khó đi và dễ bị lạc...

Sau gần 1 giờ đồng hồ, những người trong nhóm hái được hơn 40 kg nấm tràm. Nghỉ ngơi một lúc, mọi người leo dốc Âm Phủ và di chuyển sang ngọn núi Xa Na kế bên để tiếp tục hái nấm tại những nơi này.

Theo những người hái nấm lâu năm, nấm tràm mọc chỉ trong khoảng 1 tuần sẽ tàn và mỗi mùa nấm chỉ kéo dài khoảng từ 20 ngày đến 1 tháng. Loại nấm tràm ngon là nấm mới mọc được khoảng một ngày, búp nấm chưa nở lớn, dưới búp có màu trắng sữa và không ngả màu nâu.

TT-Huế: Dân đổ xô lên vùng đồi núi hái loài cây bổ dưỡng đem bán, đút túi tiền triệu mỗi ngày  - Ảnh 3.

Thành quả sau khoảng 1 giờ đồng hồ hái nấm của chị Mai Thị Hà. Ảnh: Văn Hòa.

Nấm tràm loại này ăn dai, giòn và được nhiều người ưa chuộng. Tùy thời điểm, loại nấm ngon này có giá bán từ 40-60.000 đồng/kg. Loại nấm nở già hơn thì có giá từ 20 -30.000 đồng/kg.

Anh Huỳnh Viết Lân (48 tuổi, trú phường Kim Long, TP.Huế) chia sẻ: "Tôi làm nghề thợ nề, nhưng thời gian này vào mùa nấm tràm nên tôi tạm nghỉ làm thợ nề để lên núi đi hái nấm. Mỗi ngày tôi đi từ 2- 4 chuyến, có ngày kiếm được hơn triệu đồng từ hái nấm".

TT-Huế: Dân đổ xô lên vùng đồi núi hái loài cây bổ dưỡng đem bán, đút túi tiền triệu mỗi ngày  - Ảnh 4.

Một người thu mua sỉ nấm tràm để bán lại . Ảnh: Văn Hòa.

Vào mùa này, hầu như nhà gia đình nào ở vùng đồi núi tại Thừa Thiên Huế cũng có người lên rừng hái nấm tràm. 

Với những người sành về hái nấm, việc hái được cả tạ nấm mỗi ngày không phải là việc khó. Cho nên có rất nhiều người mỗi vụ nấm họ thu được cả chục triệu đồng.

Bên cạnh những người đi hái nấm để kiếm thu nhập thì không ít người lặn lội từ xa đến vùng đồi núi hái nấm để trải nghiệm. 

Chị Mai Thị Hà (44 tuổi, trú xã Phong Bình, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) kể: "Tôi làm nghề buôn bán trái cây ở chợ. Những năm trước tôi thường mua sỉ số lượng lớn nấm tràm rồi bảo quản bằng tủ lạnh để ăn dần. Năm nay thấy nhiều người đi hái nấm nên tôi cũng xin theo để vừa có nấm mang về ăn vừa trải nghiệm thực tế việc hái nấm".

Sau khoảng 1 giờ đồng hồ, chị Hà hái được hơn 5 kg nấm, đủ để chế biến những món ăn ngon cho gia đình. Chị Hà cho biết, nấm tràm là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, béo và có vị đắng đặc trưng. Nấm tràm có thể chế biến thành nhiều món ăn như nấu súp, nấu canh, xào…

TT-Huế: Dân đổ xô lên vùng đồi núi hái loài cây bổ dưỡng đem bán, đút túi tiền triệu mỗi ngày  - Ảnh 5.

Hoạt động mua bán nấm tràm tấp nập trước đàn Nam Giao, TP.Huế. Ảnh: Văn Hòa.

Trong số nhiều điểm buôn bán nấm tràm ở TP.Huế, đoạn đường trước đàn Nam Giao (TP.Huế) là nơi tấp nập nhất. Từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối hàng ngày tại đây lúc nào cũng có nhiều người mua, bán nấm. Nấm được bán đủ loại, giá giao động từ 15-50.000 đồng/kg.

Chị Trần Thị Mỹ Duyên, tiểu thương thu mua và bán lại nấm tràm trước Đàn Nam Giao cho hay: "Mỗi ngày tôi thu mua từ 3-4 chuyến, khoảng từ 1-2 tạ nấm tràm. Kinh doanh nấm mùa này mỗi ngày kiếm tiền triệu và không bao giờ sợ ế hàng". 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem