Hướng dẫn viên "khó có cơ hội" chạm vào gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng bởi lý do này

Hoàng Bình Phương (thực hiện) Thứ tư, ngày 28/07/2021 16:26 PM (GMT+7)
Trước thông tin, Chính phủ hỗ trợ ngành du lịch gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng khiến nhiều hướng dẫn viên du lịch vui mừng. Tuy nhiên niềm vui chẳng tày gang bởi với những điều kiện được đưa ra khiến nhiều người khó có cơ hội "chạm" tay vào được gói hỗ trợ.
Bình luận 0

Tổng cục Du lịch ( Bộ VHTTDL) vừa có hướng dẫn cụ thể cho các hướng dẫn viên các thủ thủ hồ sơ để có thể nhận gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Ngay khi có hướng dẫn, nhiều người hoạt động trong lĩnh vực du lịch tỏ ra vui mừng, nhưng cũng có không ít hướng dẫn viên băn khoăn về các điều kiện có thể khiến họ khó "chạm" tay vào được gói hỗ trợ. Trước vấn đề này, Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Dũng - Phó Chủ tịch thường trực Hội hướng dẫn viên du lịch Việt Nam.

Hướng dẫn viên "khó có cơ hội" chạm vào gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

ông Bùi Văn Dũng - Phó Chủ tịch thường trực Hội hướng dẫn viên du lịch Việt Nam chia sẻ với báo chí. (Ảnh: Vietnam Journey)

Hiện nay, trên các diễn đàn của hướng dẫn viên du lịch, rất nhiều ý kiến cho rằng, các điều kiện để hướng dẫn viên du lịch có thể nhận được gói hỗ trợ theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đang "làm khó" hướng dẫn viên, như vậy phải có hợp đồng với các công ty du lịch trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến thời điểm nhận hồ sơ, trong khi phần lớn các công du lịch hiện nay đã đóng cửa, tạm dừng hoạt động, ông suy nghĩ gì về vấn đề này?

- Hiện nay cả nước có hơn 28.000 hướng dẫn viên có thẻ hành nghề, trong đó có đến 90% hướng dẫn dẫn viên hoạt động tự do. Phần lớn họ được các đơn vị du lịch thuê ngắn hạn hoặc làm theo thời vụ nhưng tất cả công việc này đều có hợp đồng giữa công ty du lịch và người lao động. 

Chị Lê Thị Lan, hướng dẫn viên có thẻ hành nghề cho biết, nhiều đơn vị không ký hợp đồng dài hạn với các hướng dẫn viên, mà chỉ ký ngắn hạn 3 tháng hoặc theo mùa vụ. Hơn nữa, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, đến nay, có đến 90% công ty du lịch đóng cửa, tạm dừng hoạt động, nên phần lớn các hướng dẫn viên bị dừng hợp đồng.

Anh Nguyễn Khắc Tiếp, một hướng dẫn viên lâu năm chuyên mảng quốc tế cho biết, vì đặc thù hoạt động tự do, đi lại nhiều, trong đó có nhiều hướng dẫn viên quốc tế hay công tác nước ngoài nên nhiều hướng dẫn viên không tham gia vào Hiệp hội hướng dẫn viên du lịch Việt Nam hay các tổ chức xã hội – nghề nghiệp khác về du lịch. Bởi thế, với yêu cầu trong Quyết định số 23 có thể sẽ khiến cho một số lượng lớn hướng dẫn viên không chạm tay được gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng của Chính phủ.

Việc các hướng dẫn viên kêu là khó có hợp đồng lao động là chưa hoàn toàn chính xác, bởi ngay khi làm việc với công ty họ phải có trách nhiệm giữ một bản, chứ không chỉ phụ thuộc vào công ty. Hiện nay, nhiều công ty đã đóng cửa dừng hoạt động nên gần như không có bộ phận hỗ trợ cho hướng dẫn viên sao lục hợp đồng. Việc này cũng cho thấy sự tắc trách của chính các hướng dẫn viên khi không bảo lưu, giữ hợp đồng của mình khiến hợp đồng bị thất lạc hoặc mất.

Việc yêu cầu các hướng dẫn viên là hội viên của một tổ chức xã hội, nghề nghiệp cũng đang được cho là "làm khó" các hướng dẫn viên vì đa số các hướng dẫn viên hoạt động tự do, ông nhìn nhận thế nào về ý kiến này?

- Trong Luật Du lịch 2017 đã có quy định rất rõ điều kiện hành nghề của hướng dẫn viên du lịch, phải có thẻ hướng dẫn viên; có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch. 

Trong trường hợp không có hợp đồng với doanh nghiệp lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn, hướng dẫn viên phải là hội viên của tổ chức xã hội – nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch. Hướng dẫn viên có quyền lựa chọn là thành viên của doanh nghiệp hoặc là thành viên của tổ chức xã hội nghề nghiệp. Hướng dẫn viên là nhân viên của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành cũng có quyền lựa chọn tham gia tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch.

Hướng dẫn viên "khó có cơ hội" chạm vào gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng - Ảnh 3.

Hướng dẫn viên dẫn khách du lịch tại bảo tàng Côn Đảo. (Ảnh chụp tháng 4/2021. Thanh Hà)

Đây là điều kiện bắt buộc mà các hướng dẫn viên khi hoạt động nghề nghiệp đã phải thực hiện. Hồ sơ để hướng dẫn viên có thể nhận được gói hỗ trợ từ Chính phủ hoàn toàn dựa trên những quy định đã ghi trong Luật Du lịch. Các hướng dẫn viên cần phải nắm rõ những quy định này khi hoàn thiện hồ sơ để cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ đúng thủ tục. Hiện nay, rất nhiều ý kiến của các hướng dẫn viên trên các diễn đàn kêu khó về thủ tục là do chưa nắm rõ các quy định trong Luật Du lịch.

Hiện nay, có bao nhiêu hướng dẫn viên là thành viên Hội hướng dẫn viên du lịch Việt Nam? Hội đã hỗ trợ gì cho các hướng dẫn viên trong việc giải quyết những khó khăn, thắc mắc để nhận được gói hỗ trợ 26.000 tỉ của Chính phủ?

- Hiện Hội hướng dẫn viên du lịch Việt Nam có khoảng 7.000 hội viên, đây là con số chưa cao so với số lượng hướng dẫn viên hiện có. Đến thời điểm này, các hội viên chưa gặp khó khăn gì trong việc làm thủ tục, phần lớn những thắc mắc, khó khăn đều từ các hướng dẫn viên ngoài hội. Chúng tôi cũng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các hội viên, nếu gặp bất cứ khó khăn, khúc mắc gì trong việc làm thủ tục xin hỗ trợ, Hội sẽ đứng ra bảo vệ quyền lợi, giải quyết.

Hướng dẫn viên "khó có cơ hội" chạm vào gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng - Ảnh 4.

Hướng dẫn viên đang thuyết minh tại bảo tàng Côn Đảo cho khách du lịch. (Ảnh chụp tháng 4/2021. Thanh Hà)

Thời gian tới, Hội sẽ làm gì để thu hút nhiều hơn nữa các hướng dẫn viên tham gia vào hoạt động Hội, thưa ông?

- Hội hướng dẫn viện du lịch Việt Nam được thành lập nhằm góp phần hỗ trợ hoạt động, bảo vệ quyền lợi, quản lý hội viên của mình cũng như giúp các cơ quan nhà nước có thể quản lý, nắm bắt hoạt động của lực lượng hướng dẫn viên du lịch. 

Hội có khá nhiều hoạt động, không chỉ là nơi để các hội viên giao lưu, chia sẻ về công việc mà còn tổ chức các sự kiện, hoạt động về chuyên môn cho các hướng dẫn viên, nâng cao chất lượng hoạt động của hướng dẫn viên. Hiện nay, do ảnh hướng của dịch Covid-19, hướng dẫn viên du lịch gặp rất nhiều khó khăn, nhiều người phải nghỉ việc, chuyển sang làm công việc khác khiến cho nguồn nhân lực lao động trong ngành Du lịch đang bị suy giảm nghiêm trọng. Vì thế Hội đã miễn đóng phí hội các hội viên mới và cũ, sẵn sàng chia sẻ khó khăn, hỗ trợ cho những hội viên đang gặp khó.

Cụ thể những chia sẻ đó là gì, thưa ông?

- Các chi hội ở nhiều địa phương đã sử dụng nguồn quỹ của mình để mua lương thực, thực phẩm thiết yếu hỗ trợ cho những hội viên đang có cuộc sống khó khăn. Mặc dù những hỗ trợ này không nhiều nhưng cũng là sự động viên, chia sẻ để các hướng dẫn viên tiếp tục giữ tình yêu với nghề để khi hết dịch Covid-19 sẵn sàng quay trở lại công việc.

Cảm ơn ông về những chia sẻ!

Theo Quyết định số 23/2021/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn viên du lịch được hỗ trợ cần phải có đủ điều kiện: Có thẻ hướng dẫn viên du lịch theo quy định của Luật Du lịch; có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa... Mức hỗ trợ cho đối tượng này là 3.710.000 đồng/người bằng phương thức chi trả 1 lần.

Ngay sau khi Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg được ban hành, việc triển khai trong thực tế gặp không ít tranh cãi. Trên nhiều diễn đàn của hướng dẫn viên, các câu lạc bộ du lịch, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, một số điều kiện không thật sự phù hợp với đặc thù lao động của hướng dẫn viên du lịch.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem