Huyện Đan Phượng (Hà Nội): Trên đà trở thành đô thị hiện đại

Việt Tùng Thứ ba, ngày 20/10/2020 09:12 AM (GMT+7)
Năm 2020, huyện Đan Phượng (Hà Nội) có 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao.
Bình luận 0

Đây là kỳ tích đối với một huyện thuần nông đã "thoát ly" cây lúa và đang tập trung ứng dụng KHKT để phát triển cây ăn quả theo định hướng trở thành sản phẩm OCOP, với 107 sản phẩm đăng ký. Hiện tốc độ tăng trương bình quân đạt 9,63%, thu nhập đạt hơn 61 triệu đồng/người/năm, Đan Phượng đang kỳ vọng sẽ trở thành một đô thị hiện đại trong tương lai.

Huyện Đan Phượng (Hà Nội): Trên đà trở thành đô thị hiện đại - Ảnh 1.

Những con số biết nói

Là huyện đi đầu trong việc xây dựng NTM, đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng KHKT vào sản xuất, đi đầu trong việc đưa một huyện thuần nông từng bước tiến lên đô thị, sau hơn 10 năm triển khai, Đan Phượng đã gặt hái được những thành tựu rất đáng tự hào.

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện Đan Phượng triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXIII trong điều kiện có nhiều thuận lợi và đạt được những thành tựu cao. Xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, trong nhiệm kỳ qua, Huyện ủy Đan Phượng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, Đảng bộ huyện Đan Phượng đã tập trung phát triển thương mại, dịch vụ, công nghiệp xây dựng và nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao.

5 năm qua, kinh tế của Đan Phượng tiếp tục phát triển đồng bộ cả về quy mô và chất lượng, giữ vững tốc độ tăng trưởng bình quân 9,63%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ; giảm tỷ trọng nông nghiệp - thủy sản. Toàn huyện có 1.044 doanh nghiệp đang hoạt động, 1.771 hộ sản xuất tập trung tại 5 cụm công nghiệp, 7 làng nghề, với diện tích trên 90,6ha, thu hút hàng vạn lao động, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân, tạo nguồn thu ngân sách bền vững. Thu nhập bình quân năm 2020 của Đan Phượng ước đạt 61,2 triệu đồng/người (gấp 2,1 lần so với năm 2015).

Huyện Đan Phượng (Hà Nội): Trên đà trở thành đô thị hiện đại - Ảnh 2.

Về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong nhiệm kỳ qua, huyện đã huy động được hơn 2.597 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 646 công trình ở tất cả các lĩnh vực. Nhờ đó, kết cấu hạ tầng của huyện được đầu tư tương đối đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo môi trường đầu tư thuận lợi; đồng thời nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Đặc biệt, công tác xây dựng NTM được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, với cách làm sáng tạo nên đã đạt kết quả nổi bật. Đến hết năm 2019, huyện có 9/15 xã được thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đan Phượng đang phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao tại 100% số xã trong năm 2020. Cũng trong 5 năm qua, huyện đã đầu tư trên 600 tỷ đồng xây dựng các trường học. Đến nay, toàn huyện đã có 52/52 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trong đó có 14 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Đưa huyện trở thành quận

Một trong những nhiệm vụ trong tâm của Nghị quyết Đại hội lần thứ XXIV Đảng bộ huyện Đan Phượng là phát triển huyện thành quận trong nhiệm kỳ 2020-2025. Đây là một định hướng đúng đắn, mang tính chiến lược nhằm tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua.

Huyện Đan Phượng (Hà Nội): Trên đà trở thành đô thị hiện đại - Ảnh 3.

Cụ thể, trong thời gian tới huyện sẽ tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, chú trọng phát triển kinh tế, làng nghề truyền thống, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đồng thời sẽ bổ sung và hoàn thiện các quy hoạch phù hợp với tiêu chí đô thị. Từ đó, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, trọng tâm là hệ thống giao thông, điện, cấp thoát nước...

Mặt khác, Đan Phượng tập trung phát triển văn hóa - xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; tăng cường, củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Cùng với đó, Đan Phượng tiếp tục xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể...

Đảng bộ huyện Đan Phượng cũng đề ra 2 khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025, đó là: Huy động mọi nguồn lực đầu tư, phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng tiêu chí quận; tạo thế và lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tạo dựng cảnh quan đô thị. Đồng thời, nâng cao hiệu lực quản lý điều hành của chính quyền; tập trung xây dựng chính quyền đô thị, tăng cường cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao ý thức trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Huyện Đan Phượng khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các làng nghề có thế mạnh. Cùng với đó là huy động các nguồn lực đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường, xử lý nước thải, rác thải ở các cụm công nghiệp - làng nghề. Cùng với sự nỗ lực của huyện, Đảng bộ và chính quyền huyện Đan Phượng mong muốn thành phố sớm triển khai các dự án đi qua địa bàn huyện như: Đường Tây Thăng Long, đường Vành đai 4, Vành đai 3,5 và các tuyến tỉnh lộ nhằm hoàn thiện và bảo đảm kết nối giao thông theo tiêu chí quận, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Huyện Đan Phượng (Hà Nội): Trên đà trở thành đô thị hiện đại - Ảnh 4.

Tập trung phát triển nông nghiệp đô thị

Ông Nguyễn Viết Đạt – Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan cho biết: "Đan Phượng có hơn 1.700 ha đất nông nghiệp, trong đó đất bãi sông rộng 530 ha. Trong quá trình xây dựng NTM, huyện đã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, biến vùng đất bãi thành vùng trồng hoa, cây ăn quả, rau an toàn... với kỹ thuật, công nghệ mới, ưu tiên nông nghiệp hữu cơ. Khi được xác định phát triển thành quận, Đan Phượng tiếp tục phát triển nền nông nghiệp đô thị, với thị trường chính là khu vực nội thành Hà Nội". 

Để đạt được chỉ tiêu phát triển thành quận, cơ cấu kinh tế các huyện ngoại thành phải chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ, giảm tỷ trọng công nghiệp, nông nghiệp. Đây là mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025 của cả năm huyện đặt ra. Tuy nhiên, dân cư tại các huyện ven đô còn thưa, cơ sở thương mại - dịch vụ nhỏ lẻ. Bởi vậy, cần có lộ trình thích hợp cho giai đoạn "quá độ" này. Xây dựng nông nghiệp đô thị là hướng đi mà các huyện đang trong lộ trình phát triển thành quận triển khai. Nông nghiệp đô thị chú trọng đầu tư khoa học, công nghệ để gia tăng tối đa giá trị sản xuất, trong bối cảnh diện tích canh tác hạn chế.

Những năm qua, Đan Phượng là địa phương thực hiện tốt việc chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp đô thị. Huyện đã tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật; hỗ trợ quảng bá, bán sản phẩm để khuyến khích người dân chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến. Nhờ đó, nhiều mô hình trồng hoa, trồng rau chất lượng cao đã ra đời.  "Có nhiều mô hình, với mức đầu tư khác nhau, tuy nhiên, chúng tôi khuyến khích các mô hình nông nghiệp sạch, nhưng mức đầu tư không quá cao" – ông Nguyễn Viết Đạt cho biết thêm.

Thực tế, ở Đan Phượng, hệ thống nhà ni-lông, nhà lưới đều sử dụng khung tre, nứa, cho nên suất đầu tư không lớn, được áp dụng đại trà. Người nông dân chủ động hoàn toàn về chiếu sáng, tưới tiêu, khống chế được các mầm bệnh, đem lại hiệu quả kinh tế rất cao.

Với định hướng rõ ràng và cách làm sáng tạo, linh hoạt và sực vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, tôi tin rằng Đan Phượng sẽ sớm trở thành một đô thị hiện đại, một quận ngoại thành phát triển của Hà Nội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem